Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp, khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen (Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Xê-na Pạ-đây Tê-chô Hun Sen) sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/10/2019. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai trong vòng 1 năm của Thủ tướng Hun Sen, sau khi Campuchia thành lập Chính phủ nhiệm kỳ VI vào tháng 9/2018.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp, khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.
Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống. Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, kể cả bằng sinh mệnh của mình. Bên cạnh đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển tốt đẹp.
Quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia có nhiều tiến triển tích cực. Hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên được duy trì ở cả cấp cao và các bộ, ngành, địa phương, củng cố thêm sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Sau bầu cử Quốc hội khóa VI của Campuchia và Chính phủ mới được thành lập, hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao quan trọng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm cấp nhà nước Campuchia (25 – 26/2/2019); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 (APPF 28) tại Campuchia tháng 1/2019. Việt Nam đón Quốc vương Campuchia thăm nghỉ dưỡng (19 – 21/12/2018); Thủ tướng Hun Sen thăm chính thức (6 – 8/12/2018) và dự tang lễ cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh (2 – 3/5/2019); Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin thăm chính thức (28 – 30/5/2019); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn thăm chính thức từ 26 -27/11/2018; tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ 10 từ 9 -10/1/2019; kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (ngày 4/1/2019). Thủ tướng hai nước thường xuyên gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương. Tháng 8/2019, hai bên đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
Triển khai Kế hoạch hợp tác an ninh – quốc phòng hằng năm, hai bên đã tiến hành Đối thoại Chính sách quốc phòng thường niên, trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao quốc phòng, giữa các quân khu, quân chủng, đơn vị quân đội, phối hợp tốt trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, tổ chức Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam – Campuchia; tuần tra chung trên biển lần thứ 56 giữa Vùng 5 Hải Quân và Căn cứ Biển Campuchia. Hợp tác an ninh được đẩy mạnh, hai bên tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống các loại tội phạm, giữ ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng đều qua từng năm và đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với hơn 4,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2017), 8 tháng đầu năm 2019 đã đạt hơn 03 tỷ USD. Về đầu tư, Việt Nam có trên 200 dự án đầu tư vào Campuchia, tổng vốn đăng ký trên 03 tỷ USD, tập trung trong một số lĩnh vực: trồng cao su, viễn thông, tài chính, ngân hàng, năng lượng… Các công ty lớn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia gồm: Miliket, Vifon, Bitis, Bình Điền, Acecook, các ngân hàng lớn (BIDV, SHB, Agribank, Sacombank, MB), doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam (Viettel, Cao su, Điện lực..).
Hai bên đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020, Chiến lược hợp tác giao thông vận tải tầm nhìn đến năm 2030, Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ, sửa đổi Hiệp định vận tải đường thủy.
Về Hỗ trợ kỹ thuật, Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Campuchia hằng năm (năm 2018 viện trợ cho Campuchia 193 tỷ đồng, năm 2019 là 235 tỷ đồng); một số dự án hợp tác tiêu biểu giữa hai nước như: Nhà làm việc của Ban thư ký Quốc hội Campuchia (25 triệu USD); Trung tâm cai nghiện tự nguyện tại tỉnh Sihanouk (3 triệu USD); tăng cường năng lực cho các đài phá thanh, truyền hình Campuchia; trường THPT ở tỉnh Mondullkiri, chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum…
Về Giáo dục – đào tạo, Việt Nam cung cấp trung bình 100 suất học bổng/năm theo diện Hiệp định và hàng trăm suất học bổng trên các lĩnh vực.
Về Y tế, Hai bên hợp tác tạo điều kiện cho người dân Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh với mức viện phí tương đương công dân Việt Nam.
Năm 2017 du khách Việt Nam thăm Campuchia đạt khoảng 800.000 người, năm 2018 đạt 835.000 người, là nước có lượng khách du lịch đến Campuchia đứng thứ hai.
Về Hợp tác khu vực và quốc tế: Hai nước đều là thành viên một số tổ chức quốc tế (LHQ, WTO, ASEM) và khu vực như ASEAN, Ủy hội sông Mê Công (MRC), Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc Hành lang Đông – Tây (WEC), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady – Chao Praya – Mekong (ACMECS), Campuchia-Lào-Mianma-Việt Nam (CLMV), Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV).
Việt Nam ủng hộ Campuchia ứng cử là thành viên ECOSOC nhiệm kỳ 2017 -2019. Campuchia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Điều hành liên minh bưu chính thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017-2020, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021, UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nhất trí phối hợp trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN và Campuchia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM 13).