Khoản “nợ ảo” 16.000 tỷ đồng tiền thuế làm nóng nghị trường Quốc hội

Thảo luận về Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, nhiều ĐBQH cảnh báo kẽ hở mà những đối tượng trốn thuế lợi dụng.

Phần lớn các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng khoảng nợ thuế không có khả năng thu hồi lên tới 43.000 tỷ đồng là gánh nặng cho ngành thuế đi kèm với những khoản chi phí theo dõi nợ. Tuy nhiên, việc xóa bỏ 16.000 tỷ đồng số tiền phạt và chậm nộp, trong đó có mức phạt 0,03%/ngày đối với phần nợ thuế, vẫn khiến các ĐBQH có ý kiến khác nhau.

Trong phát biểu của mình, Đại biểu Thái Trường Giang đoàn Cà Mau nhấn mạnh không thể không xóa những khoản nợ thuế mà không bao giờ có thể thu được. Dẫn việc xử lý ở các quốc gia khác, ông Giang nhấn mạnh các biện pháp xử lý nợ phải được quy định rõ ràng, minh bạch, tránh bị lợi dụng chính sách để trục lợi.

Ngoài ra, ông Giang cũng cho rằng việc khoanh nợ thuế là cần thiết. Do trước đây, chưa có cơ chế khoanh nợ nên các khoản nợ không thể thu hồi vẫn tiếp tục phát sinh tiền phạt, dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng dù biết không thể thu hồi. Điều này gây khó khăn cho ngành thuế và kéo theo những chi phí liên quan đến hoạt động theo dõi chậm nộp.

Khoản nợ ảo 16.000 tỷ đồng tiền thuế làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Minh Tuấn đoàn Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Dương Minh Tuấn đoàn Bà Rịa Vũng Tàu thì cho rằng xử lý nợ thuế giúp ngân sách rõ ràng, minh bạch hơn đồng thời cũng giảm bớt thời gian theo dõi nợ thuế không thể thu để ngành thuế tập trung vào đôn đốc, thanh kiểm tra để hạn chế các khoản nợ tương tự.

Tuy nhiên, ông Tuấn bày tỏ băn khoăn vì sao Nghị quyết lại lấy ngày 1/7/2020 làm mốc mà không chọn ngày 31/8/2019, thời điểm lấy số thống kê nợ thuế, để tránh trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để được miễn thuế.

“Về nguyên tắc xử lý nợ, nếu phát hiệu đối tượng được miễn thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc lập cơ sở kinh doanh mới thì phải hủy bỏ quyết định xóa nợ, buộc phải trả nợ thuế như quy định”, ông Tuấn nhấn mạnh. Vị ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đề nghị bổ sung đối với trường hợp mất tích, mất năng lực hành vi mà quay trở lại hoặc được khôi phục năng lực hành vi thì cũng không được xóa nợ thuế và tiền phạt nộp chậm.

Đại biểu Ngô Trung Thành đoàn Đắk Lắk cũng bày tỏ sự nhất trí với Dự thảo nghị quyết nhưng đề nghị xem xét đối tượng nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Theo ông Thành, các hộ kinh doanh chuyển địa điểm là phổ biến. Luật quy định họ buộc phải báo cáo khi đổi địa chỉ kinh doanh nhưng nếu cơ quan quản lý không nắm được là lỗ hổng quá lớn.

“Làm sao nhà nước lại không biết 200.000 doanh nghiệp và 600.000 cá nhân có còn kinh doanh hay không hay thậm chí là họ ở đâu. Không chỉ là vấn đề thất thu thuế, điều này cho thấy lỗ hổng khi họ làm gì, có phạm pháp hay không mà cơ quan quản lý cũng không nắm được”, ông Thành nhấn mạnh và đề nghị có báo cáo làm rõ thêm để tránh thất thu thuế trong thời gian tới.

Khoản nợ ảo 16.000 tỷ đồng tiền thuế làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

ĐBQH Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng đồng tình với việc cần xóa những khoản thuế không thể thu nhưng các đối tượng được xóa cũng là điều khiến ĐBQH Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ cảm thấy băn khoăn. “Cần nghiên cứu kỹ đối tượng phá sản nhưng có thể lập doanh nghiệp thông qua việc mượn tên người khác. Đối tượng này gần như toàn bộ trong số 16.000 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm thuế”, bà Thơ nhấn mạnh.

Để đề phòng việc trục lợi chính sách, bà Thơ cho rằng cần có cơ chế để tái khôi phục thuế trong trường hợp xóa sai hoặc đối tượng được xóa quay trở lại kinh doanh. Với người có nghĩa vụ thuế đã chết hoặc bị tuyên đã chết, bà Thơ đề nghị việc thu thuế được tiến hành với tài sản để lại và người thừa kế phải chịu trách nhiệm nộp.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Lâm đoàn Bắc Giang cũng đồng tình với việc hủy quyết định xóa nợ thuế khi sai đối tượng hoặc đối tượng được xóa nợ trở lại kinh doanh. Theo ông Lâm, việc làm này có tác dụng răn đe, ngăn ngừa việc trục lợi. Bên cạnh đó, ông Lâm đề nghị không truy thu lại thuế với các doanh nghiệp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc tai nạn bất ngờ sau khi họ đã khôi phục kinh doanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Khoản nợ ảo 16.000 tỷ đồng tiền thuế làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu giải trình trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dự thảo nghị quyết của Chính phủ chỉ xử lý tiền phạt và tiền chậm nộp, chưa xử lý nợ gốc. “Giống như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, đó thực chất chỉ là nợ ảo”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ, hồ sơ phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà chính phủ ban hành. Hiện tại, cơ quan thuế địa phương đang theo dõi từng đối tượng cụ thể chậm nộp tiền thuế chứ không chỉ theo dõi chung chung như trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.