Ảnh minh họa: Korea Times
(Tổ Quốc) – Hầu hết các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) đều là thể nhẹ, tuy nhiên loại virus này lại có đặc tính lây lan rất nhanh.
Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, cách ngăn chặn dịch COVID-19 tốt nhất hiện nay vẫn là giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che mũi – miệng khi ho và tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh lý.
Những biện pháp tưởng chừng giản đơn này có hiệu quả là bởi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) không lây lan qua không khí mà qua các giọt bắn (khi vật chủ ho hoặc hắt hơi) trong khoảng bán kinh từ 1-2m.
Bên cạnh con đường lây nhiễm trực tiếp, thì nhóm các loại virus cùng họ corona cũng có thể tồn tại trên các bề mặt đồ vật trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày, theo nhà nghiên cứu về miễn dịch Rudra Channappanavar tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Tennessee, Mỹ.
Được biết, trên bề mặt kính, ví dụ như màn hình điện thoại, các loại virus cùng họ corona có thể tồn tại lên đến 96 giờ – tức 4 ngày – ở nhiệt độ phòng.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới về thời gian tồn tại của các loại virus cùng nhóm SARS-corona ở bên ngoài vật chủ, trên các bề mặt khác nhau như tường thạch cao, formica, nhựa, thép không rỉ và mặt kính. Nguồn: Qz
Bảng số liệu trên là kết quả nghiên cứu về đại dịch SARS năm 2003 do WHO công bố. Các nhà khoa học đã tìm ra những điểm tương đồng giữa virus SARS và loại virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19: Cả hai đều tác động đến hệ hô hấp, cùng chuỗi vật liệu di truyền RNA và đều có gai protein nhô ra từ vỏ. Virus SARS có tên đầy đủ là SARS-CoV, thì loại virus gây bệnh COVID-19 được đặt tên là SARS-CoV-2.
Mối nguy hiểm đến từ “vật bất ly thân”
Trên lý thuyết, những người sử dụng điện thoại rất dễ lây COVID-19 nếu virus vô tình dính lên màn hình của họ, do thói quen sử dụng điện thoại thường xuyên của mọi người.
Theo một nghiên cứu của công ty Dscout được thực hiện trong một nhóm 94 người, một người trung bình có thể cầm điện thoại lên những 2.600 lần mỗi ngày; thời gian sử dụng lâu hơn để kiểm tra email hay lướt mạng là 76 lần mỗi ngày.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ khác của các nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales, Australia thì chỉ ra rằng trung bình một người có thể chạm mặt vào điện thoại từ 23-368 lần/giờ, tùy thuộc vào khoảng thời gian và hoạt động trong ngày.
Việc màn hình điện thoại và các bề mặt khác chứa virus và vi khuẩn không phải phát hiện gì mới mẻ. Hầu hết các loại virus và vi khuẩn trên các bề mặt này không khiến con người bị bệnh, nhưng cũng cần lưu ý về những các loại virus mạnh hơn và có khả năng tồn tại lâu ngoài vật chủ.
Nhà nghiên cứu về miễn dịch Channappanavar cho biết, nếu một người nhiễm COVID-19 mà không thể tìm ra nguồn lây bệnh, thì rất có thể họ đã nhiễm loại virus này sau khi chạm lên một số bề mặt đồ vật.
Hồng Anh, theo Trí Thức Trẻ