Phương châm và 6 chữ vàng

“Chủ động, tích cực, sáng tạo” trong cải cách hành chính (CCHC) là cụm từ được Thủ tướng Phạm Minh Chính sử dụng khi chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Công bằng mà nói, năm 2022, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác CCHC, trong đó có nhiều điểm sáng, như công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; góp phần khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Nhận thức về CCHC của cả hệ thống chính trị được nâng lên; việc triển khai các nhiệm vụ CCHC được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. CCHC không còn là chuyện “trên nóng, dưới lạnh” nữa mà đã thực sự chuyển động.

thu-tuong-1699

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác CCHC. Cũng xin nhắc lại, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ tướng đã chủ trì 2 phiên họp của Ban Chỉ đạo, 1 hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; 1 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường. Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Đã cắt giảm, đơn giản hóa cả ngàn quy định kinh doanh tại hơn trăm văn bản… Đến bất cứ trụ sở UBND cấp xã, phường nào cũng thấy “bộ phận một cửa” các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đó là điều công dân nào cũng dễ ghi nhận.

Đặc biệt nữa, chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ý nghĩa của công tác CCHC thật lo lớn, nó không chỉ tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân; mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch…

Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ CCHC chưa hoàn thành; vẫn còn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; còn tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu trong thực hiện TTHC; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp còn chưa cao; dịch vụ công trực tuyến còn nặng về hình thức. Điều đó cho thấy, còn rất nhiều việc phải làm.

CCHC là trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì vậy, chủ động, tích cực, sáng tạo nhưng phải hiệu quả, thiết thực.