Khám phá mới: Tầng khí quyển của Trái Đất trùm lấy cả Mặt Trăng

Hóa ra con người vẫn chưa đi ra khỏi tầng khí quyển của Trái Đất.

Cứ có gì mới xuất hiện, chúng ta sẽ tìm cách đặt tên cho nó sao cho hợp lý nhất có thể. Một đứa trẻ sinh ra có tên, kể cả những thứ trừu tượng cũng phải có danh tính để còn gọi cho dễ. Ví dụ, đường ranh giới giữa khí quyển của Trái Đất và Vũ trụ có tên là Đường Kármán, đặt theo tên kỹ sư và nhà vật lý học Theodore von Kármán, cá nhân có nhiều cống hiến trong ngành hàng không và du hành vũ trụ.

Khám phá mới: Tầng khí quyển của Trái Đất trùm lấy cả Mặt Trăng - Ảnh 1.

Nhưng khí quyển Trái Đất không đơn giản như vậy, thậm chí giới khoa học còn đang tranh cãi xem đặt Ranh giới Kármán tại vị trí 100 km so với mặt đất có hợp lý không. Một nhóm các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một sự thật thú vị: khí quyển của Trái Đất với ra tới tận Mặt Trăng cơ, xa hơn ta tưởng rất nhiều.

Phần khí quyển đó có tên geocorona – địa hào quang, là một phần của thuộc lớp ngoài của khí quyển. Geocorona là một đám mây khí hydro, tỏa ra ánh sáng cực tím. Vì nó rất mỏng, ta khó có thể đo đạc chính xác được các thông số liên quan; trước đây, người ta cho rằng giới hạn trên của geocorona là 200.000 km so với mặt đất, đó là điểm bức xạ Mặt Trời sẽ có tầm ảnh hưởng mạnh hơn lực hấp dẫn của Trái Đất.

Khám phá mới: Tầng khí quyển của Trái Đất trùm lấy cả Mặt Trăng - Ảnh 2.

Phải đứng từ ngoài Vũ trụ, ta mới có thể thấy geocorona.

Theo dữ liệu từ Đài thiên văn Mặt Trời và Nhật quyển (SOHO), đồng sở hữu bởi Cơ quan Vũ trụ Châu ÂU ESA và NASA, giới hạn 200.000 km vừa nêu vẫn còn quá thấp. Họ khám phá ra geocorona với ra xa tới 630.000 km. Từng đó cây số là khí quyển Trái Đất đã trùm lấy cả Mặt Trăng.

Mặt Trăng bay xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất“, nhà vật lý học Igor Baliukin từ Viện Nghiên cứu Vũ trụ của Nga nói.

Điều đáng chú ý hơn nữa, SOHO đã quan sát hiện tượng này từ 20 năm trước, trong khoảng giữa 1996 và 1998. Dữ liệu vẫn nằm trong kho lưu trữ, chờ ngày các nhà khoa học mang ra phân tích để tìm ra sự thật.

Khám phá mới: Tầng khí quyển của Trái Đất trùm lấy cả Mặt Trăng - Ảnh 3.

Các nhà du hành vũ trụ đứng trên Mặt Trăng, chụp lại geocorona từ năm 1972, nhưng họ không biết rằng mình vẫn chưa bay thoát khỏi lớp địa hào quang của Trái Đất.

Chúng ta không thể đứng từ Trái Đất để quan sát lớp địa hào quang, ta cần tới công cụ bay từ ngoài Vũ trụ để nhìn vào. Đó là lúc công cụ SWAN lên tiếng, thiết bị có thể nhìn thấy ánh sáng cực tím phát ra từ các nguyên tử hydro cho ta những dữ liệu quý giá về geocorona.

Chúng ta vừa phát hiện ra thêm một sự thật đáng buồn của nhân loại: chưa một ai từng bay ra khỏi khí quyển Trái Đất. Nhanh chóng đưa người lên Sao Hỏa là ta sẽ xóa được “tiếng xấu” đó thôi.