Người dân phải sử dụng SIM chính chủ và chuẩn hóa thông tin để đảm bảo quyền lợi

Trong chuyến khảo sát thực tế tình hình triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ tại một số huyện, thị xã trong tỉnh Sóc Trăng vào đầu tháng 3 vừa qua, phát biểu kết luận tại buổi làm việc với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đã chỉ đạo các địa phương phải tập trung hỗ trợ người dân đăng ký SIM điện thoại chính chủ, giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt liên kết cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh Chiến – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về các nội dung liên quan.

Đồng chí Nguyễn Minh Chiến – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng. Ảnh: MỸ LINH

Phóng viên: Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có bao nhiêu SIM thuê bao di động của các nhà mạng? Trong đó, tỷ lệ SIM thuê bao có dữ liệu chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phải chuẩn hóa, cập nhật lại thông tin như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Chiến: Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 4 doanh nghiệp thông tin di động là Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnammobile, với khoảng 1.150.000 thuê bao di động đang hoạt động, trong đó thuê bao di động trả trước khoảng 1.100.000 (chiếm khoảng 95%) tổng số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh. Số thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư được các doanh nghiệp viễn thông di động yêu cầu chuẩn hóa, cập nhật lại thông tin chiếm tỷ lệ khoảng 3% tổng số thuê bao di động trên toàn tỉnh. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số và an toàn an ninh mạng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, những nguy cơ gặp phải khi người dân không đăng ký SIM chính chủ là gì? Việc đăng ký SIM chính chủ cần thiết như thế nào và người dân đảm bảo được những quyền lợi ra sao?

Đồng chí Nguyễn Minh Chiến: Hiện nay, chúng ta nghe rất nhiều về “SIM không chính chủ”, đó chính là chiếc SIM không có thông tin gì liên quan đến người sử dụng hiện hành theo quy định của pháp luật như ảnh chân dung, căn cước công dân… Nói cách khác, người sử dụng SIM đang sử dụng một “tài sản” đứng tên người khác, chưa được pháp luật công nhận quyền sở hữu, nên trong quá trình sử dụng có thể sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ, rủi ro đáng tiếc như: người sử dụng bị gọi điện, nhắn tin quấy rối, làm phiền, bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, thậm chí đánh cắp thông tin bảo mật cá nhân. Người sử dụng bị tranh chấp SIM thuê bao, đánh cắp số điện thoại, từ đó dễ dẫn đến mất cắp các thông tin cá nhân như tài khoản, mật khẩu ngân hàng, các ứng dụng chuyển tiền, thanh toán… Người sử dụng còn không thể nhận các khuyến mãi, trúng thưởng vì một số chương trình khuyến mãi trúng thưởng muốn nhận quà thì phải chứng minh người sử dụng là chính chủ. Bên cạnh đó, trong quá trình các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát thông tin thuê bao phát hiện thông tin thuê bao đăng ký không chính xác, nếu người sử dụng không thực hiện thủ tục đăng ký lại thông tin thuê bao thì sẽ bị nhà mạng tạm ngừng cung cấp dịch vụ hoặc bị thu hồi SIM theo quy định tại điểm e, khoản 8, Điều 15 của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đề nghị người sử dụng SIM thông tin di động phải đăng ký chính chủ để đảm bảo các quyền lợi khi sử dụng như: SIM chính chủ sẽ xác nhận quyền sở hữu hợp pháp; mang lại sự an tâm tuyệt đối, có thể sử dụng lâu dài, không cần lo lắng sẽ bị khóa, bị thu hồi. Người sử dụng dễ dàng làm lại SIM mới trong trường hợp bị mất, bị hư, bị gãy…; hưởng đầy đủ các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng từ nhà cung cấp dịch vụ. Đồng thời, SIM chính chủ khi được liên kết với số căn cước công dân sẽ phục vụ quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, thúc đẩy thanh toán số, giao dịch số hiện đang được kỳ vọng là đòn bẩy cho phát triển kinh tế số.

Phóng viên: Với những lợi ích mang lại khi sử dụng SIM chính chủ, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ có giải pháp gì để quản lý chặt chẽ thông tin thuê bao di động? Đồng thời, có giải pháp ra sao để hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin, nhất là đối với trường hợp người già, neo đơn, đối tượng yếu thế trong xã hội… theo tinh thần Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Chiến: Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về thông tin thuê bao di động, Sở Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý triệt để tình trạng SIM thuê bao di động có thông tin đăng ký không đúng quy định như: chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát thông tin trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó rà soát, phát hiện các trường hợp có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xử lý kịp thời. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp kỹ thuật xác thực, chuẩn hóa đảm bảo thông tin thuê bao đúng quy định (đảm bảo đến ngày 31/3/2023), tất cả các thuê bao di động đang hoạt động đều có thông tin thuê bao đúng quy định, trùng khớp với thông tin được đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng, chỉ đạo đài truyền thanh cấp huyện tập trung tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật về quản lý thuê bao di động quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP; thực hiện đăng tải các bài viết liên quan đến quản lý thông tin thuê bao trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trên Trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông. Thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý thông tin thuê bao di động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Để hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo việc phát triển thuê bao mới, thuê bao được chuẩn hóa được thuận lợi, theo đúng quy định pháp luật như: người sử dụng có thể chuẩn hóa thông tin qua các app hoặc trên trang web của doanh nghiệp viễn thông di động theo quy định. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà khách hàng đối với các trường hợp người già, neo đơn, đau ốm… Bên cạnh đó, trong quá trình hướng dẫn hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động tuyên truyền đến người dân về quyền, lợi ích trong việc sử dụng SIM thuê bao chính chủ và trực tiếp hỗ trợ người dân chuẩn hóa lại thông tin thuê bao theo đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông tin tưởng rằng, bằng sự quyết tâm của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp viễn thông di động cùng với sự tham gia tích cực của nhân dân, với các giải pháp được triển khai đồng bộ, kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất việc đăng ký thông tin chính xác tiến tới thông tin chính chủ cho các thuê bao di động đúng thời gian quy định, góp phần quan trọng vào thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí đã chia sẻ những thông tin hữu ích này!

MỸ LINH (Thực hiện)

Nguồn Báo Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chuyen-doi-so/nguoi-dan-phai-su-dung-sim-chinh-chu-va-chuan-hoa-thong-tin-de-dam-bao-quyen-loi-64135.html