Dáng hình bố mẹ trước cổng trường thi: Bố mẹ sẽ luôn ở đó chờ con, dù là một kì thi hay là thử thách to lớn nào khác

1. Ngày hè nắng gắt đầu tháng 6 năm 2019, tôi nhìn thấy những người bố người mẹ đứng chờ con ngoài cổng trường trong kì thi lớp 10. Buổi sáng, các em làm được bài, nên khuôn mặt bố mẹ cũng nhẹ nhõm hơn, cười nhiều hơn. Buổi chiều hôm ấy, nhiều em không làm được bài quá, nên oà khóc ngoài cổng trường, mẹ ôm con cũng khóc theo… Những bức ảnh len lỏi khắp mạng xã hội, người ta bàn tán nhiều về áp lực học hành thi cử. Nhưng tôi tin là những ai đã từng trải qua thời học sinh được bố mẹ đưa đi thi, vững tâm hơn hẳn vì nghĩ có bố mẹ đang ngay ngoài kia chờ mình, hay từng có lúc không làm được bài chỉ mong khi ra khỏi cổng trường nhìn thấy một gương mặt thân quen để ùa vào khóc, thì cảm giác khi nhìn thấy những bức ảnh ấy, chỉ là thấy thương, thấy quý đến nghẹn ngào. Bởi đó là những ngày tháng, những kỉ niệm không thể nào phai trong hành trình cả cuộc đời.

Vậy đấy, nhiều bố mẹ Việt Nam dành cả cuộc đời để đi học, đi thi.

Giống như chúng ta, họ dành cả tuổi trẻ để đến trường. Từ tiểu học đến đại học, cao học – có người sẽ rơi rớt lại ở khoảng đâu đấy giữa những cột mốc ấy. Sau tất cả quãng thời gian đèn sách, ngay khi nghỉ ngơi khoảng gần chục năm để kết hôn và sinh con, họ lại tiếp tục một cuộc chiến nữa với giáo dục và trường học – đó là cuộc chiến thi cử cho con mình.

Cứ đến mỗi mùa thi, bên cạnh những xôn xao về nào đề thi, nào quy chế… thì một trong những hình ảnh mà chúng ta quen thuộc nhất, đó chính là các bậc phụ huynh đứng ngóng con ngoài cổng trường thi. Năm nào cũng vậy, luôn luôn là những ánh mắt lo lắng, những cái nhìn xa xăm thẫn thờ mà lấp lánh hy vọng, luôn luôn là những giọt mồ hôi, những cảnh đông đúc chờ đợi. Nếu như các con bước vào một cuộc chiến với sách vở, cha mẹ cũng ở ngoài bước vào một cuộc chiến với trăm nghìn nỗi lo để con có điều kiện học hành tốt nhất, có một ngày đi thi an toàn và yên tâm nhất. Thi học kỳ, thi tốt nghiệp tiểu học, trung học, đại học, chưa tính các kỳ thi chuyên, thi học sinh giỏi… từng ấy kỳ thi là từng ấy lần bố mẹ lo lắng như dứt ruột.

Những tưởng cái ngày con bước chân vào giảng đường đại học, hoặc quyết định rẽ ngang đi làm – cũng là ngày bố mẹ có thể quên những tháng này trăn trở vì thi cử rồi. Ấy thế mà, kỳ nghỉ cũng chỉ kéo dài độ hơn chục năm. Con lập gia đình, rồi có cháu. Lúc này, bố mẹ lại là người cầm tập hồ sơ, đứng xếp hàng để nộp vào mỗi dịp đầu năm học – nhẫn nại và đầy yêu thương.

Có lẽ, trong tiềm thức của mỗi bố mẹ, ông bà – chuyện lo lắng và quan tâm cho con cháu vào mỗi kỳ thi đã trở thành bản năng và là chuyện tự nhiên như hơi thở, mặc kệ những tranh cãi ngoài kia, mặc ai đó nói rằng “sao phải khổ thế”. Đơn giản là vì họ chọn được khổ vì con cháu và họ vui với cái sự khổ đó. Với họ, ấy là yêu thương. Nó như một vòng tròn lặp đi lặp lại, một vòng tròn của tình yêu giữa các thành viên trong gia đình, một vòng tròn ý nghĩa của sự xót xa, quan tâm ruột thịt.

2. Cả thời đi học của tôi, mẹ thường dậy từ sớm để đồ xôi vào mỗi sáng trước ngày thi. Tôi ngủ dậy còn cuống quýt vì sợ muộn, mẹ đã bưng lên đặt trước mặt một đĩa xôi to ụ, bắt phải ăn một ít rồi mới được đi. Nhắc đến chuyện đi thi, mẹ cũng rất khó tính và cầu kỳ trong việc lựa chọn: Ai sẽ là người mà tôi sẽ đụng mặt đầu tiên khi bước chân ra ngoài đường?

Dáng hình bố mẹ trước cổng trường thi: Bố mẹ sẽ luôn ở đó chờ con, dù là một kì thi hay là thử thách to lớn nào khác - Ảnh 2.

Trước kỳ thi, mẹ trở nên nhạy cảm hơn với các món ăn, bà bỗng nhiên trở thành 1 nhà biểu tượng học: khó chịu với bất cứ đồ vật nào mang hình dáng của số 0 và số 1 xuất hiện trong nhà.mua hoa trạng nguyên về bày, cấm ăn lạc, vừng, thậm chí cả ốc. Tôi cảm giác như tất cả quãng thời gian học hành của mình thậm chí còn không mang lại kết quả chắc chắn bằng việc theo sát chế độ ăn uống và kiêng cữ của mẹ. Và có lẽ tất cả bao năm đèn sách ấy sẽ đi tong nếu tôi bước chân ra khỏi nhà vào buổi sáng ngày thi mà quên không ăn nắm xôi đỗ, hay run rủi thế nào lại đụng phải bà hàng xóm thuộc Tứ hành xung. Ấy thế mà tôi vẫn nhất nhất nghe lời, quan trọng nhất là để mẹ vui.

Trước kỳ thi, mẹ trở nên nhạy cảm hơn với các món ăn, bà bỗng nhiên trở thành 1 nhà biểu tượng học: khó chịu với bất cứ đồ vật nào mang hình dáng của số 0 và số 1 xuất hiện trong nhà.mua hoa trạng nguyên về bày, cấm ăn lạc, vừng, thậm chí cả ốc. Tôi cảm giác như tất cả quãng thời gian học hành của mình thậm chí còn không mang lại kết quả chắc chắn bằng việc theo sát chế độ ăn uống và kiêng cữ của mẹ. Và có lẽ tất cả bao năm đèn sách ấy sẽ đi tong nếu tôi bước chân ra khỏi nhà vào buổi sáng ngày thi mà quên không ăn nắm xôi đỗ, hay run rủi thế nào lại đụng phải bà hàng xóm thuộc Tứ hành xung. Ấy thế mà tôi vẫn nhất nhất nghe lời, quan trọng nhất là để mẹ vui.

Bố tôi khi đó sẽ giục tôi kiểm tra lại cái cặp hồ sơ, soát lại từng thứ giấy tờ. Bố là một công chức bình thường, và ông luôn sắp xếp mọi lịch trình của mình để lần thi cử nào cũng đưa tôi đến tận cổng trường, chúc tôi thi tốt bằng một ánh mắt lấp lánh đầy hi vọng – rằng tôi có thể được học một ngôi trường tốt hơn ông xưa kia, làm được một công việc tốt hơn ông. Và bố cũng như rất nhiều các ông bố bà mẹ khác, lặng lẽ chờ con suốt mấy tiếng thi dưới cái nắng chang chang. Rồi ông sẽ tìm cách đoán tôi làm được bài hay không qua sắc mặt đứa con gái và chỉ trút mọi cảm xúc dồn nèn trong suốt thời gian chờ đợi ấy bằng một câu hỏi khẽ khàng:

“Làm được bài không con?”

Dáng hình bố mẹ trước cổng trường thi: Bố mẹ sẽ luôn ở đó chờ con, dù là một kì thi hay là thử thách to lớn nào khác - Ảnh 3.

Những kỷ niệm của tôi về buổi sáng các ngày thi hồi đi học, bây giờ nghĩ lại – không phải là cảm giác áp lực hay nỗi sợ hãi rằng mình không làm được bài – mà luôn luôn là nắm xôi đỗ của mẹ cùng hình ảnh bố chờ đợi dưới nắng, trên chiếc xe máy cũ, đang dáo dác tìm tôi trong đám thí sinh. Tôi không nhớ đến nỗi lo lắng, thậm chí không nhớ nổi những cảm xúc vui buồn vỡ oà khi so kết quả bài thi. Tôi chỉ nhớ nhất đôi mắt lo lắng của bố trong đám đông phụ huynh ngoài cổng trường, và nụ cười của mẹ khi tiễn chúng tôi ra cổng. Bà tin rằng nồi xôi đỗ sẽ phần nào giúp con mình chiến thắng. Những hành động tưởng như là sự kỳ vọng quá đáng vào thành tích và đại diện cho những giấc mơ một chiều của bố mẹ – đến bây giờ, tôi nhớ lại với một sự trìu mến dấy lên trong tim khi nhận ra: Chúng chính là những cử chỉ đong đầy tình yêu thương và sự quan tâm vô bờ bến dành cho tôi khi trải qua những thử thách đầu tiên của cuộc đời.

3. Tôi có một chị bạn. Ngày thường, chị chẳng phải là một người thể hiện sự quan tâm đến con cái mình quá nhiều, dù rất yêu thương. Chị không phải là người dành thời gian chơi với con nhiều nhất, cũng không phải người quá am hiểu về dinh dưỡng cho con như nhiều bà mẹ khác. Thế nhưng, nhắc đến việc học cho con, chị lại là người rành rọt và sâu sát nhất. Chị có thể thao thao bất tuyệt về các hoạt động ở từng trường, biết rõ về các trại hè, nắm được hết các khoá học ngoại khoá. Dù bạn có là một bậc phụ huynh thoải mái, tư tưởng cởi mở đến đâu – từ sâu thẳm bạn vẫn mong muốn con mình có thể học trường tốt, được dạy dỗ bởi những người giỏi nhất, ân cần nhất, được hưởng một nền giáo dục có thể chắp cánh cho giấc mơ. Con đường học vấn là con đường cho tương lai, cho cuộc sống sau này – và chẳng bố mẹ nào lại nói rằng mình không lo lắng, không muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình.

Dáng hình bố mẹ trước cổng trường thi: Bố mẹ sẽ luôn ở đó chờ con, dù là một kì thi hay là thử thách to lớn nào khác - Ảnh 4.

Dẫu là bố mẹ giàu hay nghèo, giấc mơ học hành cho con vẫn là một giấc mơ cháy bỏng và vô tội. Giáo dục đang càng ngày càng thay đổi và tư tưởng của mỗi người lại càng trở nên thoáng hơn về những kỳ thi, về việc học hành và trường lớp. Thế nhưng sẽ có một điều mãi mãi vẫn tồn tại – đó là tình yêu và sự lo lắng của những người làm cha mẹ. Giống như cách mà chị bạn tôi đã quan tâm đến con mình, và có lẽ cũng là cách mà mẹ chị đã yêu thương và quan tâm đến chị trong những kỳ thi của cuộc đời. Thứ tình yêu ấy sẽ mãi di truyền, và những giấc mơ về một tương lai đẹp đẽ cho con cũng sẽ không bao giờ thay đổi.

Ai nói những giấc mơ đó là ích kỷ, ai nói những mong muốn đó trở thành áp lực đè nặng trên đôi vai các em mỗi kỳ thi – chắc họ không thật sự hiểu thứ tình yêu vô bờ bến ấy. Chúng ta đôi khi để lý trí và những lập luận quá khô khan về giáo dục đẩy đi quá xa và làm tiêu cực hoá những sự quan tâm rất đơn thuần ấy mà quên mất – cái gốc rễ của những hình ảnh đợi chờ con trước cổng trường, những cái ôm, những cái gạt nước mắt, nhưng gương mặt lo lắng,… tất cả đều đơn giản là xuất phát từ lòng yêu thương bao la của cha mẹ. Không phải là những thành tích viển vông hay sự áp đặt cao vợi về thành tích là thứ hối thúc họ nấu một nồi xôi đỗ với niềm tin chắc nịch rằng nếu ăn vào sẽ tăng khả năng thi đỗ, mà chỉ đơn giản là bởi khát khao cho con mình được học và có thể vượt qua những thử thách học hành này – mới chính là động lực để họ giãi nắng dầm mưa chờ đợi, để kiên nhẫn đứng dưới nắng hè oi ả hướng mắt về cổng trường thi, và để thổi một nồi xôi đỗ vào lúc tờ mờ sáng.

Dáng hình bố mẹ trước cổng trường thi: Bố mẹ sẽ luôn ở đó chờ con, dù là một kì thi hay là thử thách to lớn nào khác - Ảnh 5.

Quay trở lại nhiều năm trước, vào kỳ thi năm tôi lên cấp 3. Cũng giống như những kỳ thi trước, mẹ dậy thật sớm và nấu 1 nồi xôi đỗ. Đây là kỳ thi lớn đầu tiên của tôi nên mọi thứ càng phải hoàn hảo. Tôi theo sát mọi bước mẹ đưa ra, và ngồi lọt thỏm sau xe bố để đến trường thi với một tâm trạng lo lắng.

Và bạn biết kết quả thế nào không?

Chẳng có bất ngờ nào ở đây hết. Tôi biết mình thế là tiêu đời rồi khi làm sai hết bài thi Toán. Tôi chẳng hiểu bây giờ mình sẽ vào trường nào học nữa. Cảm giác thật kinh khủng khi bước ra khỏi trường thi và nhìn thấy cái bóng dáng gầy gầy của bố ở đằng xa. Tôi chẳng nói lấy một câu, có lẽ bố tôi cũng hiểu điều gì xảy ra. Về đến nhà, đáp lại cái nhìn háo hức tò mò của mẹ là một gương mặt nặng như chì của tôi, mẹ cũng có đôi chút ngỡ ngàng. Và rồi, trong một khoảnh khắc, tôi oà lên khóc dữ dội.

Bây giờ nghĩ lại, những giọt nước mắt của ngày hôm đó là những giọt nước mắt của một thiếu niên đang nếm trải mùi vị của một thử thách “không-thành-công”. Không phải vì bố mẹ đã kỳ vọng và đòi hỏi tôi buộc thi đỗ kỳ thi này, mà tôi đã cố gắng hết sức để ôn tập – bởi đó là một thử thách mà tôi phải vượt qua trong quãng đời đi học, và tôi đã không làm được nó. Tôi khóc vì nỗi buồn của thất bại đầu đời, dù chỉ là một kỳ thi – nhưng mà đau lòng quá đi chứ. Bất giác, tôi nghĩ đến nắm xôi đỗ của mẹ, và cái dáng của bố dưới nắng, một cảm giác tội lỗi nặng nề lại dấy lên.

“Chẳng sao cả con ạ”. Mẹ nói và ôm tôi vào lòng.

Tôi biết rằng mẹ cũng buồn như tôi vậy, và thậm chí còn có thêm sự hoang mang bởi chẳng biết rồi sẽ nhét tôi vào trường nào bây giờ. Nhưng trong giây phút ấy, chẳng một kết quả học tập nào quan trọng bằng nỗi buồn đang vỡ oà của tôi.

Cũng giây phút ấy, tôi hiểu rằng: Dù tôi có làm gì, học cái gì, thất bại hay thành công, có đi con đường nào hay rẽ lối nào, kết quả có ra sao – bố mẹ cũng sẽ kiên nhẫn ở đó – sẽ làm hết sức những thứ ân cần quan tâm thái quá, sẽ thổi những nồi xôi đỗ, trồng những cây hoa trạng nguyên – tất cả chỉ để tôi có được điều kiện tốt nhất khi đối mặt với những thử thách và khó khăn. Cho dù đấy là một kỳ thi hay là một điều gì đó to lớn hơn.

Dáng hình bố mẹ trước cổng trường thi: Bố mẹ sẽ luôn ở đó chờ con, dù là một kì thi hay là thử thách to lớn nào khác - Ảnh 7.