Một số chuyên gia cho biết các bài kiểm tra ADN không nói lên được điều gì về các đặc điểm phức tạp của con người.
Nhiều tháng sau khi có một cô con gái kháu khỉnh vào năm 2017, Chris Jung mang một ống nghiệm chứa nước bọt của con mình đến phòng thí nghiệm gene ở công ty anh đang làm tại Hong Kong. Anh ấp ủ trong mình những tham vọng lớn dành cho con gái, và đang tìm kiếm những manh mối về tương lai đó trong ADN của cô bé. Cô có thể trở thành một chuyên gia tài năng, thậm chí có thể là một bác sỹ nữa – anh nghĩ.
Nhưng những kế hoạch mà Jung đặt ra đã có sự thay đổi sau khi các kết quả phân tích về ADN của con gái anh cho thấy bé có tiềm năng mạnh về âm nhạc, toán học, và thể thao, trong khi lại yếu về khả năng ghi nhớ các chi tiết. Jung cho biết khi cô bé lớn lên, anh sẽ dồn mọi nguồn lực để phát triển những tài năng đó, và hướng cô bé khỏi những ngành nghề đòi hỏi trí nhớ.
“Ban đầu, tôi thích bé trở thành một chuyên gia, như bác sỹ hay luật sư. Nhưng khi tôi nhìn vào các kết quả, nó cho thấy trí nhớ của bé khá tệ. Tôi thay đổi kỳ vọng của minh bởi nếu tôi muốn bé trở thành một chuyên gia, bé cần phải học nhiều và nhớ nhiều” – Jung nói. Anh hiện là Giám đốc điều hành của Good Union Corp, công ty mẹ của Gene Discovery, công ty đã thực hiện bài kiểm tra ADN cho con gái anh.
Kiểm tra ADN đã trở thành một ngành kinh doanh lớn trên toàn thế giới
Hơn một nửa số khách hàng của Gene Discovery đến từ Trung Quốc đại lục – nơi các vị phụ huynh rất háo hức muốn con mình trở thành những thần đồng, gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của một ngành công nghiệp đang gặp thời nhưng hầu như chưa có quy chế quản lý nào. Tình trạng này phản ánh xu hướng của Trung Quốc đang tìm cách vượt mọi rào cản trong lĩnh vực gene – một phần trong một cuộc đua rộng lớn hơn nhằm thống trị lĩnh vực này.
Kiểm tra ADN: trò bói toán sinh học
Dù đang dần trở nên phổ biến trên toàn cầu, người tiêu dùng tham gia thử nghiệm gene đang bùng nổ tại Trung Quốc. Công ty nghiên cứu Global Market Insight ước tính doanh thu của các dịch vụ kiểm tra ADN sẽ tăng gấp 3, lên mức 135 triệu USD vào năm 2024, từ mức hiện nay là 41 triệu USD. Các công ty khác, như EO Intelligence, dự đoán tốc độ phát triển thậm chí còn nhanh hơn, đạt 405 triệu USD vào năm 2020. EO Intelligence còn dự báo rằng đến thời điểm đó, 60 triệu người tiêu dùng Trung Quốc sẽ sử dụng các bộ kit kiểm tra ADN, tăng từ 1,5 triệu người vào năm ngoái.
Hiện nay, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm một con số rất nhỏ so với con số 300 triệu USD tại Mỹ, nhưng công ty kỳ vọng điều đó sẽ sớm thay đổi, với doanh thu thường niên tại Trung Quốc sẽ tăng gần 17% từ nay cho đến 2025, so với 15% tại Mỹ.
Gene Discovery là một trong số các công ty nổi lên nhằm đáp ứng nhu cầu đăng tăng cao đó: họ giống như những bà thầy bói thời hiện đại, và ADN của khách hàng giống như những quân bài ta-rốt. Chỉ cần tìm kiếm trên nền tảng mua sắm trực tuyến JD.com, bạn sẽ thấy hàng chục công ty cung cấp dịch vụ kiểm tra gene tài năng dành cho trẻ sơ sinh và các em nhỏ. Những hứa hẹn của họ đưa ra đều “ảo” như nhau, rằng sẽ giúp các bậc phụ huynh khám phá ra những “tài năng tiềm ẩn” của con cái mình trong mọi thứ, từ logic đến toán học, đến thể thao, và thậm chí là cả trí tuệ cảm xúc nữa. Giúp con bạn “giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát” là một khẩu hiệu quảng cáo khá phổ biến.
Trong một xã hội như Trung Quốc, với 15 triệu em bé sinh ra chỉ trong năm ngoái, sức hút từ các dịch vụ như vậy là cực lớn. Nhưng nhiều lời có cánh từ các công ty mới thành hình kia – rằng ADN có thể được dùng để đánh giá năng lực ghi nhớ dữ liệu, khả năng chịu đựng căng thẳng, hay thể hiện khả năng lãnh đạo – giống như bói toán tử vi hơn là khoa học thực thụ. Các nhà phê binh nói rằng trong nhiều trường hợp, ngay cả những khẳng định bắt nguồn từ khoa học, như đánh giá nguy cơ tự kỷ, cũng đều dựa trên những nguyên cứu sơ khai vốn chưa hoàn toàn được hiểu rõ.
“Không hề có một nền tảng khoa học nào cho phép bạn khẳng định chắc chắn những thứ như vậy cả” – Gil McVean, một nhà di truyền học tại Đại học Oxford, giám đốc Viện Dữ liệu lớn, nói. Viện của ông tập trung phân tích dữ liệu gene và sinh học để ngăn ngừa và chữa trị nhiều chứng bệnh.
Các lãnh đạo của Gene Discovery noi rằng họ không hề đưa ra chỉ dẫn hay lời khuyên mang tính kết luận nào – thay vào đó là vạch ra những nguy cơ sức khỏe và những tài năng tiềm ẩn mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo trong bối cảnh một nền văn hóa cạnh tranh dữ dội. Sau nhiều thập kỷ thi hành các điều luật dân số nghiêm ngặt, Trung Quốc đã bãi bỏ chúng vào năm 2016, và lúc này hầu hết các bậc phụ huynh nước này vẫn chỉ có một đứa con duy nhất – đứa trẻ đại diện cho mọi tham vọng của họ.
Những tham vọng lớn
“Các bài kiểm tra ADN có thể là công cụ lèo lái và tạo động lực, để phụ huynh có thể mang lại cho con cái họ những tài nguyên phù hợp hơn” – Jung nói. Các bài kiểm tra được bán trên website của Gene Discovery có giá khoảng 575 USD, bao gồm một “gói i-Genius” nhằm kiểm tra tìm kiếm tài năng ở trẻ mới biết đi.
Biến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có nền khoa học tiên tiến nhất thế giới là mấu chốt trong những tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm mục đích đưa nước này trở thành một cường quốc không không thể chối cãi, nhưng hiếm có điều gì gây tranh cãi như sự hào hứng của Trung Quốc với công nghệ gene. Hầu như vẫn chưa chịu sự quản lý và giám sát như tại Mỹ và các quốc gia đã phát triển khác, các công trình nghiên cứu về gene của Trung Quốc thường sử dụng những công nghệ khoa học mới nhất, đồng thời đi xa hết mức có thể khi xét về mặt đạo đức sinh học. Năm ngoái, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, He Jiankui, đã tạo ra những em bé biến đổi gene đầu tiên trên thế giới, gây phẫn nộ và quan ngại trên toàn cầu rằng hành vi này sẽ thúc đẩy dẫn đến kỷ nguyên loài người được chỉnh sửa gene từ khi còn trong bụng mẹ – và rồi những thay đổi đó sẽ tiếp tục truyền lại cho các thế hệ tương lai, khiến bộ gene con người biến đổi mãi mãi.
Và trong khi nhiều nhà khoa học Trung Quốc đạt được những đột phá trong lĩnh vực y học, như chỉnh sửa gene khiến những con siêu bọ tự hủy hoại chính chúng, thì vẫn có những thử nghiệm khiến người ta phải nghi ngại: các nhà nghiên cứu nước này từng nhân bản những con khỉ với bộ gene đã chỉnh sửa khiến chúng mắc các căn bệnh về thần kinh, sử dụng CRISPR để sản sinh ra những con chó siêu cơ bắp, hay tạo ra những con “siêu khỉ” bằng cách bơm ADN người vào não chúng.
ADN là bộ mã hình thành nên cơ thể người, quyết định chúng ta là ai. Nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ bộ mã này, khi mà có nhiều đặc tính được hình thành nên không chỉ bởi một hay hai gene mà có thể là hàng trăm hay hàng ngàn. Kinh nghiệm và môi trường sống của mỗi cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình nên liệu họ có thể là một thiên tài toán học, hay liệu họ sẽ mắc bệnh ung thư hay không.
ADN của một người không phải là yếu tố độc nhất quyết định người đó là ai, và việc họ sở hữu một gene cụ thể nào đó chắc chắn không phải là dấu hiệu dự báo tương lai. Nó chỉ cho thấy họ có khả năng sẽ phát triển một đặc điểm nào đó. Một nghiên cứu khá nổi tiếng vào năm 2003 được đăng trên tạp chỉ Human Genetics của Mỹ đã chỉ ra được mối liên kết giữa một biến thể của gene ACTN3 với các vận động viên có năng lực ưu việt như khả năng chạy nước rút chẳng hạn, nhưng các nghiên cứu sau đó đã phát hiện ra rằng, trong khi hầu hết các chuyên gia chạy nước rút sở hữu biến thể gene này, không phải mọi người sở hữu nó đều là một vận động viên ưu tú.
Tương tự, việc sở hữu một đột biến nguy hại của gene BRCA, thường liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng, không có nghĩa người đó sẽ mắc những căn bệnh này. Họ đơn giản là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người không có biến thể gene này mà thôi.
Trong vài năm trở lại đây, kiểm tra gene và các phương thức sàng lọc khác đã giúp tạo ra những đột phá trong chuẩn đoán nguy cơ ung thư ở người trưởng thành, hay chuẩn đoán các tình trạng bệnh như hội chứng Down từ trong tử cung. Nhưng tại Trung Quốc, các công ty lại đi xa hơn, hứa hẹn sẽ mang lại cho khách hàng một cái nhìn về cuộc đời mỗi em bé từ khi chúng còn rất nhỏ – những điều mà ở thời điểm hiện tại, khoa học rõ ràng chưa hỗ trợ.
Nhìn vào tương lai
Sau khi sinh em bé vào năm 2017, Zhou Xiaoying đã đăng ký vào một trung tâm hỗ trợ hậu sản, nơi cô được chăm sóc bởi một đội ngũ gồm các nhân viên nữ, đầu bếp, và các y sỹ truyền thống – một tập quán tại Trung Quốc thường được các bà mẹ giàu có thực hiện. Tại đây, một nhân viên kinh doanh đại diện cho một công ty kiểm tra gene đã đưa ra một đề nghị hấp dẫn: chỉ cần chi ra khoảng 1.500 USD, công ty sẽ thu thập mẫu nước bọt từ miệng con trai cô để cho cô cái nhìn sơ khởi về tương lai của bé.
Bài kiểm tra này còn kết hợp phân tích khuynh hướng mắc những căn bệnh liên quan đến gene của bé. Kết quả cho thấy con trai của Zhou nhiều khả năng có tài năng âm nhạc và nghệ thuật, nhưng yếu về thể thao. Zhou cho biết cậu con trai 2 tuổi hiện nay của cô có thể ngân nga điệu nhạc của một bài hát chỉ sau một lần nghe nó, và gia đình sắp chuyển sang một ngôi nhà lớn hơn, nơi cô có dự định sẽ đầu tư cho tài năng của bé. Zhou cho con trai nghỉ các lớp chạy bộ và bơi lội, thay vào đó có kế hoạch mua một cây đàn piano và sẽ sớm cho cậu học nhạc.
“Tôi muốn biết về những tài năng của bé trong tương lai để có thể định hướng đúng cho nó. Nếu bạn tin vào những kết quả, thì bạn có thể dùng chúng để tham khảo. Nếu không cũng chẳng sao vì chúng chẳng ảnh hưởng gì” – bà mẹ người Thượng Hải, từng làm trong ngành tài chính cho biết.
Truyền thống Trung Quốc đề cao tầm quan trọng của việc phát triển thế hệ tiếp theo, và những tiến bộ về công nghệ đã khiến cả đất nước “ám ảnh” với ADN – theo lời Wang Zhaochen, một giảng viên đạo đức sinh học tại Đại học Chiết Giang cho biết.
Nhưng hiện nay, ngay cả cộng đồng khoa học trong nước cũng đang ngày một quan ngại về sự bùng nổ của các bài kiểm tra ADN thương mại, rằng chúng có thể gây ảnh hưởng đến những bải kiểm tra gene thực sự có thể giúp chuẩn đoán bệnh tật.
Dù rằng tại những nơi như Mỹ, các bậc phụ huynh cũng chạy đua để con cái mình vượt trội so với những đứa trẻ khác – những vụ bê bối tuyển sinh đại học là bằng chứng – nhưng việc kiểm tra ADN của trẻ em tại đây vẫn còn lâu mới phổ biến như tại Trung Quốc.
Ngành công nghiệp chưa được quản lý
Tại Mỹ và châu Âu, hầu hết các khách hàng tham gia kiểm tra ADN đều quan tâm đến những phân tích về tổ tiên họ và về những nguy cơ sức khỏe. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không quản lý các bài kiểm tra ADN thương mại chú trọng vào sức khỏe, tài năng thể thao, hay các tài năng khác, nhưng lại kiểm soát các bài kiểm tra nhằm phát hiện nguy cơ bệnh tật, như ung thư chẳng hạn. 23andMe Inc, công ty trụ sở tại California, là công ty duy nhất có thẩm quyền thực hiện các bài kiểm tra ADN nhằm phát hiện nguy cơ bệnh tật tại Mỹ mà không cần sự tham gia của bác sỹ, và công ty này chỉ được phép làm điều đó sau khi để FDA đánh giá quy trình mà thôi.
Ngược lại, Trung Quốc có hàng chục công ty bán các bài kiểm tra hứa hẹn sẽ cho khách hàng biết về những nguy cơ sức khỏe, từ ung thư đến rối loạn tâm thần, nhưng không có quy định cụ thể nào để quản lý họ cả. Một đại diện của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết ủy ban này không quản lý các công ty như vậy.
Tại Hong Kong – nơi chỉ yêu cầu các phòng thí nghiệm y khoa và những người cung cấp dịch vụ kiểm tra gene phải tuân thủ pháp lệnh đăng ký y tế – nhiều câu hỏi cũng bắt đầu xuất hiện. Ramon Yuen Hoi-man, phó phát ngôn viên về chính sách chăm sóc sức khỏe của Đảng Dân chủ Hong Kong, đã bày tỏ quan ngại rằng các công ty gene cung cấp dịch vụ kiểm tra tài năng đã gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về những giới hạn trong các bài test và phóng đại những lợi ích của phân tích ADN. Cục Thực phẩm và Y tế đã lập nên một ban chỉ đạo để nghiên cứu điều lệ và các vấn đề đạo đức xoay quanh việc kiểm tra gene.
“Một bài kiểm tra ADN không thể nói cho bạn bất kỳ điều gì có ý nghĩa về những đặc điểm phức tạp của con người”.
Sharon Shi, một chuyên gia tài chính ở Thâm Quyến, đã đi tàu xuyên Hong Kong và bỏ ra gần 4.600 USD để kiểm tra gene cho đứa con 3 tuổi của cô tại một công ty tên là DNA WeCheck. Công ty gửi về cho cô một bản báo cáo dày cộm như sách giáo khoa. Người mẹ từng dành rất nhiều thời gian hoạch định kế hoạch giáo dục cho con gái, cho biết bài phân tích đã giúp cô hiểu tại sao con gái mình thích chế lời bài hát và vẽ tranh kiểu tự do.
Bài kiểm tra còn cho Shi biết con gái của cô có nguy cơ trên trung bình bị “đột tử do bệnh tim”. Để tăng cường sức khỏe tim mạch cho bé, DNA WeCheck khuyến nghị các món ăn như cần tây và các loại nấm ăn được thường dùng trong nấu ăn tại Trung Quốc. Các thành viên trong gia đình chồng cô quả thực có tiền sử bệnh tim mạch, nên cô không ngạc nhiên về kết quả đó. Dù nghiên cứu chỉ ra có một mối liên hệ mạnh giữa đột tử do bệnh tim với gene, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu cặn kẽ mọi thứ.
Công ty mẹ Của Gene Discovery, Good Union, chuyên bán trang thiết bị y tế thẩm mỹ, các dịch vụ chăm sóc da và tóc, cũng đã triển khai dịch vụ kiểm tra ADN vào 2 năm trước sau khi các lãnh đạo công ty để ý thấy nhu cầu kiểm tra tài năng đang tăng cao trong số bạn bè họ. Công ty này, như bao công ty kiểm tra gene khác, so sánh dữ liệu gene của khách hàng với các cơ sở dữ liệu dân số công và các nghiên cứu công khai về liên hệ giữa gene với bệnh tật. Bằng cách so sánh mẫu của một genome với mẫu khác, công ty này cho biết có thể xác định những biến thể gene cụ thể nào có mối liên kết với bệnh tật và các tình trạng nhất định.
Để xác định liệu một đứa trẻ có nguy cơ mắc bệnh Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) hay không, Gene Discovery tập trung vào gene BDNF, vốn là gene đưa ra chỉ dẫn cho việc phân phối protein cho não. Nhưng hai nghiên cứu mà công ty dựa vào đã được thực hiện từ ít nhất 1 thập kỷ trước, và tiến hành tại Mỹ, Anh và Ireland. CBT Gene, công ty Hong Kong chuyên tiến hành các bài kiểm tra và phân tích đối với bộ công cụ của Gene DIscovery, cho biết sẽ tiếp tục sử dụng gene BDNF bởi hiện có nhiều nghiên cứu xem gene này là một yếu tố gây nguy cơ cao dẫn đến ADHD, và trích dẫn một nghiên cứu khoa học xuất bản năm 2016 có đề cập đến vấn đề này. Cũng có khả năng khi cơ sở dữ liệu nghiên của công ty được cập nhật, CBT sẽ xem xét lại mô hình dự báo ADHD của hãng và thêm các gene khác vào nghiên cứu – theo lời Giám đốc công nghệ Jay Liang.
Dù vậy, một số chuyên gia y tế vẫn chưa bị thuyết phục.
“Không tài nào một bài kiểm tra ADN có thể cho bạn biết bất kỳ điều gì có ý nghĩa về các đặc tính phức tạp. Và những vị phụ huynh đó đang thay đổi cuộc đời con em họ” – Timothy Caulfield, một chuyên gia đạo đức sinh học và chính sách y tế, chuyên về di truyền tại Đại học Alberta cho biết.
Tham khảo: Abacus
Tấn Minh, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/om-mong-than-dong-nhieu-phu-huynh-trung-quoc-cho-con-di-thu-adn-kiem-tra-nang-luc-820192611215524999.htm