ĐBQH Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, tại sao không bảo vệ ngành sản xuất rượu bia Việt Nam khi nó là ngành sản xuất gắn liền với rất nhiều người lao động, nguồn lực cho đất nước.
Sẽ gửi văn bản hỏi WHO
Sau các phát biểu tranh luận của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tại Quốc hội vào sáng 23/5 đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau.
Sáng 24/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có những trao đổi với PV Báo Trí Thức Trẻ xung quanh phát biểu này.
Phát biểu của ông về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia trên Quốc hội vào sáng 23/5 đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người phản đối, không đồng tình. Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Dương Trung Quốc: Như tôi đã nói, ở đây, với dự Luật phòng chống tác hại của rượu bia phải tiếp cận từ văn hóa còn ở đây toàn bộ tiếp cận từ y tế trong khi y tế chỉ là một góc.
Khi tiếp cận từ văn hóa mới có thể bền vững và văn hóa là phải kiểm soát được nó, từ kiểm soát Nhà nước, kiểm soát sản xuất, tiêu thụ cho đến mỗi người tự kiểm soát mình, mới bền vững.
Tôi hỏi Bộ trưởng, tại sao cứ gán anh sản xuất nhiều rượu bia là hậu quả. Như Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nước trên mình, tiên tiến nhưng lại có những nhãn rượu nổi tiếng thế giới như di sản văn hóa. Cực đoan của anh chỉ dẫn đến luôn luôn coi rượu bia là độc hại.
Tôi sẽ gửi văn bản cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỏi xem biển cảnh báo ở Việt Nam, in uống rượu bia độc hại có đúng không. Cực đoan như thế không được.
Rượu bia là sản phẩm của con người và chúng ta từng thấy, những người thợ mỏ Quảng Ninh đã quý ngụm bia trong ngày lao động năng nhọc như thế nào.
Cách đặt vấn đề trong dự Luật, tôi thấy, đang có sự né tránh cốt lõi vấn đề là năng lực kiểm soát kém và không lấy con người là chính mà chỉ lấy chế tài.
Tôi hoàn toàn ủng hộ xây dựng Luật như thế này và chế tài cần nặng nữa nhưng anh không thể cực đoan hóa cứ coi rượu bia là độc hại và Luật pháp rất quan trọng là dùng ngôn từ, tức chữ viết, ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải chuyển tải cho đủ.
Một Luật chống tác hại của rượu bia không khác gì Luật chống ma túy, thuốc lá và nguyên tắc, liệu có Luật chống độc hại của gạo và tinh bột không? Bởi cái gì thái quá cũng có thể gây hại, dùng tinh bột nhiều có thể gây tiểu đường…
Mặc dù, Liên Hợp Quốc có khuyến nghị, riêng với rượu bia phải quan tâm đến đặc thù của từng vùng, miền, từng thể trạng con người, chứ không thể đánh đồng là một.
Ông Dương Trung Quốc giơ một bản tuyên truyền do Tổ chức Y tế thế giới ở Việt Nam phát hành, trên bìa có chữ “… phòng chống tác hại của rượu bia”. Ảnh Gia Hân.
Trong phát biểu của mình trước Quốc hội, ông cho rằng, việc sử dụng rượu bia là “văn hóa nhân loại, tại sao đưa lên đoạn đầu đài?” Một số ý kiến không đồng tình với phát biểu này và cho rằng, không thể coi như vậy được. Ông giải thích thế nào về điều này?
Ông Dương Trung Quốc: Văn hóa nhân loại chứ sao không. Tôi xin hỏi, Tết chúng ta có dâng chén rượu lên bàn thờ ông bà tổ tiên không? Hàng nghìn năm nay chúng ta vẫn làm như vậy.
Ở đây, cái chính là chúng ta sử dụng rượu bia như thế nào thôi. Cái gì cũng có mặt trái ở góc độ văn hóa. Nếu anh yêu nước thái quá cũng không được.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát biểu của ông về dự Luật chỉ nhằm bảo vệ ngành sản xuất rượu bia, có lợi ích nhóm, việc lobby phía sau?
Ông Dương Trung Quốc: Tại sao không bảo vệ nó nếu nó là chính đáng. Thậm chí có người bảo tôi lobby, đại biểu Quốc hội lobby.
Tại sao không lobby. Lobby là cái gì? Là phải làm sáng tỏ nó ra còn nếu có hành vi nào mờ ám, thiếu trách nhiệm thì vi phạm pháp luật.
Tại sao ta không lắng nghe ý kiến của nhiều chiều. Vấn đề mình đặt ra có chính xác hay không.
Tại sao không bảo vệ ngành sản xuất rượu bia Việt Nam khi nó là ngành sản xuất gắn liền với rất nhiều người lao động, nguồn lực cho đất nước.
Đã có nhiều ĐB cảnh báo, nếu không cải thiện được yếu tố văn hóa thì người dân lại xài loại rượu bia ngoài luồng và không kiểm soát được sẽ tai hại hơn rất nhiều khi buôn lậu, bán giá rẻ gây thất thu thuế.
Còn tôi dám bảo vệ ngành rượu bia Việt Nam để nó phát triển tích cực. Tôi dám nói điều đó!
“Theo tôi nên đặt là Luật kiểm soát rượu bia”
Ông thấy sao khi thực tế, hiện nay, thực trạng sử dụng rượu bia tràn lan và theo số liệu của cơ quan chức năng, tai nạn giao thông do nồng độ cồn, rượu bia gây ra đến mức rất báo động, do đó, cần thiết phải ban hành sớm Luật này để có những cảnh báo, chế tài xử lý?
Ông Dương Trung Quốc: Ta cứ nói như vậy, đổ vấy còn rượu bia có một phần gây ra nhưng hãy nghiên cứu kỹ xem, rượu bia là rượu bia gì, đường sá ra sao, đào tạo lái xe ra sao? Có rất nhiều yếu tố chứ đâu phải một thứ.
Thêm vào đó, tai nạn giao thông có thể có nhưng đó là nguyên nhân vì rượu hay vì người uống rượu? Nếu tôi uống một cách đoàng hoàng, không làm gì thì sao? Chúng ta cần điều chỉnh hành vi con người chứ không phải điều chỉnh hành vi rượu.
Ở đây, tôi nói là cách đặt vấn đề còn các chế tài, cần phải xử lý tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi ủng hộ việc xử lý một cách hợp lý nhất chứ không phản đối Luật này. Kể cả thuế chúng ta hãy tính toán cho kỹ.
Sau khi nghiên cứu ông thấy điều bất cập nhất của dự Luật là gì?
Ông Dương Trung Quốc: Bất cập ngay từ cái tên. Phải chăng họ cứ cố gắng xếp rượu bia vào nhóm độc hại để có quỹ sử dụng, giống như phòng, chống thuốc lá.
Với thuốc lá tôi thấy, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời tốt, dù chưa phạt được ai nhưng việc tuyên truyền tốt giúp mọi người ý thức hơn và các không gian, nơi công cộng đảm bảo tốt. Tuy nhiên, không thể đặt vấn đề với rượu bia như vậy.
Cái không ổn nữa là giao cho Bộ Y tế xây dựng dự Luật nhưng họ chỉ đứng ở góc độ giải quyết hậu quả.
Vậy, theo ông nên xây dựng Luật này theo hướng nào?
Ông Dương Trung Quốc: Theo tôi nên đặt là Luật kiểm soát rượu bia. Tôi xin nói, cứ dẫn nhiều người cũng có Luật nhưng có nước nào xây dựng Luật chống tác hại của rượu bia không? Không ai trả lời cả.
Cũng như câu nói, Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất, tiêu thụ rượu bia thì đứng thứ nhất, thứ hai là ai. Lúc thì công bố Trung Quốc, Nhật Bản.
Vậy, hai nước này có phải các nước tiên tiến không? Thậm chí họ còn có các nhãn rượu nổi tiếng thế giới. Tại sao chúng ta lại cứ đi tự cầm đèn chạy trước ô tô.
Chúng ta thấy thực trạng và phải tìm cách giải quyết nhưng cách tiếp cận như hiện nay, tôi không tán thành khi giao cho Bộ Y tế, bởi họ chỉ nhìn ở hậu quả thôi. Theo tôi nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tốt hơn.
Ở đây, tất cả né tránh trách nhiệm lớn nhất là kiểm soát. Uống rượu ngộ độc phần lớn là rượu nằm ngoài kiểm soát. Rồi ở đâu cũng cho mở cửa hàng với lợi ích, thu thuế, việc này cần có điều Luật chứ không phải lỗi của bia rượu.