Chất kích thích xâm nhập học đường
Theo Văn phòng phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, số lượng các loại chất hướng thần mới (NPS), bao gồm cả thuốc phiện dạng tổng hợp, được báo cáo từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á tăng đều đặn. Vào cuối năm 2019, các quốc gia ở khu vực này báo cáo tổng cộng có 461 loại chất hướng thần khác nhau.
Ngày 15/11/2019, trang Facebook T.T.H đăng bài cảnh báo các bậc phụ huynh về việc học sinh lớp 8 sử dụng bánh có chứa chất cần sa. Nội dung bài viết như sau: “Bên trường W. và trường V. đã phát hiện có học sinh mang bánh cần sa vào lớp để ăn trong lớp. Các phụ huynh đang chia sẻ trong các group lớp, dặn dò nhau cách đối phó.
Trường W. tuần trước, có học sinh lớp 8, nhờ bạn ở trường công lập mua bánh cần rồi mang vào lớp khoe và chia cho bạn bè. Có hai bạn ăn, bạn trai ăn nhiều (1,5 cái) nhưng không có vấn đề gì, bạn gái ăn có nửa cái, nhưng lát sau thì chóng mặt, rồi nghe phong thanh các bạn nói bánh có cần sa, nên bạn gái sợ, khóc, xuống phòng y tế. Trường nhắn cho mẹ đến đón đưa sang Vinmec khám, xét nghiệm thì bình thường.
Tuy nhiên, sau đó cô chủ nhiệm tìm ra được cái bánh còn lại, đưa cho trường mang đi xét nghiệm thì có cần sa trong bánh”, theo tài khoản T.T.H.
“Bánh phê” được giới thiệu công dụng trên Facebook và đính kèm liên kết đến một trang bán hàng trực tuyến (Ảnh: Zingnews.vn)
Bài viết nhận được 1.400 lượt bình luận, 4.000 lượt tương tác và gần 5.000 lượt chia sẻ. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của đa phần phụ huynh có con nhỏ khi biết được rằng, trên thực tế, các mặt hàng này đang được bán công khai với cách mua dễ dàng trên mạng xã hội.
Tình trạng các chất kích thích được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội cũng đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam nhiều lần cảnh báo. Theo Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), vài năm trở lại đây đang xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy rao bán “cái chết trắng” trên mạng xã hội. Các nhóm đã đưa ma túy vào bánh kẹo rồi rao bán công khai trên mạng. C04 từng phối hợp với Công an Hà Nội bắt hai người, thu giữ 37 chiếc bánh có chứa gần 2 kg cần sa cùng nhiều dụng cụ dùng vào việc cân, pha trộn cần sa vào bánh.
Cũng theo UNODC, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, những kẻ buôn bán ma túy phải tìm các tuyến đường và phương thức mới. Hoạt động buôn bán qua các web đen và các lô ma túy giấu trong bưu kiện có thể tăng lên, mặc dù chuỗi cung ứng bưu chính quốc tế bị gián đoạn.
Cùng con tránh xa “cái chết trắng”
Hiện nay, tại Việt Nam, đa phần các bậc cha mẹ vẫn chưa thực sự có đầy đủ kiến thức về các chất kích thích thế hệ mới. Trong khi những chất này đang xâm nhập ngày càng nhanh vào cuộc sống của con trẻ thì nhiều bậc cha mẹ vẫn hiểu biết rất mơ hồ về chúng.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, người nghiện ma túy có 10 biểu hiện dễ nhận thấy. Bao gồm việc họ có cảm giác ăn không ngon miệng, bị giảm cân nhanh chóng trong thời gian ngắn; lơ là việc học, năng suất lao động giảm.
Có dấu hiệu mắc một số bệnh về răng miệng điển hình như sâu răng, đen răng, thiếu răng và nướu răng đỏ. Người nghiện ma túy đổ mồ hôi nhiều và có mùi như nước tiểu mèo. Họ thường có những mụn trứng cá lớn trên mặt; luôn suy nghĩ hoang tưởng, nghi ngờ có người theo dõi, làm hại. Không có nhu cầu ngủ, luôn trong trạng thái tỉnh táo, có khi không cần ngủ cả tuần. Ngứa nhiều vùng da, chà xát nhiều lần tới chảy máu.
Trong phòng ngủ rải rác các mảnh giấy bạc hình vuông bị cháy và các vỏ chai hoặc ống hút được sử dụng để hút ma túy đá. Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt và suy nghĩ kỳ quặc.
Khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường của con, đồng thời tìm thấy những hoạt chất nghi là ma túy, thì bậc cha mẹ nào cũng sẽ thấy hoang mang, bàng hoàng và sợ hãi. Tuy nhiên, việc phải bình tĩnh tìm hiểu mới thực sự là cách giải quyết tốt nhất cho con em mình, chứ không phải là truy hỏi, trách mắng. Bởi nếu các bậc phụ huynh lập tức phản đối gay gắt, giận dữ thì sẽ không nhận được gì ngoài sự thất bại.
Phát biểu về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý học Lisa Kaplin cho rằng: “Hãy nói chuyện với con bằng “trái tim” của người làm cha, làm mẹ, điều này không giống như việc bạn cố “diễn” một vở kịch”. Một số phụ huynh khi nghi ngờ con có dấu hiệu sử dụng ma túy thường có thái độ giận dữ, buộc tội, hăm dọa và quát tháo…
Hãy nhớ nếu bạn nói chuyện với con mình bằng cách này, nhất định chúng sẽ lập tức im lặng, hoặc rụt rè, quay co, nói dối. Mặt khác, nếu bạn một mình “lên lớp” hàng tràng dài về vấn đề của con, chắc chắn sẽ khiến con khó chịu, nhàm chán.
Thông thường, trẻ em thường phản ứng bằng cách phủ nhận việc mình sử dụng ma túy, hoặc đưa ra những lý do “nó chỉ là một điếu thuốc, con không hay hút…”. Nếu nhận được những lý do kiểu này, hãy phân tích cho con nghe về tác hại và những hậu quả lâu dài của việc sử dụng các chất gây nghiện.
Cha mẹ phải tăng cường sự giám sát hoạt động của con, cha mẹ cần biết con ở đâu và có quen biết những bạn bè như thế nào là rất cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ phải khéo léo tìm hiểu qua nhiều thông tin, chứ không được thể hiện bằng cách kiểm soát. Tạo ra những khoảng không gian để nghe con tâm sự, từ đó gần gũi, chia sẻ với con về vấn đề ma túy.
Cha mẹ nên chia sẻ và giải quyết mọi điều cùng con. Cha mẹ phải nói chuyện nghiêm túc khi con hoàn toàn tỉnh táo, vui vẻ. Đừng chọn những thời điểm như lúc con đang say xỉn hay rơi vào trạng thái phê sau khi sử dụng ma túy… Cha mẹ phải đảm bảo rằng có thời gian, không lo lắng hay đang bị rối trí trong suốt buổi nói chuyện cùng con mình.
Trong quá trình nói chuyện, cha mẹ hãy khuyến khích con nói về vấn đề của chúng bằng những câu hỏi mở để con có dịp thổ lộ suy nghĩ, ý kiến của mình. Ví dụ, mẹ muốn biết suy nghĩ của con trong vấn đề này…; hoặc Con cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình huống này? Con sẽ làm gì nếu điều này xảy ra một lần nữa?…
Nếu con thừa nhận đã sử dụng ma túy, hãy đưa con bạn đến gặp những chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm làm việc với thanh thiếu niên để nhận được tư vấn. Nếu con bạn đã nghiện hãy đến những trung tâm cai nghiện có uy tín, chất lượng.
Khi con đã thừa nhận việc sử dụng ma túy và đang nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn bên con. Đồng hành cùng con trong các hoạt động, để nắm bắt tinh thần, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn, tránh sự xa cách khiến con trượt dài hơn nữa.
Cha mẹ hãy khuyến khích con mở lòng mình để vượt qua các cám dỗ, khuyến khích con tham gia các hoạt động theo sự tư vấn của chuyên gia tâm lý, giúp tâm lý con vững vàng hơn nữa và nhanh chóng thoát khỏi cám dỗ của ma túy. Quá trình đồng hành cùng con khi cai ma túy và tái hòa nhập cộng đồng luôn cần cha mẹ sát cánh.
Theo Vũ Lành (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nuoi-con-thoi-40-cha-me-can-lam-gi-de-dua-con-vuot-qua-vung-lay-chat-kich-thich-d130614.html