Chùm ảnh chân thực đến kinh ngạc của nhiếp ảnh gia người Đức Kai Löffelbein, thực hiện trong suốt 7 năm đã khiến ta nghĩ lại về những thứ đồ điện tử mình đang sở hữu.
Mỗi năm, nhân loại ném ra khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử, có từ pin tiểu cho tới dàn máy tính lớn. Gọi là “rác”, nhưng chúng vẫn là những sản phẩm rất có giá trị. Thực tế, Liên Hợp Quốc mới đưa ra ước tính tổng giá trị của rác thải điện tử là khoảng 55 tỉ USD, có được do lượng vàng, bạc và những loại kim loại quý khác bên trong đồ điện tử.
Cái khó là làm sao lấy được số kim loại giá trị ấy ra.
Nhiếp ảnh gia người Đức Kai Löffelbein bỏ ra 7 năm trời để ghi lại phương thức người ta lấy ra được những kim loại quý từ rác thải điện tử: chúng được trích xuất tại những môi trường độc hại đến nguy hiểm, bằng những đôi tay của lớp người nghèo đói nhất thế giới. Hóa ra có một cái khó khác: làm sao để ghi lại những khoảnh khắc sống động của những con người ngày đêm lấy ra được cái “55 tỉ USD” trong núi rác cứ mỗi năm, lại chất thêm 50 triệu tấn.
Cuốn sách do Kai Löffelbein viết nên, có tên “CTRL-X: Một bản đồ địa hình núi rác điện tử” chứa những hình ảnh ngạc nhiên đến đau lòng tại Ghana, Trung Quốc và Ấn Độ, những nước là điểm tập kết thường xuyên của rác thải điện tử. “Bản thân là một nhiếp ảnh gia, quanh tôi là rất nhiều đồ đạc hành nghề. Tôi có nhiều máy tính, một cái laptop và vô số máy ảnh. Dần dần, tôi tự hỏi xác của chúng rồi sẽ đi về đâu“.
Để trả lời cho câu hỏi ấy, Löffelbein tới Accra, thủ phủ của Ghana và cũng là nơi hình thành Agbogbloshie – bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới. Thường xuyên lui tới nơi đây là 700 con người, gồm cả những đứa trẻ chưa trưởng thành, sống sót qua ngày bằng nghề lọc rác thải điện tử. “Người ta gọi đây là cổng địa ngục“, nhiếp ảnh gia 37 tuổi nhớ lại. “Quả đúng là như thế“.
Anh tận mắt thấy những đứa trẻ chỉ 12 tuổi ném dây điện vào đống lửa lớn để nhiệt đánh bật đi lớp vỏ cao su, lộ ra đoạn đồng mỏng và trong quá trình ấy, khói khét bay đen đặc một vùng trời. Anh chứng kiến những người thợ dùng đá tảng đập nát thiết bị điện tử có lẽ đã cũ hỏng, lấy ra từng thành phần để lọc kim loại. Trung Quốc cố gắng cắt giảm lượng rác thải điện tử nhập khẩu, nhưng lượng rác mà chính người dân Trung Hoa đổ ra cũng không hề ít.
Trong danh sách những khu vực Löffelbein đặt chân tới, không khí tại New Delhi, Ấn Độ có lẽ là tệ hại nhất. Nơi đây hình thành cả một quận có nền kinh tế dựa hoàn toàn vào rác thải điện tử. Cách thức xử lý rác cũng chẳng khác mấy Accra: những đống lửa lớn đốt từng thứ đồ điện tử nhỏ. “Đó là một trong số ít lần tôi cần phải đeo mặt nạ lọc không khí, tôi cảm thấy phổi mình bỏng rát do bầu không khí nơi đây“.
Mong muốn của Kai Löffelbein: chính quyền toàn cầu hãy tạo dựng những bộ luật quản lý rác thải điện tử chặt chẽ hơn, khuyến khích việc tái chế an toàn. Tuy nhiên, đây là một trong vô số trường hợp “nói thì dễ, làm thì rất khó”. Ngành tái chế ta đang có là một ngành công nghiệp không hoàn toàn đứng đắn. Mạng lưới Basel Action Network có trụ sở tại Seattle giấu thiết bị dò vị trí vào thiết bị điện tử, rồi đưa chúng cho công ty tái chế hay những quỹ từ thiện sẵn sàng thực hiện tái chế. Báo cáo năm 2017 cho thấy khoảng 1/3 số thiết bị gắn GPS theo dõi đang nằm tại bãi rác ở các đất nước đang phát triển.
Phải chăng cách thức giảm thiểu rác thải điện tử nằm tại chính người dùng? Liệu có phải thói quen “có mới nới cũ” đã khiến rác thải ngày một nhiều lên? Các công ty đồ điện tử liên tục tung ra những sản phẩm mới, chẳng ai bảo ai, người dùng cứ kéo nhau đi sắm những chiếc điện thoại thời thượng nhất thời điểm hiện tại. Chuyện gì sẽ xảy ra với chiếc máy cũ? Qua vài đời sử dụng nữa, nó sẽ nằm gọn trong sọt rác để đến với những bãi phế liệu khổng lồ, góp một phần nhỏ vào lượng rác 50 triệu tấn/năm.
Tham khảo Wired