Người dệt sắc màu bản Mông

Cần mẫn như một ong thợ của núi rừng Mù Cang Chải, chị Lý Thị Ninh ở xã Chế Cu Nha vẫn từng ngày, từng giờ miệt mài truyền tình yêu thổ cẩm đến người già, người trẻ trong vùng để cùng gìn giữ, bồi đắp và dệt lên những sắc màu văn hóa đặc sắc của mỗi bản Mông.

Chị Lý Thị Ninh truyền dạy kỹ thuật thêu thổ cẩm truyền thống cho các em học sinh.

Chị Lý Thị Ninh truyền dạy kỹ thuật thêu thổ cẩm truyền thống cho các em học sinh.

Gặp chị Lý Thị Ninh trong Hội nghị đánh giá kết quả Phong trào thi đua yêu nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ và phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2023 dịp cuối tháng 3/2023, tôi ấn tượng về người phụ nữ Mông 9x và năng động này. Chị đã được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Nghệ nhân…

Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi cũng tìm về bản Mông Chế Cu Nha để tìm hiểu công việc và tình yêu với thổ cẩm của người phụ nữ Mông tài hoa ấy. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến căn nhà nơi chị Lý Thị Ninh làm quán bán và trưng bày các sản phẩm thổ cẩm, cũng là nơi chị em phụ nữ trong bản tập trung thêu, dệt thổ cẩm.

Đúng dịp cuối tuần nên quán của chị Ninh đang khá đông khách du lịch nước ngoài tham quan, tìm hiểu các sản phẩm. Để khách  hiểu được tường tận các công đoạn làm nên một sản phẩm thổ cẩm, bên khung cửi, chị Ninh thoăn thoắt dệt những sợi lanh truyền thống. Nhìn đôi chân trần của chị nhấn lên, nhấn xuống hai thanh gỗ nhỏ đều đặn, nhịp nhàng, đôi bàn tay nhẹ nhàng, thoăn thoắt trong vòng quay của những sợi lanh đều đặn, khung dệt vang tiếng lách cách vui tai, du khách ai cũng tròn mắt thích thú.

Hẳn là chị đang rất tự hào! Chị dồn nhiệt huyết và tình yêu với thổ cẩm vào khung cửi, vào những sợi lanh thô mộc để dệt lên những nét hoa văn truyền thống của dân tộc mình. Sau khi được “mục sở thị”, tự tay thêu, dệt thử, đoàn khách ai nấy đều mua vài sản phẩm yêu thích cho riêng mình…

Được đắm mình trong không gian văn hóa của người Mông nơi đây, tôi cảm nhận được sâu sắc hơn trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số của người phụ nữ Mông trẻ tuổi này và cũng đã phần nào tự lý giải cho câu hỏi tại sao chị trở thành người trẻ nhất tỉnh được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân cao quý.

Tiễn đoàn khách nước ngoài đi, chị Ninh niềm nở trở vào trò chuyện với chúng tôi.

Chia sẻ về cơ duyên của mình với thổ cẩm chị Ninh cho biết: Với phụ nữ Mông, thêu, dệt thổ cẩm, nhuộm hoa văn bằng sáp ong như là máu là thịt, đó là những công việc quen thuộc, đã ăn sâu trong tiềm thức.

Từ khi còn bé, trẻ em gái người Mông đã được các mẹ, các bà truyền dạy nghề truyền thống. Thổ cẩm theo tay lúc trông em, rảnh rỗi, lớn lên lại theo tay lên nương, lên đồi và cả khi đi học. Cứ rảnh là mỗi em gái hay những phụ nữ mông sẽ thêu cho mình váy áo, đồ dùng chăn gối hàng ngày và tôi cũng thế.

“Một ngày tình cờ cuối năm 2009, tôi gặp đoàn đại diện Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội (Craft Link). Khi ấy tôi đang thêu, họ rất thích thú tìm hiểu, hứa sẽ quay trở lại với một tương lai đầy triển vọng. Chờ mãi những tưởng đoàn đã quên thì vài tháng sau họ quay lại thật. Công ty đã liên hệ với chính quyền xã để khảo sát việc thêu thổ cẩm tại đây. Sau đó xã đã thành lập nên Nhóm thêu, dệt thổ cẩm người Mông. Nhóm có 15 phụ nữ, tôi được tin tưởng giao trọng trách Nhóm trưởng. Sau này năm 2018, xã thành lập lại đổi tên thành Tổ hợp tác Thêu, dệt thổ cẩm. Tổ có 45 thành viên, tôi làm Tổ trưởng” – Chị Ninh kể.

Kể chuyện nhưng đôi bàn tay chị Ninh vẫn thoăn thoắt thêu mà không sai một đường kim, mũi chỉ. Hướng ánh mắt đầy trìu mến vào từng tốp phụ nữ già, trẻ đang ngồi thêu trong nhà, ngoài hè, chị Ninh chia sẻ thêm: “Năm đầu tiên thành lập Nhóm thêu, dệt thổ cẩm, chúng tôi được Công ty Craft Link hỗ trợ mọi nguyên vật liệu, bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm. Số tiền thu được Nhóm giữ lại 70% để làm quỹ cho việc duy trì hoạt động về sau. Những đồng tiền đầu tiên đem về tuy ít chỉ mua được quà, bánh hay xà phòng, một vài bữa ăn nhưng ai cũng mừng vì tự tay mình có thể kiếm ra được tiền ngay cả trong lúc rảnh rỗi như khi đi nương, làm việc nhà”.
“Theo đà phát triển, nhiều chị em trong xã và các xã lân cận đến tìm chúng tôi để học, xin làm. Ai đến tôi cũng nhận, hướng dẫn cho tới khi ra được sản phẩm. Đến nay, Tổ hợp tác của chúng tôi đã có 45 thành viên. Sản phẩm làm ra cũng đa dạng hơn từ váy, áo, túi xách, khăn tay, ba lô, tranh treo tường, kẹp tóc, vỏ chăn, gối, các con thú như mèo, gà, cá…” – chị Ninh nói.

Các thành viên Tổ hợp tác Thêu, dệt thổ cẩm Chế Cu Nha miệt mài với công việc thêu thổ cẩm.

Vẫn những chiếc túi ví thổ cẩm, váy áo màu sắc của người Mông nhưng trong câu chuyện của chị Ninh dường như có một dòng chảy văn hóa sống động. Chỉ tay lên từng họa tiết trên các sản phẩm đang bày bán, chị Ninh giải thích tường tận: Hình tượng con ốc sên làm hình tượng chủ đạo trong thêu thùa trên áo, váy chính là để cầu mong một cuộc sống tốt tươi, no ấm hơn.

Đồng bào Mông cũng thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay của cuộc sống, sự lặp lại làm cho ta có cảm tưởng mọi vật dường như còn đó nhưng thật ra tất cả đã qua đi. Hình ảnh thêu của đôi ốc sên là sự biểu tượng của cuộc sống lứa đôi, người Mông quan niệm muốn sống tốt phải luôn có đôi, có như vậy thì cuộc sống mới hạnh phúc và cháu con đông đủ.

Có lẽ chính vì những ý nghĩa nhân văn mà rất đỗi giản dị, đời thường ấy đã làm nên sự hấp dẫn trong từng sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Mông. Đến nay, ngoài bán sản phẩm tại địa phương phục vụ khách du lịch, các sản phẩm của Tổ hợp tác vẫn chủ yếu cung cấp cho Công ty Craft Link để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Câu chuyện dần rôm rả hơn, xen trong đó những tiếng cười giòn tan của niềm vui, niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy không chỉ là việc kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà còn là niềm hạnh phúc của những người có sứ mệnh duy trì, phát triển vốn văn hóa truyền thống quý báu bao đời của các thế hệ người Mông trao truyền.

Ngồi bên cạnh cùng chăm chú câu chuyện giữa chúng tôi ngay từ đầu, bà Hảng Thị Dê rụt rè bộc bạch bằng chất giọng lơ lớ không sõi tiếng phổ thông: “Tôi đã có đầy đủ con cháu, ở bản Mông tuổi này chỉ phụ giúp những việc lặt vặt. Tôi không thể nghĩ bản thân còn có thể kiếm ra tiền. Nếu tập trung làm thì trung bình mỗi tháng, mỗi người cũng được 4 – 5 triệu đồng; nếu chỉ làm lúc rảnh rỗi cũng vẫn thu được 2 – 3 triệu đồng”.

“Bản thân tôi và tất cả mọi người ở đây đều biết ơn, ưng cái bụng cháu Ninh lắm! Thêu, dệt truyền thống thì chúng tôi biết làm nhưng để đáp ứng nhu cầu của khách thì nhiều sản phẩm cần phải học hỏi. Ai không biết, cháu Ninh đều tận tình chỉ bảo, người già như chúng tôi mắt mờ, tay chậm rồi nhưng cháu Ninh vẫn kiên nhẫn dạy cho từng đường kim, mũi chỉ” – bà Dê chia sẻ.

Nghe lời bà Dê khen mình, chị Ninh cười xua tay ngượng ngùng cho rằng những việc mình làm rất nhỏ. Việc nhỏ mà thật ý nghĩa khi người phụ nữ trẻ tuổi và năng động ấy còn dệt lên tương lai của văn hóa dân tộc nhiều hơn thế. Trong câu chuyện bộc bạch của chị và cả với các đồng chí cán bộ văn hóa xã, cán bộ huyện, chúng tôi còn được biết thêm, chị đã cùng các thầy, cô giáo mở lớp truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm cho học sinh vào các giờ học ngoại khóa; hướng dẫn học sinh lớp 6, 7, 8 trên địa bàn xã làm các sản phẩm truyền thống.

Với riêng tôi rất ấn tượng với lời bộc bạch chân thành của chị Ninh: “Không thể để thổ cẩm chỉ còn ở lác đác trong đầu, chỉ sống trong đôi tay của các bà, các mẹ. Phải để nghề thổ cẩm truyền thống “chui” vào đầu đám trẻ thì văn hóa, hồn cốt của bản làng người Mông, của dân tộc mới tồn tại, phát triển mãi”.

Rời Chế Cu Nha khi nắng vàng trên những triền ruộng bậc thang, mỗi chúng tôi đều chọn cho mình một thứ sản phẩm thổ cẩm yêu thích để làm kỷ niệm. Đó là món quà mà những “ong thợ” của núi rừng Mù Cang Chải cần mẫn tạo nên từ chính đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn thuần mộc của những phụ nữ của Tổ hợp tác Thêu, dệt thổ cẩm Chế Cu Nha tâm huyết trao truyền. Từng hoa văn, họa tiết, hoa, lá trên mỗi sản phẩm là niềm tin yêu, hy vọng của chị Lý Thị Ninh nói riêng và mỗi người Mông Mù Cang Chải nói chung vào một tương lai văn hóa dân tộc trường tồn, vươn xa.

Lê Thương

Nguồn Báo Yên Bái: http://baoyenbai.com.vn/210/273384/Nguoi-det-sac-mau-ban-Mong.aspx