Trong buổi họp với nhóm công tác sửa đổi Hiến pháp Nga hôm 16/1 vừa qua, Tổng thống Putin đã đích thân giải thích nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về những đề xuất của mình.
Việc gia tăng quyền lực cho Quốc hội không ảnh hưởng tới nền cộng hòa Tổng thống ở Nga, và cũng không thay đổi những điều cốt lõi của Hiến pháp Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 16/1 vừa qua khẳng định trong buổi họp với nhóm công tác sửa đổi Hiến pháp Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Cụ thể, ông Putin cho biết: “Những đề xuất vừa được tôi nêu ra [trong Thông điệp Liên bang ngày 15/1] không ảnh hưởng tới nền tảng cơ bản của Hiến pháp, và ý nghĩa của việc sửa đổi này là để đảm bảo nước Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong vai trò là nhà nước pháp quyền, xã hội; nâng cao hiệu quả của các thể chế chính trị, tăng cường vai trò của xã hội dân sự, các đảng phái chính trị, và của các khu vực trong quá trình phát triển đất nước”.
Giải thích về đề xuất trao thêm quyền lực cho Quốc hội, ông Putin cho biết điều này sẽ giúp nước Nga “trở nên cởi mở hơn”, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp giữa chính phủ và Quốc hội trong quá trình soạn thảo, ban hành và thực thi chính sách – trong khi vẫn giữ bản chất là một nước cộng hòa Tổng thống:
“Mọi người hãy tưởng tượng điều này: Thủ tướng được bổ nhiệm, và Tổng thống không có quyền bác bỏ lựa chọn [của Quốc hội]. Sau đó, Thủ tướng sẽ làm việc và gửi đề xuất trực tiếp tới Quốc hội, không phải tới Tổng thống. Quốc hội cũng sẽ thông qua các vị trí trong nội các và Tổng thống không có quyền bác bỏ quyết định ấy.
Điều này rất có ý nghĩa. Khi Quốc hội có nhiều quyền lực hơn, thì họ cũng phải chịu trách nhiệm lớn hơn – không chỉ đối với các Bộ trưởng và Phó Chủ tịch [nội các] do họ lựa chọn, mà còn đối với các công việc và nhiệm vụ của họ.
[…] Tôi tin rằng đa số những người có mặt ở đây và người dân Nga cũng sẽ đồng ý với điều này: nước Nga nên tiếp tục duy trì nền cộng hòa Tổng thống, và Tổng thống nên nắm giữ quyền lực quan trọng, cho phép người đó có thể cách chức những người vi phạm pháp luật, những người không trung thực trong công việc…”
Theo nhà lãnh đạo Nga, việc nước Nga chuyển hoàn toàn sang nền cộng hòa nghị viện sẽ rất phức tạp khi lãnh thổ Nga rộng lớn như vậy. “Do đó, việc kết hợp linh hoạt hai hình thức này – gia tăng quyền lực cho quốc hội và duy trì vai trò của nguyên thủ quốc gia – sẽ là lựa chọn hợp lý hơn”.
Tổng thống Putin giải thích về đề xuất sửa đổi Hiến pháp Nga
Chính trường Nga thay đổi “chóng mặt” chỉ trong vòng 2 ngày
Sau khi Tổng thống Putin kết thúc bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 15/1, (cựu) Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn thể nội các chính phủ Nga đã đệ đơn xin từ chức, và nhận được sự chấp thuận của Tổng thống.
Trong khi các quan chức của nội các cũ vẫn tạm thời giữ chức, thì ông Medvedev đã được Tổng thống Putin bổ nhiệm vào chức vụ mới: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Và chỉ vài giờ sau đó, ông Putin đã công bố danh tính nhân vật sẽ thay thế cho ông Medvedev: đó là ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế Liên bang Nga.
Những diễn biến sau đó cũng diễn ra nhanh chóng. Ngày 16/1, phiên bỏ phiếu phê chuẩn ứng cử viên do ông Putin đề cử đã được tổ chức tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga). Toàn bộ 383 nghị sĩ có mặt đều bỏ phiếu thuận, và nước Nga đã chính thức có Thủ tướng mới sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mishustin vào vị trí này.
Nhiều chuyên gia, đặc biệt là truyền thông phương Tây cho rằng động thái này cho thấy Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho kế hoạch “nắm quyền trọn đời” sau khi rời chiếc ghế Tổng thống vào năm 2024 theo quy định của Hiến pháp Nga. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng những diễn biến ngay lúc này vẫn chưa đủ để đánh giá về kịch bản tương lai.
Hồng Anh, theo Trí Thức Trẻ