Khá Bảnh, hay những thần tượng mà chính chúng ta đang dung dưỡng?

Khá Bảnh không phải nhân vật mạng gây tranh cãi đầu tiên của chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta cần ghi nhớ lâu hơn về nhân vật này, bởi chúng ta đã tạo nên một thần tượng đại diện cho sự thiếu văn hóa, học thức và bất tuân pháp luật.

Thông tin Ngô Bá Khá, tức Khá Bảnh bị bắt giữ và điều tra vì tội danh tổ chức đánh bạc và dương tính với ma túy có lẽ là thông tin được chú ý nhất trên mạng xã hội hiện nay. Tin tức về “hiện tượng mạng” với hơn 2 triệu người theo dõi trên Youtube này luôn đứng ở top những bài viết có lượt đọc và bình luận cao nhất trên tất cả các trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong ngày 2/4. Khá Bảnh không phải nhân vật mạng gây tranh cãi đầu tiên của chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta cần ghi nhớ lâu hơn về nhân vật này, bởi chúng ta đã tạo nên một thần tượng đại diện cho sự thiếu văn hóa, học thức và bất tuân pháp luật.

1. Chúng ta xây một sàn diễn, dựng một dàn đèn và gọi tên Khá Bảnh làm trò vui

Khá Bảnh là ai, có lẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều. Bắt đầu với những điệu nhảy “múa quạt”, danh tiếng của dân chơi giang hồ sinh năm 1993 này nhanh chóng đi lên. Từ một trò vui có vẻ vô bổ mà mạng xã hội lan truyền, Khá Bảnh bắt đầu tiến xa hơn. Nếu tìm kiếm về nhân vật này trên Google, chúng ta có hơn 12 triệu kết quả. 

Khá Bảnh nhận được nút vàng của Youtube, nghiễm nhiên trở thành một trong những nhân vật có sức thu hút và lan tỏa, luôn tạo trending trên kênh Youtube Việt Nam, ngang ngửa với những cái tên “nút vàng” như Sơn Tùng MTP, Bích Phương và chắc chắn bỏ xa rất nhiều ca sĩ, vlogger hay các kênh tin tức, kiến thức vẫn đang cật lực xây dựng nội dung hữu ích.

Không biết giữa hàng chục triệu lượt người xem thì có bao nhiêu lời khen ngợi, bao nhiêu nút like, thả tim về Khá Bảnh là thật sự yêu thích anh chàng này.

Không biết hơn hai triệu người theo dõi kênh youtube của Khá Bảnh, họ theo dõi anh ta như một loại nhân vật giải trí vô hại, hay thực sự theo dõi vì đồng tình với những nội dung và giá trị và anh ta đăng tải.

Có lẽ không thể quy kết rằng cộng đồng mạng thực sự tin rằng Khá Bảnh là một thần tượng để tôn vinh, nhưng có một sự thật không thể chối cãi: chúng ta đã tạo ra sân chơi cho chính Khá Bảnh.

Nhiều người trong số chúng ta không hiểu Khá Bảnh là cái gì mà lại có nhiều người quan tâm đến thế. Một số khác cực lực phản đối và coi sự nổi lên của hình tượng mạng này là một sự suy sụp các giá trị về đạo đức của xã hội. Nhưng con số coi Khá Bảnh như một trào lưu đùa vui trên mạng dường như mới là đa số. Chính vì thế chúng ta không cảm thấy sai trái hay cho rằng mình phải có trách nhiệm trong việc lan tỏa “sự vui vẻ vô hại” này. Hầu hết có lẽ sẽ cảm thấy thoải mái và giải trí, và chúng ta thả một nút like, ấn một nút share. Khá Bảnh bắt đầu xây dựng được thanh danh của mình từ sự vô tư của số đông. Mấy điệu nhảy bar sàn, một kiểu tóc buồn cười không thể gây phương hại gì đến ai cả, cộng đồng mạng tin là như thế. Chúng ta vui vẻ gọi Khá Bảnh là anh, là idol, là đại ca.

Khá Bảnh, hay những thần tượng mà chính chúng ta đang dung dưỡng? - Ảnh 1.

Và dù nhiều tranh cãi, lượt dislike ngang ngửa lượt like trên Youtube, dù vẫn có những ý kiến trái chiều, thì tất cả những điều đó vẫn không thể ngừng được cơn sóng niềm vui của phần đông cư dân mạng. Chúng ta đã xây một sàn diễn, dựng một dàn đèn và dẫu đùa vui, vẫn gọi tên Khá Bảnh như cổ vũ một hình mẫu thần tượng thực thụ.

2. Hình mẫu xã hội dung dưỡng?

Nhưng cái gì được lặp lại quá nhiều trên không gian mạng, dù vô lí đến đâu, cũng sẽ đến lúc nó khiến một bộ phận không thể tránh khỏi nhầm lẫn. Cư dân mạng không phải một người, chúng ta là tập hợp của đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi với mức độ tri nhận vấn đề khác nhau. Không phải ai trong số những người lên mạng hàng ngày cũng đủ tri nhận Khá Bảnh là một hiện tượng giải trí chỉ cho vui chứ không phải hình tượng để học theo. Đây cũng là lúc mà Khá Bảnh (và có thể là một đội ngũ phía sau) bắt đầu một hình mẫu dễ đi vào lòng người hơn, ấy là làm một đại ca giang hồ nhưng vẫn sống đẹp, vẫn nói điều hay và giúp kẻ khó.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi người rỉ tai nhau về việc “những kẻ nói đạo lý thường không ra gì”. Chúng ta mở tin tức và ngán ngẩm với những hình mẫu đạo mạo nhưng không hành xử như cách đáng ra họ nên như thế. Hoặc đôi khi chỉ là, họ làm những việc chúng ta cho rằng họ không được phép làm thế. 

Khi mà những tiết học đạo đức, giáo dục công dân vẫn còn thiên về lí thuyết hơn thực hành, những giá trị tốt đẹp vẫn còn đang loay hoay tìm đường đi vào lòng người một cách trọn vẹn nhất thì ngoài kia đã có nhiều hơn những “con sâu làm rầu nồi canh” trốn dưới vẻ ngoài chau chuốt, tử tế. 

Chính vì thế, chúng ta tin rằng mình cần đi tìm những giá trị thực, những thứ xù xì nhưng tốt đẹp còn hơn là đạo lý mà không ra gì. Đúng thế, chúng ta cần nhiều hơn những hình tượng cũng phải cỡ Robin Hood cướp của người giàu chia cho người nghèo.

Và Khá Bảnh đã xây dựng cho mình một cái hình ảnh từa tựa như chúng ta mong mỏi trong xã hội bây giờ. Không hoàn hảo, chau truốt đến vậy, cũng có thể là không toan tính đến mức ấy, nhưng nhiều người trong số chúng ta thực sự đã tán thưởng hình ảnh của Khá Bảnh.

Họ thích thú với hình mẫu một giang hồ đi bar sàn, gái gú nhưng sống tốt, sống tình nghĩa với anh em, dạy bảo mọi người không dính dáng đến cờ bác, ma túy. Họ cũng dễ dàng gật gù và lan tỏa những meme với triết lí kiểu trên đời không có phải trái, chỉ có kẻ yếu, kẻ mạnh.

Cư dân mạng là rất nhiều người, họ có thể là những đứa trẻ, những người vô tâm, những kẻ thiếu tri nhận một cách sâu sắc. Và nhiều người trong số đó vẫn tiếp thu hình tượng một Khá Bảnh như một kẻ tốt, một người ngay thẳng. Đến lúc ấy, nhiều người giật mình nhận ra, có phải sân khấu của Khá Bảnh hình như đã vượt quá giới hạn của một trò chơi?

Nhưng điều ấy vẫn chẳng thế ngăn cản việc người ta vẫn ồn ào, thậm chí là đổ tiền để quảng cáo và khiến tay giang hồ này tiến sâu hơn nữa, lan tỏa hơn nữa vào nhận thức của một bộ phân không nhỏ của cộng đồng. Từ những video quay bằng điện thoại những điệu nhảy, Khá Bảnh kiếm được tiền từ những video đầu tư trên Youtube, anh ta trở thành nhân vật quảng cáo cho một số thương hiệu nào đó. 

Khá Bảnh, hay những thần tượng mà chính chúng ta đang dung dưỡng? - Ảnh 2.

Một bộ phận đông đảo trong xã hội đã vô tình dung dưỡng, lan truyền về một hình tượng ngang ngược, bất tuân lẽ phải, pháp luật. Và đáng buồn hơn vậy, hình tượng này lại làm lợi cho những kẻ vốn không quan tâm gì ngoài túi tiền của chính họ.

3. Chúng ta đang tán dương điều gì?

Khó mà kết luận một cách chủ quan rằng Khá Bảnh là một hình tượng làm sụp đổ những giá trị tốt đẹp, bóp méo đạo đức của thế hệ trẻ tương lai. Tình hình không tồi tệ đến thế. Nhưng chúng ta sẽ ngạc nhiên, hơn cả một nhân vật mà Khá Bảnh chỉ là một đại diện, hình mẫu mà xã hội dung dưỡng và tán dương một cách dễ dãi có thể ăn sâu vào suy nghĩ đến mức nào.

“Khá Bảnh nó kiếm được 400 triệu một tháng, mày chửi nó nhưng mày có gì nào?”

“Hút ma túy với đánh bạc thì cũng chỉ là thú vui”

“Ra ngoài đường hổ báo, nhưng nó vẫn sống hiếu thảo với mẹ còn hơn lũ nói đạo lý”

Ngô Bá Khá là ai? Một câu trai sinh năm 1993, không được học hành đầy đủ, ăn chơi đàn đúm theo kiểu giang hồ, từng ra tù vào tội vì gây rối, không tuân thủ pháp luật. Một hình mẫu không có gì đáng tôn vinh hay bênh vực nhưng nhiều người vẫn tìm ra lí lẽ để đánh tráo, thậm chí đặt ngang hàng người như vậy với những người tử tế khác, chỉ bởi những thước đo nông cạn mà chúng ta đặt ra một cách vội vã. 

Nhiều người mải miết với những thứ giá trị dạng “thô nhưng thật”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà không thể vạch ra một ranh giới đúng đắn giữa sự ngay thẳng, tử tế, dũng cảm, rộng lượng với sự bạo lực, thô tục, ngang ngược,… Khá Bảnh chỉ là một nét gạch đậm trong một bức tranh nhằng nhịt, xấu xí mà nhiều người trong số chúng ta vẫn tán thưởng hằng ngày và cho rằng đấy mới là lẽ phải. 

Chúng ta tán dương những tay anh chị nhân danh lẽ phải để xử lý bạo lực với những việc mà họ cho là đáng bị như thế. Chúng ta gật gù với những video đánh ghen mà nạn nhân bị đánh đến đổ máu. Chúng ta gạt ranh giới, quy định, pháp luật thực sự sang một bên để nhường chỗ và cổ vũ cho những hình mẫu chúng ta tự phong. Cho dù đó chỉ là một sự đùa vui trong chốc lát, một sự đồng tình nhất thời, thì chúng ta vẫn đang góp phần dung túng cho những giá trị không tốt.

Ngô Bá Khá sử dụng ma túy, chơi cờ bạc, đứng dàn hàng chụp ảnh giữa đường cao tốc, gây gổ đánh nhau, đốt xe máy,… Đương nhiên lỗi trước tiên là của bản thân anh ta chứ không phải ai khác. Nhưng không nhìn nhận vào bản chất mà lại coi những hình mẫu như vậy và rất nhiều hiện tượng mạng khác như một trò đùa, một trò vui vô hại, một loại giá trị đáng để tán dương để rồi nhiều người có thể kiếm chác lợi ích một cách dễ dàng từ những hình ảnh vô đạo đức, bất tuân pháp luật như vậy tức là chúng ta đang đồng lõa với họ, đồng thời tự hạ bệ, coi rẻ những giá trị tốt đẹp và tử tế trong cuộc sống.

Khá Bảnh, hay những thần tượng mà chính chúng ta đang dung dưỡng? - Ảnh 3.

Chúng ta đang đứng trong một xã hội với những dòng chảy thiện ác dễ lan truyền hơn bao giờ hết. Nhưng cũng vì thế mà những ranh giới cho điều có thể đùa vui, tán dương cũng cần được vạch ra rõ ràng và nhìn nhận thực chất nhiều hơn nữa. 

Suy cho cùng, những hình mẫu, thần tượng, những hiện tượng mạng là do chính chúng ta tạo nên, và phần nào phản ánh hình ảnh chính xã hội. Rồi sẽ có rất nhiều người nhìn vào những hình mẫu đó và bị tác động bởi nó. 

Vì thế, trước khi khiến một làn sóng rộ lên, chúng ta có lẽ nên tự hỏi mình một cách sâu sắc, thực ra chúng ta đang tán dương điều gì?