Dấu ấn văn hóa vùng Đất Tổ

Là vùng đất cội nguồn của dân tộc, nơi các Vua Hùng dựng nước, Phú Thọ hiện còn lưu giữ được hệ thống di sản văn hóa đa đạng, phong phú, đồng thời, Phú Thọ còn là “Thủ đô văn nghệ kháng chiến”- nơi khơi nguồn sáng tạo cho nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ. Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sức mạnh toàn dân để gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa vùng Đất Tổ, để văn hóa giữ vai trò là “nền tảng tinh thần xã hội” động lực cho phát triển kinh tế – xã hội trên quê hương Đất Tổ.

Dấu ấn văn hóa vùng Đất TổNghi thức tế nữ quan trong Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ.

Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2/1943, là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có tính chất nền tảng, nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng cứu quốc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, khơi dậy ở mỗi người dân, cộng đồng, dân tộc lòng yêu nước và khát vọng độc lập. Các nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới, tạo nên đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam- một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do Nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến chân – thiện – mỹ, hướng đến tiến bộ, văn minh. Cho đến nay, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển.

Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Sau bản Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943, đã có ba Hội nghị văn hoá toàn quốc được tổ chức, trong đó, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức vào ngày 24/11/1946 tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Hai được tổ chức trên quê hương Đất Tổ từ ngày 16 đến 20/7/1948 và Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ Ba được tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 24/11/2021. Song song với đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản, Nghị quyết tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng giai đoạn như: Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc chúng ta phải phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước; trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá”.

Dấu ấn văn hóa vùng Đất TổNghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Mường huyện Thanh Sơn được bảo tồn góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Khởi sắc văn hoá vùng Đất Tổ

Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di sản văn hóa trên diện rộng; đồng thời xây dựng, triển khai các kế hoạch bảo tồn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Phú Thọ hiện có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có một di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích lịch sử Quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh, năm bảo vật Quốc gia, 14 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trong đó Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để có được kết quả đó, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá một cách bài bản, khoa học nhằm xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, từng bước xây dựng, phát triển Phú Thọ trở thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Tạo điều kiện để nhân dân cùng chung tay gìn giữ, trao truyền mạch nguồn văn hóa truyền thống của cha ông, bên cạnh đó, các nghệ nhân- “báu vật nhân văn sống” cũng được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, bảo tồn, trao truyền, phát huy các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp vùng Đất Tổ…

Là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống với kho tàng văn hóa rất đa dạng, phong phú từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, các lễ hội truyền thống, nhạc cụ… nhiều địa phương trong tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và có những cách làm hay để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS như thành lập các CLB văn hóa dân tộc Mường, hỗ trợ mua cồng chiêng, xây dựng không gian văn hóa Mường trong trường học, mở các lớp dạy chữ viết của dân tộc Dao…Bên cạnh đó, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, thể hiện không khí thi đua sôi nổi, sâu rộng góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa đã được đầu tư và nâng cấp tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ các sản phẩm văn hóa. Năm 2022, toàn tỉnh có 88,8% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 88% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Được gọi là cái nôi của văn nghệ kháng chiến hay Thủ đô văn nghệ kháng chiến, Phú Thọ đã có những văn nghệ sĩ đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh các giải thưởng về văn hóa, nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tỉnh Phú Thọ còn có các giải thưởng riêng được trao cho các văn nghệ sĩ, qua đó góp phần thúc đẩy văn học, nghệ thuật của tỉnh ngày càng phát triển, đó là Giải thưởng Hùng Vương và Giải thưởng 5 năm về VHNT trong đó Giải thưởng Hùng Vương về văn học, nghệ thuật là phần thưởng cao quý nhất của tỉnh dành cho văn nghệ sĩ có những tác phẩm xuất sắc về quê hương Đất Tổ. Nhiều hội viên các chuyên ngành Âm nhạc, văn, thơ, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh đã có những tác phẩm xuất sắc đạt giải khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Đảng bộ tỉnh đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển du lịch bền vững. Nâng cao hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để văn hóa vùng Đất Tổ vừa phát triển bắt nhịp cùng thời đại, đồng thời lưu giữ được bản sắc riêng góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phương Thanh

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/dau-an-van-hoa-vung-dat-to/191134.htm