Hàng triệu từ khóa liên quan đến ô nhiễm đã và đang được tìm kiếm ở Trung Quốc. Các nhà khoa học nhận thấy vấn đề này khiến quốc gia tỷ dân kém hạnh phúc.
Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa chất lượng không khí và sự bất hạnh. Đó là kết quả thu được từ việc phân tích hàng triệu bài đăng trên mạng xã hội, gồm 144 thành phố Trung Quốc.
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở đô thị ảnh hưởng thế nào đến tâm trạng của người dân. Tác giả chính của nghiên cứu, họ Trịnh, phó giáo sư tại MIT, cho hay việc thực hiện rất đơn giản.
“Mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm giảm sự hạnh phúc của quốc gia đông dân nhất thế giới,” Trịnh nói.
Trịnh và đồng nghiệp của cô đã sử dụng machine-learning để phân tích hơn 200 triệu bài đăng công khai trên Weibo, tính từ năm 2014 đến giữa năm 2018. Trong đó, có khoảng 455 triệu người dùng thường xuyên hoạt động.
Họ đã đưa ra “chỉ số thể hiện sự hạnh phúc” dựa vào các từ ngữ và bối cảnh của các bài đăng, sau đó đối chiếu với chỉ số ô nhiễm đo được trong nhiều thời điểm.
“Chúng tôi đã tìm thấy mối tương quan khá tiêu cực giữa ô nhiễm không khí và sự hạnh phúc, chúng tỷ lệ nghích với nhau,” Trịnh cho hay.
Ngoài ra, phụ nữ Trung Quốc dường như nhạy cảm hơn hẳn nam giới khi nói về ô nhiễm không khí.
Khá thú vị, tương quan này thể hiện rất rõ ở các thành phố được đánh giá là “sạch nhất” và “ô nhiễm nhất” tại Trung Quốc.
Nhóm người có kinh tế và lo lắng về sức khỏe có xu hướng di chuyển đến các thành phố sạch hơn, còn người ở khu vực ô nhiễm nặng cũng nhận thức rõ về thiệt hại sức khỏe mà họ phải gánh chịu nhưng không thể làm gì được.
Theo phó giáo sư họ Trịnh, chỉ số này là công cụ tiềm năng để nhà chức trách hiểu được mối quan tâm hàng ngày của người dân.
Hiện tại, hơn một nửa dân số Trung Quốc – khoảng 700 triệu người – đang sống ở khu vực thành thị.
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến hành vi
Không khí bẩn không phải là tai họa duy nhất với người dân ở thành thị Trung Quốc, nơi giá nhà đất tăng cao, lo lắng về an toàn thực phẩm và dịch vụ kém cũng làm giảm mức độ hạnh phúc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu ca tử vong sớm ở Trung Quốc, và ô nhiễm không khí được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Các chất độc hại được tìm thấy trong không khí như nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2) và ozone (O3) liên quan đến việc giảm khả năng nhận thức, giảm năng suất lao động và kết quả giáo dục.
Nhóm nghiên cứu của phó giáo sư họ Trịnh còn chỉ ra: Vào những ngày ô nhiễm, người dân nhiều khả năng có hành vi bốc đồng mà sau này họ có thể sẽ ân hận.
Theo tiêu chuẩn mới của Trung Quốc, mật độ của các hạt vi mô nguy hiểm trong không khí không được vượt quá 35mcg/m3, áp dụng trong mọi khung giờ hàng ngày.
Còn tiêu chuẩn của WHO thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, giới hạn ở mức 25mcg/m3.
Ở Trung Quốc, hầu hết các thành phố bị ô nhiễm nặng nề – bao gồm Bắc Kinh và Thiên Tân, nơi có hơn 35 triệu người – mật độ hạt thường cao hơn hai, ba và thậm chí bốn lần so với tiêu chuẩn.
Kể từ năm 2013, mức ô nhiễm PM2.5 đã giảm trung bình khoảng 40%, theo một nghiên cứu gần đây, nhưng ô nhiễm ozone tầng đối lưu vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo SCMP