Lần đầu tiên, trong báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đề cập vấn đề “thể chế phát triển bền vững”, tức là thể chế đảm bảo cho sự vận hành đồng bộ, thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, hướng tới thực hiện yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 với 12 định hướng tổng quát trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có định hướng về hoàn thiện thể chế phát triển bền vững.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định định hướng thứ nhất là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” . Như vậy, đây là lần đầu tiên vấn đề “thể chế phát triển bền vững” được đặt ra trong một văn kiện Đại hội Đảng.
Trước đó, trong Đại hội XII, vấn đề thể chế chỉ được nhắc đến trong nhiệm vụ tổng quát thứ hai là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nói cách khác, Đại hội XII mới chỉ đề cập đến hoàn thiện thể chế phát triển của lĩnh vực kinh tế.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề cập “thể chế phát triển bền vững” thể hiện nhận thức mới của Đảng ta về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của thể chế phát triển bền vững đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đó chính là điều kiện quyết định để “tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Thực tế cho thấy, thể chế phát triển hiện nay nói chung còn không ít tồn tại, tạo ra những vướng mắc, gây ra những khó khăn cho việc huy động nguồn lực, sức mạnh để phát triển đất nước một cách đồng bộ, bền vững. Việc nhận ra những hạn chế, vướng mắc về thể chế phát triển chính là thể hiện thái độ nghiêm khắc, tinh thần trách nhiệm và phương pháp khoa học, thực tế, khách quan của Đảng trong lãnh đạo đất nước với tư cách là một đảng cầm quyền.
Cùng với những hạn chế của hệ thống thể chế phát triển bền vững hiện nay thì sự vận động của tình hình chung trên thế giới, sự phát triển dẫn đến những thay đổi to lớn, mạnh mẽ, toàn diện của thực tiễn. Bên cạnh đó, những yêu cầu, đòi hỏi mới của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới cũng đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững.
Đó là vấn đề có tính quy luật, là một yêu cầu khách quan, là điều kiện căn bản đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.
Theo Quang Minh (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoan-thien-the-che-phat-trien-ben-vung-d153634.html