Theo luật sư của ông Phan Văn Vĩnh, cảnh sát đã áp giải cựu tướng này về trại giam để phục vụ cho công tác xét xử những ngày sắp tới.
Ngày 8/11, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, người bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), cho biết lực lượng chức năng đã đưa thân chủ của bà về trại giam.
Áp giải cựu tướng Vĩnh về trại giam
Theo đó, ông Phan Văn Vĩnh được đưa về trại giam trước thời gian xét xử để làm thủ tục trích xuất bị cáo như những người khác. Trước đó, đầu tháng 10, ông Vĩnh nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để chữa bệnh về tim mạch và chăm sóc một số vấn đề sức khỏe.
Trước khi được đưa về trại giam, ông Vĩnh được các bác sĩ đã tiến hành khám bệnh, nhằm xác định lại lần cuối trước khi đồng ý để cảnh sát áp giải cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát về lại trại tạm giam.
“Bệnh viện có đưa giấy xuất viện và hồ sơ bệnh án kèm theo để tiếp tục theo dõi cho ông Vĩnh. Ngoài quy định thì ông Vĩnh cũng có đơn xin xuất viện, đơn thể hiện mong muốn có mặt tại tòa nên việc ông Vĩnh về lại trại tạm giam chờ hầu tòa sau khi được bệnh viện kiểm tra sức khỏe lần cuối thì là rất bình thường” – Luật sư Huyền Trang chia sẻ.
Ông Phan Văn Vĩnh.
Theo luật sư của ông Vĩnh cho biết, trước đó, khoảng 20h ngày 7/11, ông Vĩnh bất ngờ cảm thấy khó thở dẫn đến ngất xỉu và ngã xuống sàn tại phòng điều trị ở Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.
“Khi ông Vĩnh đi vào phòng vệ sinh thì cảm giác khó thở rồi bị ngất đi, té xuống sàn đập đầu vào chiếc ghế trong phòng bệnh bị sưng phần trán. Tuy nhiên, sau khi được bệnh viện cấp cứu thì tình trạng sức khỏe của ông Vĩnh đã ổn. Ông Vĩnh chắc chắn sẽ tham gia buổi khai mạc phiên tòa vào ngày 12 sắp tới” – luật sư Huyền Trang nhận định.
Phan Văn Vĩnh đối diện 10 năm tù
Hồi đầu tháng 4, ông Phan Văn Vĩnh bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ và Chủ tịch nước tước danh hiệu công an nhân dân. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, ông Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 2, Điều 356 BLHS 2015 với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.
Ngoài ra, 90 người khác liên quan tới đường dây đánh bạc ngàn tỷ bị đưa ra xét xử hàng loạt tội danh: “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hoá đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ”.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC), Phan Sào Nam (Chủ tịch VTC Online) và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng. Hành vi phạm tội này dựa vào sự trợ giúp của cựu tướng Vĩnh và Hoá là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước được giao đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Phòng xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và các đồng phạm.
Sau 28 tháng vận hành, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Họ bị cáo buộc lôi kéo gần 43.000 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng.
Sáng 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ khai mạc phiên xét xử kéo dài 20 ngày với ông Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm. Phòng xử án tại khu vực sân tòa rộng chừng 1.000 m2. Thành viên HĐXX có 5 người với sự điều hành của chủ tọa Nguyễn Thị Thuỳ Hương (Chánh toà kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ).
Để phục vụ xét xử, HĐXX dự kiến mời 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ.
Về phương án đảm bảo an ninh, ngoài bảo vệ 7 bị can đang bị tạm giam, cảnh sát còn phải đảm bảo an toàn cho 85 trường hợp được tại ngoại, thực hiện áp giải nếu không có người không đến phiên xử.
Lực lượng chức năng còn phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho HĐXX, vật chứng thu giữ, khối lượng lớn hồ sơ cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan, các luật sư, phóng viên đến tác nghiệp cũng như người dân tới theo dõi.