Không thể không lên tiếng!

Từ thực tế 30 năm công tác giảng dạy ở bậc phổ thông, Thạc sỹ Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An, đồng thời là một chuyên gia giáo dục đã thẳng thắn lên tiếng về tình trạng bạo lực học đường đang nhức nhối hiện nay…

Không thể thờ ơ với bạo lực học đường. (Ảnh minh họa)

Không thể thờ ơ với bạo lực học đường. (Ảnh minh họa)

Những sự việc đau lòng

Trong thời gian gần đây, báo chí chính thống đã liên tục đăng tải các vụ bạo lực học đường làm rúng động dư luận, gây tâm lý bất an của giáo viên, phụ huynh, học sinh:

Ngày 27/6/2022, tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, do mâu thuẫn nhau, một nữ sinh lớp 8 bị một nhóm bạn đưa vào nhà vệ sinh hành hung, quay clip đưa lên mạng gây phẫn nộ dư luận.

Ngày 24/10/2022, một clip dài 30 giây ghi lại cảnh một nữ sinh tại thành phố Vũng Tàu bị một nhóm người dùng mũ bảo hiểm tấn công liên tiếp và kéo lê trên đường.

Tháng 10/2022, một học sinh lớp 11 của Trường THCS & THPT Nguyễn Văn Rành, tỉnh Long An bị một nhóm bạn bên ngoài đánh và tử vong.

Tháng 12/2022, một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa bị bạn nữ cùng trường hành hung, túm tóc, dùng tay đấm vào mặt và nhấn xuống bùn ngay trước cổng trường.

Ngày 26/12/2022, nam sinh lớp 10A6 của Trường THPT Tây Thụy Anh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bất ngờ dùng vật nhọn đâm trọng thương một nam sinh cùng trường.

Ngày 4/4/2023, tại Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Huế, một học sinh bị bạn đánh tử vong chỉ vì một lý do là trong giờ ra chơi, đi mua thạch dừa ăn, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay của bạn và vậy là đánh nhau, xô ngã, đầu đập vào bàn học và tử vong…

Một tình trạng không còn hiếm ở các trường phổ thông khi học sinh bị gây áp lực từ phía nhà trường, gia đình, bạn bè đã rơi vào tâm lý hoảng loạn, bế tắc, trầm cảm, nhiều em đã chọn giải pháp tự tử. Rất đau lòng.

Sự việc đau lòng diễn ra gần đây nhất là một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên ĐH Vinh đã thắt cổ tự tử xoay quanh những lý do rất lãng xẹt đã đánh lên một hồi chuông cảnh tỉnh, thức tỉnh.

Với giáo viên, vấn đề bạo lực học đường cũng diễn ra nhiều sắc thái, cử chỉ, hành vi rất đáng lên án. Bên cạnh rất nhiều giáo viên luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, thì vẫn còn một bộ phận vi phạm đạo đức nhà giáo dùng và lạm dụng quyền uy của giáo viên để: lấy điểm số để gây sức ép, dọa dẫm, sàm sỡ, gạ tình với học sinh với mức độ nghiêm trọng; chửi bởi, xúc phạm học sinh; bạo hành, tát, đánh đập học sinh. Có nhiều giáo viên còn lên mạng xã hội đăng tải, chia sẻ nhiều nội dung sai lệch, trái với quy định của ngành và pháp luật của Nhà nước, gây nên sự bức xúc trong dư luận xã hội, làm phương hại đến văn hóa nhà trường, đến hình ảnh người giáo viên nhân dân.

Ngày 14/4/2023, tại Trường THPT dân lập Herman Gmeiner, TP Hồ Chí Minh, một giáo viên là giám thị của trường đã yêu cầu 8 học sinh nam cởi đồ khi nghi ngờ học sinh mang thuốc lá điện tử vào trường. Đây là một bài học đắt giá trong cách hành xử cho những người giáo viên khi vừa bước chân vào con đường sư phạm…

Theo Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 80/2017/ND-CP thì bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

“Bạo lực học đường” ngày nay muôn màu, muôn vẻ. Bạo lực trong ngôn ngữ gặp nhau hàng ngày, trong việc lập các hội, nhóm để xúc phạm nhau, kỳ thị, tẩy chay, cô lập nhau qua tin nhắn đe dọa, chửi bới và hành xử bạo lực trên các nền tảng mạng xã hội. Chưa kể, hiện nay nhiều học sinh cố tình đăng tải những thông tin, hình ảnh, video clip kích động bạo lực học đường.

Nguy hiểm hơn, là việc học sinh lên mạng để lập nhóm, chia phe chửi nhau, xúc phạm nhau, cô lập nhau và trả thù nhau chỉ vì những lý do như bất đồng quan điểm, sở thích, đam mê nào đó. Đa số học sinh bây giờ dành thời gian hàng ngày vào mạng nhiều hơn thời gian học và đọc sách.

Học sinh bây giờ đánh nhau không cần giấu giếm, đánh nhau để quay clip tung lên mạng dằn mặt nhau, cố tình làm nhục nhau. Các em bạo lực với nhau không chỉ dùng chân tay nữa mà còn cầm dao, kiếm và cả súng tự chế để “xử nhau” chỉ vì những lý do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông, bất đồng quan điểm, sở thích, thời trang, đố kỵ nhau trên mạng xã hội hoặc đơn giản là đánh cho bõ ghét hoặc cố tình làm nhục cho chừa.

Một thực tế rất lạ là trước đây, học sinh đánh nhau chủ yếu ở học cấp 3, nay chuyển sang đối tượng là học sinh cấp 2 và thậm chí cả cấp 1. Trước đây chủ yếu là nam sinh đánh nhau, ngày nay chủ yếu là nữ sinh đánh nhau và đánh theo kiểu “hội đồng”.

Khi nhà trường còn “bệnh” thành tích, cha mẹ còn “buông” con

Ngành Giáo dục đã và đang triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị TW 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu: phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.

Song song, ngành Giáo dục cũng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (nói chính xác là Chương trình giáo dục phổ thông 2022 sửa đổi). Tuy nhiên, thực trạng bạo lực học đường vẫn ngày một gia tăng đến mức báo động. Có thể thấy bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do sự chuyển biến về tâm, sinh lý của lứa tuổi “nổi loạn”, thích thể hiện mình và thích làm những gì mình muốn. Trong trường hợp cảm hứng, cảm xúc lên cao độ mà lý trí không đạt tới thì các em có thể lựa chọn cách cực đoan.

Thực tế, ở rất nhiều trường phổ thông còn nặng về giảng dạy kiến thức văn hóa mà quên đi nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống, về những kiến thức và nhận thức các bài học về lòng nhân ái, vị tha, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với người xung quanh. Học sinh bây giờ là học theo kiểu “ứng thi”, học để thi chứ không phải học để làm người, nên người. Trong các môn học phổ thông nhiều năm nay, nhóm môn khoa học xã hội là những môn học liên quan đến giáo dục hình thành thái độ, nhân cách, văn hóa ứng xử mà học sinh ít quan tâm, thậm chí là xem thường.

Thứ hai, sự thiếu quan tâm từ phía gia đình của ông bà, cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay mải mê kiếm tiền và phó mặc con cái của mình cho nhà trường trong bối cảnh một xã hội đầy cám dỗ, một môi trường đầy rẫy thứ để ham, để mê, để nghiện. Và khi con cái rơi vào tình trạng bị bạo lực học đường thì rất nhiều bậc phụ huynh lại thường có thói quen đổ lỗi lên thầy cô, nhà trường.

Thứ ba, sự bùng nổ mạnh mẽ của thông tin trong thời đại công nghệ 4.0 với internet, mạng xã hội với rất nhiều sách báo, phim ảnh, game ái tình và bạo lực… Chính mạng xã hội với đủ loại thông tin không thể kiểm soát vô tình đã xâm nhập, định hướng ngôn ngữ, sở thích và hành vi của các em theo hướng trào lưu bởi hiệu ứng đám đông. Cái tốt thì tiếp thu rất chậm, cái xấu thì hấp thụ rất nhanh. Học sinh bây giờ khi ra chơi giữa các tiết học thường ít khi ra khỏi lớp vận động sau từng tiết học mà dán mắt vào điện thoại với đủ trò ở trong đó. Đặc biệt sau vài năm vì đại dịch COVID-19, hầu như học sinh phải học trực tuyến qua điện thoại, máy tính.

Hệ quả mà giáo viên, phụ huynh bây giờ thấy rõ là rất nhiều học sinh bị nghiện game, rất lười học, lười đọc sách giáo khoa. Nhiều trò bạo lực ngoài đời được kích động từ nhiều trò game bạo lực. Điều cực kỳ nguy hiểm ở trong các vụ bạo lực học đường hiện nay là học sinh cố tình phát trực tiếp trên facebook hoặc quay video tung lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân. Thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Thứ tư, trong quá trình đổi mới giáo dục, bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực thì Bộ GD&ĐT đã hủy bỏ nhiều giải pháp mang tính “chế tài” cùng với “căn bệnh” thành tích trong giáo dục đã trở nên “nan y” đã làm cho nhiều học sinh bây giờ không còn biết sợ trước kỷ luật của nhà trường. Có rất nhiều biểu hiện và vụ việc bạo lực diễn ra trong khuôn viên lớp học, trường học nhưng do “bệnh” thành tích đã quá nặng, giáo viên sợ mất thi đua, trường sợ mất danh hiệu nên giấu giếm, để “giải quyết nội bộ”. Học kém vẫn lên lớp, hạnh kiểm yếu vẫn không bị lưu ban hay đuổi học và nếu bị đuổi học thì cũng chỉ là “tạm thời buộc thôi học”. Vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong nhiều nhà trường với những học sinh yếu kém về ý thức, đạo đức chưa được coi trọng đúng mức, xử lý chưa nghiêm minh.

Trung bình 5 vụ bạo lực học đường/ngày

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT thì trong một năm học trên toàn quốc có hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau, trung bình có 5 vụ/1 ngày và cứ trên 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau. Điều mà nhiều người thấy ngạc nhiên và lo ngại hơn là nạn bạo lực học đường lại xảy ra ở nữ giới với độ tuổi chủ yếu dao động từ 14 đến 17 tuổi.

Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh, thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi từ 18 đến dưới 30, trong đó có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng chủ yếu là học sinh phổ thông. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.