Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Một trung tâm – Hai hành lang kinh tế – Ba đột phá phát triển – Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Chiều 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng dự có lãnh đạo đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định; các nhà khoa học, chuyên gia – Ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định và đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&ĐT.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương – Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.

Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Trọng Tấn – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình bày tại Hội nghị cho thấy: Quy hoạch được xây dựng dựa trên năm quan điểm phát triển, bao gồm: Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Đất Tổ; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo QP-AN.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu

Tỉnh Phú Thọ đưa ra các trọng tâm phát triển gồm Một trung tâm – Hai trục (hành lang) kinh tế. Trong đó: Đô thị Việt Trì mở rộng, là đô thị loại I, trung tâm quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trọng tâm là phát huy vai trò thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Hai trục (hành lang) kinh tế, bao gồm: Trục Đông – Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến QL.2D hiện hữu; đường liên vùng nối đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái. Trục Bắc – Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến Cao tốc Bắc Nam phía Đông (cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, cao tốc đoạn tuyến Cổ Tiết – Chợ Bến, Hòa Bình); một phần tuyến Quốc lộ 2; đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 70B đi tỉnh Hòa Bình; cầu Tình Cương, cầu Vĩnh Lại.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch xác định ba đột phá phát triển của Phú Thọ là: Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đồng thời đề xuất bốn nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở bốn lĩnh vực: Du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; làm mới sản xuất, kinh doanh và tổ chức theo hướng hiện đại; thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh…

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, đại biểu cơ bản đánh giá Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng khá công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về lập quy hoạch; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của quốc gia; phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khai thác, phát huy tốt vị trí địa kinh tế – chính trị, lợi thế, tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng Đất Tổ; phương pháp lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, đảm bảo theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản có liên quan.

Trên cơ sở hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ cũng đã làm rõ được điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, vị trí của tỉnh đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; tổ chức, phân bố không gian và cơ cấu lại các ngành kinh tế, các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển cơ bản phù hợp, phát huy tốt khả năng, cơ hội liên kết của tỉnh với vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng Sông Hồng, nhất là liên kết phát triển kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh; kết nối và tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội…

Toàn cảnh hội nghị

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; lựa chọn kịch bản, trụ cột tăng trưởng, đề xuất mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời kỳ quy hoạch, bảo đảm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của vùng và điều kiện thực tiễn của tỉnh; xem xét, bổ sung thêm quan điểm về tăng trưởng xanh, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để phát triển kinh tế của tỉnh…

Với 26/26 phiếu đồng ý, đạt 100%, Hội đồng thẩm định đã thông qua quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.

Thay mặt tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang trân trọng cảm ơn các đại biểu đã tâm huyết, trách nhiệm tham gia ý kiến và khẳng định, trên cơ sở ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí chủ trì hội nghị, ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia phản biện, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp thu đầy đủ, có báo cáo giải trình cụ thể từng nội dung, gửi xin ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng thẩm định theo quy định trước khi triển khai các bước tiếp theo. Tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, giúp tỉnh Phú Thọ trong quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết một số vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Phú Thọ có cơ hội bứt phá phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng cũng như tinh thần cầu thị của tỉnh Phú Thọ trong việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch. Đồng thời, đề nghị tỉnh Phú Thọ tổ chức rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng… để tránh mâu thuẫn, xung đột; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ ngành, các chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đinh Vũ
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/trong-tinh/quy-hoach-tinh-phu-tho-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-mot-trung-tam-hai-hanh-lang-kinh-te-ba-dot-pha-phat-trien-bon-nhiem-vu-trong-tam/190999.htm