Các bác sỹ BV Bệnh nhiệt đới TƯ lấy mẫu xét nghiệm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, số lượng trẻ em nhiễm sán lợn cao chưa thể hiện rõ được nguyên nhân là do ăn thịt lợn nghi bẩn đưa vào trường học mà dư luận phản ánh.
Tính đến tối ngày 15/3, theo kết quả xét nghiệm từ 2 cơ sở y tế là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương xác định có 57 học sinh tại Bắc Ninh xuống làm xét nghiệm nhiễm sán lợn.
Trao đổi với PV vào tối 15/3, một lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, tỉnh đã có cuộc họp gấp với các ngành chức năng và có chỉ đạo cụ thể các đơn vị.
Trong đó, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan. Hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân về việc phòng chống sán lợn; tổ chức xét nghiệm với các học sinh tại Trường Mầm non Thanh Khương.
Hàng trăm gia đình đã đưa con đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ làm xét nghiệm trong sáng 15/3.
Trước câu hỏi có hay không nguyên nhân dẫn đến hàng chục trẻ nhiễm sán lợn là do ăn phải thịt lợn nghi bẩn, nhiễm sán đã được cung cấp vào bếp ăn của Trường mầm non Thanh Khương mà phụ huynh đã phản ánh? vị lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, chưa thể xác định như vậy.
“Việc số lượng cháu âm tính hay dương tính nhiễm sán lợn cao cũng chưa thể hiện rõ được nguyên nhân là do ăn thịt lợn. Ngành y tế cũng báo cáo, nếu ăn phải thịt lợn nhiễm ấu trùng sán cần một thời gian ủ bệnh khoảng 8 tuần.
Do đó, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp để tiến hành xác định làm rõ nguyên nhân”, vị lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.
Cũng trả lời câu hỏi về nguyên nhân nhiễm sán lợn là do thực phẩm hay không?, GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng trong thực tế, nguồn lây bệnh có thể ở trong đất, nước hoặc ở trong thực phẩm sống, khi chưa nấu chín và người nhiễm từ bao giờ cũng không thể biết.
Theo GS Kính, bình thường tỉ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng dân cư rất thấp, việc tại một khu vực có tỉ lệ cao bất thường cũng cần được quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải bệnh cấp tính nên các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến BV khám.
Theo đó, khi có danh sách cụ thể, Bệnh viện sẽ gửi thông tin để Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ xuống tận nơi để điều tra, tìm hiểu dịch tễ.
Về nghi ngờ nguyên nhân có thể liên quan đến ăn thịt lợn, GS Kính cho hay, sau khi có kết quả xét nghiệm cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ sẽ xuống làm rõ xem có phải do nguyên nhân này hay do vấn đề môi sinh, môi trường.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn.
Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.