Ảnh minh họa: Getty
Trung Quốc hiện đang cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề biểu tình ở Hong Kong đã gây ra không ít rủi ro chính trị cho Bắc Kinh.
Lời cảnh báo gay gắt
Ngày hôm nay (13/10), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh báo rằng mọi mưu đồ nhằm chia rẽ Trung Quốc sẽ bị dập tắt giữa bối cảnh Bắc Kinh phải đối diện với những thách thức chính trị từ các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong.
“Bất kì kẻ nào có ý định chia rẽ bất kì phần lãnh thổ nào của Trung Quốc sẽ bị thịt nát xương tan,” ông Tập nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nepal Sharma Oli – CCTV đưa tin.
“Và bất kì thế lực nước ngoài nào ủng hộ kế hoạch chia rẽ Trung Quốc sẽ bị người dân Trung Quốc coi là những kẻ mơ mộng hão huyền!” – ông Tập nói.
Ông Tập là lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm cấp nhà nước Nepal trong 22 năm qua. Hai bên dự kiến sẽ kí thỏa thuận nối dài tuyến đường sắt giữa quốc gia ở vùng Himalaya và Tây Tạng.
Đáp lại lời nói của ông Tập, ông Oli cho biết Nepal sẽ phản đối “mọi hành vi chống Trung Quốc” trên lãnh thổ nước này.
Trung Quốc hiện đang cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề biểu tình ở Hong Kong đã gây ra không ít rủi ro chính trị cho Bắc Kinh.
Theo Reuters, các vụ biểu tình ở Hong Kong là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây. Cảnh sát Hong Kong đã phải sử dụng đạn cao su, khí hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ rất khó để đàm phán với Trung Quốc nếu một chuyện gì đó “không hay” xảy ra đối với Hong Kong.
Ông Trump cho biết ông đã đàm phán vấn đề Hong Kong với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào ngày 12/10 trong các vòng đối thoại mới nhất. Hai bên đã đạt được “thỏa thuận giai đoạn 1”, đem lại những tín hiệu lạc quan cho các vòng đối thoại sau này. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết toàn diện và các thuế quan đã áp dụng chưa được gỡ bỏ.
Tuần trước, Washington đã đưa 28 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì vấn đề Tân Cương.
Chuyến thăm Ấn Độ
Trước khi tới Nepal, ông Tập cũng đối thoại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về vấn đề Kashmir và những cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh ở Tây Tạng.
Ông Tập và ông Modi đã đối thoại trong gần 6 tiếng đồng hồ tại một thị trấn bên bờ biển của Ấn Độ.
“Cuộc đối thoại về thương mại đạt được những kết quả tốt; ông Tập nói Trung Quốc đã sẵn sàng hành động và sẽ thảo luận một cách rõ ràng về việc giảm thâm hụt thương mại,” một nguồn tin nói.
Giao dịch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ đạt 95,54 tỉ USD vào năm 2018. Thâm hụt thương mại giữa hai nước là 53 tỉ USD, mức thâm hụt lớn nhất của Ấn Độ đối với một quốc gia khác.
Các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ từ lâu đã tìm cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, ngành dịch vụ công nghệ thông tin (IT) cũng có nhu cầu này. Ông Tập nói Trung Quốc luôn đón chào những mối quan hệ hợp tác như vậy.
Về phần mình, Trung Quốc thúc giục Ấn Độ đưa ra quyết định độc lập về hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông của Huawei cho thị trường mạng 3G và đừng để bị tác động bởi áp lực từ Mỹ.
Mỹ đã yêu cầu các đồng minh không sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei, cho rằng Trung Quốc có thể lợi dụng để thu thập tin tức tình báo. Bắc Kinh đã phủ nhận thông tin này.
Trong bài phát biểu mở đầu, ông Tập nói ông sẵn sàng đối thoại thẳng thắn và cởi mở với ông Modi nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. “Chúng tôi đã nói chuyện như những người bạn. Tôi rất trông đợi vào các cuộc thảo luận sau này,” ông Tập nói.