Phải chăng đây chính là “điềm trời” như những giai thoại mà hậu thế vẫn thường truyền tai nhau, hay chỉ là một sự trùng hợp hy hữu của lịch sử?
Nhắc tới những lăng tẩm nổi tiếng Trung Quốc, một trong số các ngôi mộ sở hữu nhiều giai thoại ly kỳ hơn cả phải kể tới Cảnh Lăng – nơi chôn cất Khang Hi đế của Thanh triều.
Mặc dù vị Hoàng đế này được xem như một vị minh quân có tiếng, thế nhưng điều kỳ lạ là nơi an nghỉ của ông lại từng xuất hiện nhiều điềm chẳng lành. Và giai thoại ly kỳ xoay quanh 3 lần Cảnh lăng bị bốc cháy một cách khó hiểu dưới đây cũng nằm trong số đó.
Lần hỏa hoạn thứ nhất: “Điềm trời” răn đe Từ Hi Thái hậu
Cảnh lăng của Hoàng đế Khang Hi vẫn thường được biết tới là một lăng mộ nổi tiếng với nhiều giai thoại ly kỳ, bí ẩn. (Ảnh minh họa).
Cảnh lăng của Khang Hi đế nằm ở phía đông thuộc quần thể lăng mộ Thanh Đông lăng tại Tuân Hóa, Đường Sơn, Hà Bắc ngày nay.
Mặc dù nơi an nghỉ của vị vua nổi tiếng này được thiết kế đơn giản tới mức đáng ngạc nhiên, thế nhưng địa điểm ấy đã không ít lần phải đối diện với nhiều biến cố, trong đó có cả hỏa hoạn.
Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử cũng như sự kiểm chứng từ phía các chuyên gia, lăng mộ của Khang Hi đã trải qua tổng cộng 3 lần bị cháy, trong đó có tới 2 lần do sét đánh gây ra.
Lần thứ nhất xảy ra vào ngày 20 tháng 2 năm Quang Tự thứ 31. Bấy giờ, có một tia sét bất ngờ giáng xuống Cảnh lăng khiến các công trình kiến trúc tại đây bất ngờ bốc cháy.
Trận hỏa hoạn ấy đã phá hủy Đại điện và cũng thiêu rụi toàn bộ hệ tống cửa lăng tẩm, đặc biệt là 3 cánh cửa lưu li quý giá phía sau đại điện.
Vào thời cổ đại, việc lăng mộ Hoàng đế đột ngột bốc cháy vốn bị xem là điềm chẳng lành. Bởi vậy mà ngay khi vừa biết tin này, Từ Hi Thái hậu đã cả kinh thất sắc và lập tức hạ lệnh cho Triệu Nhĩ Tốn cùng Thiết Lương đi điều tra.
Khi ấy, Triệu Nhĩ Tốn đang giữ chức Tổng đốc Đông Tam, còn Thiết Lương là Thượng thư bộ Hộ. Việc điều động hai trọng thần đương triều đi điều tra sự việc ấy đã đủ để chứng minh Từ Hi coi trọng “điềm báo” này tới mức nào.
Thế nhưng thời điểm mà kết quả điều tra được tấu lên cũng là khởi nguồn cho những giai thoại ly kỳ về các trận hỏa hoạn ở Cảnh lăng sau này.
Trong 3 lần Cảnh lăng xảy ra biến cố hỏa hoạn thì có tới 2 lần bắt nguồn từ nguyên nhân bị sét đánh. (Ảnh minh họa).
Tấu chương của hai viên quan nói trên đã chỉ ra không ít điểm kỳ lạ trong vụ hỏa hoạn năm ấy. Bởi Cảnh lăng bị sét đánh vào ngày 20 tháng 2, mà bấy giờ đang là mùa đông, do đó việc có sét đánh vào thời điểm ấy chẳng khác nào nói mùa hè có tuyết rơi.
Hơn nữa, những trận hỏa hoạn bắt nguồn từ sét đánh thường bén lửa từ mặt đấy, nhưng ngọn lửa thiêu cháy Cảnh lăng khi đó lại xuất hiện và phát tán từ mái hiên.
Cũng bởi những yếu tố kỳ lạ kể trên mà bá quan văn võ và người đời lúc bấy giờ đã đưa ra không ít lời đồn đoán về chân tướng phía sau biến cố này.
Ban đầu, hai đại thần phụ trách điều tra đưa ra suy đoán người trông giữ hoàng lăng có mưu đồ ăn cắp châu báu nên mới tự mình phóng hỏa nhằm để lấp liếm. Nhưng giả thiết này lại bị cho là mâu thuẫn và chưa đủ chứng cứ xác thực.
Khi nguyên nhân thực sự khiến nơi an nghỉ của Khang Hi bị “Hỏa thần” ghé thăm còn chưa ngã ngũ, thì người đời bấy giờ đã truyền tai nhau một lời đồn đáng sợ. Không ít người cho rằng vụ hỏa hoạn ấy chính là điềm báo từ trời cao để cảnh tỉnh Từ Hi Thái hậu.
Bởi lẽ, lúc ấy Hoàng đế Quang Tự đang bị Từ Hi thao túng. Thiên tử vốn ở ngôi cửu ngũ chí tôn, nay lại không có quyền lực, không còn tự do. Đó vốn là điều trái với lẽ trời.
Vì vậy nhiều người tin rằng trời cao đã giáng sét xuống thiêu cháy Cảnh lăng để răn đe vị Lão Phật gia đang lộng quyền lúc bấy giờ.
Lần hỏa hoạn thứ hai: Giai thoại rùng rợn về quan tài phun lửa của Khang Hi
Giai thoại về chiếc quan tài biết phun lửa của vua Khang Hi từng trở thành nỗi ám ảnh của giới mộ tặc Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Lần hỏa hoạn thứ hai ở Cảnh lăng phát sinh vào tháng 2 năm 1945. Tuy nhiên biến cố này được cho là còn có nhiều điểm ly kỳ hơn vụ cháy trước đó, bởi nguyên nhân lại bắt nguồn từ chính chiếc quan tài biết phun lửa của Khang Hi.
Tương truyền rằng Cảnh lăng từ lâu đã trở thành mục tiêu của giới trộm mộ và từng bị nhóm mộ tắc khét tiếng Tôn Điện Anh “ghé thăm” vào năm 1928.
Tới năm 1945, nơi đây lại tiếp tục trở thành mục tiêu của những kẻ đi đêm. Nhóm mộ tặc bấy giờ đã chuẩn bị cả búa, cưa với âm mưu mở nắp quan quách của Hoàng đế hòng khoắng sạch số bảo vật còn sót lại.
Thế nhưng ngay ở thời điểm nắp quan tài sắp được mở ra, bên trong đột ngột phun ra một ngọn lửa lớn khiến quần áo và mặt mũi của bè lũ mộ tặc đều bị cháy sém. Dù vậy, nhóm người này vẫn hết sức liều lĩnh và chưa từ bỏ ý định bất chính.
Nào ngờ ngay sau đó, quan tài tiếp tục phun ra một ngọn lửa khiến cả đám mộ tặc hoảng sợ bỏ chạy. Trong lúc đào tẩu hỏi Cảnh Lăng, nhóm người này đã vô tình làm đổ cây nến chiếu sáng và khiến nơi đây một lần nữa phát sinh hỏa hoạn.
Cho tới ngày nay, câu chuyện về chiếc quan tài biết phun lửa của Khang Hi đế vẫn là một giai thoại bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Lần hỏa hoạn thứ ba: Biến cố thay đổi vận mệnh của Cảnh lăng
Lần hỏa hoạn cuối cùng vào năm 1952 đã gây ra tổn thất nặng nề với di tích Cảnh lăng khi hai tấm bia do Ung Chính đế ngự bút đã bị phá hủy. (Ảnh minh họa).
Biến cố thứ ba xảy ra không lâu sau sự kiện quan tài phun lửa, cụ thể là vào năm 1952. Nguyên nhân phát sinh trận hỏa hoạn này cũng được nhận định là bắt nguồn từ sét đánh.
Điều kỳ lạ còn nằm ở chỗ, ngay sau khi Cảnh lăng bị sét đánh và xảy ra hỏa hoạn, bầu trời đã trút xuống một cơn mưa lớn. Tuy nhiên vì thế lửa quá lớn nên nước mưa cũng không thể dập tắt hoàn toàn.
Mặc dù không có quá nhiều giai thoại ly kỳ xoay quay lần hỏa hoạn nói trên, thế nhưng điều gây tiếc nuối hơn cả là biến cố ấy đã phá hủy tòa kiến trúc Đại Bi lầu và hai tấm bia đá khắc công lao của Khang Hi lúc sinh thời.
Hai tấm bia ấy từng được đích thân Ung Chính đế ngự bút và được khắc tổng cộng 4300 chữ để ca ngợi công lao của Tiên đế. Đây được xem là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử, bởi các văn bia của Hoàng đế trước đây đều do những nhà thư pháp nổi tiếng đương thời viết ra.
Cũng bởi tổn thất nghiêm trọng nói trên mà lần hỏa hoạn xảy ra vào năm 1952 thường bị xem là sự kiện làm thay đổi vận mệnh của Cảnh lăng.
Từ cổ chí kim, việc lăng tẩm của Hoàng đế phát sinh hỏa hoạn vốn đã là điều hiếm thấy, thế nhưng việc một lăng mộ có tới 3 lần bị “Hỏa thần” ghé thăm như Cảnh lăng lại là chuyện vô cùng hy hữu.
Cho tới ngày nay, nguyên nhân thực sự phía sau những vụ hỏa hoạn nói trên vẫn còn là bí ẩn gây tranh cãi. Và giai thoại kỳ bí về chân tướng phía sau đó đã khiến nơi an nghỉ của vua Khang Hi trở thành một trong những lăng tẩm kỳ bí nhất Trung Hoa.
*Dịch từ báo nước ngoài.