Hiện tại, khi Hà Nội đang bước dần sang thu, những hàng phong lá đỏ dọc tuyến phố Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng rơi vào tình trạng khô héo, có dấu hiệu bị chết dần, nhiều cây đã bị đánh chuyển.
Đầu năm 2018, hàng trăm cây phong lá đỏ bắt đầu được trồng tại dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng (Hà Nội). Đây là một loại cây tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa thu ở nhiều nước như Nhật Bản, Canada. Và khi đưa vào thử nghiệm tại Thủ đô, nhiều người không khỏi hoài nghi khi cho rằng loài cây này không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của nước ta.
Tháng 7 năm ngoái bất chấp kiểu thời tiết “khó chiều” ở Hà Nội, lá cây dần chuyển sang màu xanh. Đặc biệt thu đầu mùa “biến” một vài cây ngả màu vàng bắt mắt.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại khi Hà Nội bước sang thu, những hàng phong rơi vào tình trạng khô héo, có dấu hiệu bị chết dần, nhiều cây đã bị đánh chuyển.
Lá cây chưa kịp đổi màu đỏ như cái tên của nó đã chết khô.
Trước câu hỏi, liệu loại cây này có trồng được ở Hà Nội hay không, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội từng cho rằng, có thể trồng được nhưng cần phải trồng đúng quy cách và có những quy trình chăm sóc đặc biệt hơn.
Hàng cây trơ trọi, sau 2 năm trồng thử nghiệm chưa từng xuất hiện chiếc lá đỏ nào.
Trước đó, 5 cây phong chết khô trên đường Trần Duy Hưng đã được đánh chuyển sang khu vực khác.
Trước đó, tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP.Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị” tháng 1/2018, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, với sự phát triển của ngành Công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng ôn đới có thể trồng được ở Việt Nam.
Tuy nhiên, giấc mơ “những con phố Châu Âu giữa lòng Thủ đô” xem ra còn gặp nhiều khó khăn.