Sai lầm chết người dẫn đến những đổ vỡ ở ngân hàng Đông Á

Ông Trần Phương Bình.

Ông Trần Phương Bình đã cho kinh doanh ngoại hối với các đối tác nước ngoài khi chưa được nhà nước cấp phép dẫn đến thiệt hại 24 triệu USD và những sai phạm về sau.

Trong đại án ngân hàng Đông Á sắp được TAND TP HCM đưa ra xét xử, ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị) bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, đầu tư tại ngân hàng này trái quy định, gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Bình và các nhân viên gây thiệt hại gồm: 1.160 tỷ đồng mua hơn 74.000 cổ phần ngân hàng Đông Á, 470 tỷ do xuất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn, hơn 610 lượng vàng tài khoản, hơn 53 tỷ tất toán tài khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng, kinh doanh ngoại hối…

Việc thiệt hại hơn 3.500 tỷ đồng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ngân hàng Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ.

Kinh doanh ngoại hối trái phép

Trong số các hành vi phạm tội, việc ông Bình cho kinh doanh ngoại hối với các đối tác nước ngoài đã gây thiệt hại hơn 24 triệu USD cho đơn vị này.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2001 đến 2005, dù Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép mua bán ngoại hối trên thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, ông Bình vẫn chỉ đạo cấp dưới mở các tài khoản giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng ở Singapore và Thụy Sỹ.

Sai lầm chết người dẫn đến những đổ vỡ ở ngân hàng Đông Á - Ảnh 1.

Việc kinh doanh ngoại hối trái phép là sai phạm dẫn đến những thiệt hại về sau của ngân hàng Đông Á.

Cụ thể, Trưởng phòng kinh doanh Nguyễn Huỳnh Đăng và 2 nhân viên ngân hàng đã tiến hành giao dịch với các ngân hàng quốc tế thông qua kênh liên lạc màn hình, thể hiện các nội dung mua bán và thanh toán ngoại tệ.

Sau 2 năm hoạt động với hình thức kinh doanh này, ngân hàng Đông Á bắt đầu liên tục làm ăn sa sút và thua lỗ. Quá trình kinh doanh ở Singapore thâm hụt 21 triệu USD, ở Thụy Sỹ thâm hụt hơn 3 triệu USD. Do đó, ông Bình còn chỉ đạo thuộc cấp thương lượng với các ngân hàng ở nước ngoài được trả chậm có tính lãi, đảm bảo bằng hàng chục triệu USD tiền gửi của ngân hàng Đông Á nhưng không được hạch toán trên sổ sách theo dõi.

Mua khống ngoại tệ để che giấu sai phạm

Để che giấu hành vi phạm tội, từ tháng 3/2006 đến đầu năm 2007, ông Bình chỉ đạo nhân viên ngân hàng lập khống 16 phiếu thu ngoại tệ. Nội dung thể hiện nhập hơn 20 triệu USD về kho quỹ ngân hàng.

Sau đó, Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á tiếp tục chỉ đạo sử dụng 70 tỷ đồng và 25.000 lượng vàng trong kho quỹ để mua lại 24 triệu USD tại các tiệm vàng để bù vào các phiếu thu ngoại tệ khống bên trên. Hành vi này gây thiệt hại 380 tỷ đồng cho ngân hàng Đông Á.

Xác định tại cơ quan Hải quan cho thấy, ngân hàng Đông Á không làm thủ tục mở các tờ khai hải quan để nhập khẩu ngoại tệ từ các ngân hàng nước ngoài.

Cơ quan điều tra xác định việc mua bán ngoại tệ ở thị trường nước ngoài của ngân hàng Đông Á là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, đến ngày 10/12/2008, ngân hàng Nhà nước mới cấp phép cho ngân hàng Đông Á thực hiện các giao dịch ngoại hối ở thị trường nước ngoài.

Bộ Công an đã có yêu cầu tương trợ tư pháp thông qua VKSND Tối cao gửi cho các nước Singapore, Thụy Sỹ đề nghị phối hợp xác minh, làm rõ việc kinh doanh ngoại hối của DongABank với ngân hàng nước ngoài.

Mặc dù chưa có văn bản phúc đáp, cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng “đây là các tài liệu bổ trợ cho kết quả điều tra, không làm ảnh hưởng đến bản chất sự thật khách quan của vụ án”.

Sếp Đông Á đưa Vũ “nhôm” 13,4 triệu USD

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, từ 11/10/2012 – 12/3/2015, ông Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ hội sở ngân hàng Đông Á) xuất quỹ chi sai nguyên tắc 12 khoản tổng cộng hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho ông Bình.

Để mua khoản ngoại tệ này, phòng kinh doanh hội sở ngân hàng Đông Á đã tổ chức nhân viên thường trực tại một số chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống ngân hàng thực hiện mua bán ngoại tệ với các khách hàng.

Sai lầm chết người dẫn đến những đổ vỡ ở ngân hàng Đông Á - Ảnh 3.

Cơ quan điều tra đang làm rõ số tiền 13,4 triệu USD mà ông Trần Phương Bình chuyển cho Vũ “nhôm”.

Ông Trần Phương Bình thừa nhận 13,4 triệu USD ông mua giúp cho ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), còn 500.000 USD ông Bình đưa cấp dưới để chi phí thuê tư vấn, tìm kiếm đối tác. Ông Bình khai chuyển lần lượt 9 lần cho Vũ Nhôm, lần chuyển ít nhất là 1 triệu USD, nhiều nhất là 3 triệu USD.

Trong khi đó, Vũ “nhôm” lại khai chỉ nhờ ông Bình mua hộ 3,2 triệu USD, còn 10,2 triệu USD là khoản tiền vay mượn của ông ta. Đến nay, Vũ chưa trả số tiền này cho ông Bình và cũng không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua 13,4 triệu USD.

Trong giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan CSĐT Bộ công an tiếp tục điều tra làm rõ việc ông Trần Phương Bình chuyển cho Vũ “nhôm” số tiền 13,4 triệu USD. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý theo quy định.

Các bị can khác bị truy tố:

– Tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc), Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định).

– Tội Cố ý làm trái gồm các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng Đông Á: Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng ngân quỹ Hội sở), Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở), Nguyễn Văn Thuận (nguyên phó giám đốc), Trần Thế Hùng (nguyên thủ quỹ)…

– Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn, đều nguyên là cán bộ ban kiểm soát ngân hàng.

– Liên quan tới vụ án này, ngày 28/12/2012, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Nguyễn Huỳnh Đăng (nguyên trưởng phòng kinh doanh ngân hàng Đông Á) về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi khởi tố, Đăng bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định ra lệnh truy nã đối với bị can Nguyễn Huỳnh Đăng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.