Sợ ớn người với luật của hệ thống đạo đức Trung Quốc: Nhảy việc nhiều cũng có thể bị “xử đẹp”

Một đề xuất mới vừa được chính quyền đưa ra thêm vào danh sách các hình phạt cần áp dụng, trong đó “nhảy việc” cũng là tội.

Cho tới nay, có lẽ ít nhiều chúng ta đã biết về hệ thống chấm điểm đạo đức xã hội của công dân tại Trung Quốc, đặc biệt là những hình phạt nghiêm khắc như cấm mua vé tàu xe, bị bêu riếu trên màn hình… Tuy nhiên, bấy nhiêu điều đó dường như vẫn chưa kỳ lạ bằng một điều luật mới vừa được tiết lộ: Nhảy việc, đổi việc quá nhiều cũng bị “xử đẹp”.

Ngày trước, người ta thường chỉ nghĩ rằng những hành động trái luật thường ngày trong cuộc sống như nợ nần, phá hoại của công, vi phạm giao thông mới dễ bị phạt. Lần này, bộ luật xử phạt liên quan tới chuyện nhảy việc nhiều thực ra chưa được chính thức áp dụng, nhưng đã là một đề xuất của tỉnh Chiết Giang trình lên chờ chấp thuận.

Sợ ớn người với luật của hệ thống đạo đức Trung Quốc: Nhảy việc nhiều cũng có thể bị xử đẹp - Ảnh 1.

Theo nguồn nhanh nhất từ trang tin địa phương, chính quyền cũng đã phổ biến điều này tới cư dân của họ. “Nếu một người liên tục nghỉ việc và đổi chỗ làm liên tục, điểm đánh giá đạo đức xã hội của họ chắc chắn sẽ bị giáng hạ,” trích lời một quan chức của tỉnh Chiết Giang.

Được biết, quyết định này được tham khảo từ những lời phàn nàn của các ban tuyển dụng nhân sự, cho biết họ không có cách nào cứu vãn tình thế mỗi khi có nhân viên nhất mực đòi nghỉ việc. Mức độ và tần suất nhảy việc xứng đáng bị phạt vẫn chưa được công bố. Một hashtag liên quan đến chuyện này đã thu hút hơn 60 triệu tương tác trên Weibo, hầu hết trong số đó đều là lời lẽ phản đối, chỉ trích chính sách này.

Sợ ớn người với luật của hệ thống đạo đức Trung Quốc: Nhảy việc nhiều cũng có thể bị xử đẹp - Ảnh 2.

Nhảy việc quá nhiều có thể trở thành nguyên nhân để phạt đạo đức xã hội ở Trung Quốc.

Một số hình phạt nặng khác ngoài chuyện cấm vé tàu xe còn có thể kể tới việc bị bêu xấu, bị báo động là con nợ khi ở gần (thông qua một ứng dụng kết nối nhận diện). Do đó, người dân Trung Quốc đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc sở hữu một nhân phẩm tốt đẹp, không “tạo nghiệp”.