Phượng đỏ rực lửa một góc trời, bằng lăng tím nhẹ nhàng đầy thương mến, muồng hoàng yến kiêu sa, quý tộc. Hà Nội sẽ thật thiếu vắng nếu một ngày nào đó, nắng đã đủ vàng ươm, nhưng lại thiếu sót bản tình ca của những loài hoa mùa hạ.
Có nhiều lý do người Hà Nội đợi chờ tháng 5. Tuy ánh nắng hè bắt đầu gay gắt, những cơn mưa dông bất chợt kéo về, hương hoa sữa trái vụ thoang thoảng, nhưng bù lại, chúng ta tràn trề vui sướng đón bản hoà tấu của những loài hoa. Phượng đỏ rực lửa một góc trời, bằng lăng tím nhẹ nhàng đầy thương mến, muồng hoàng yến kiêu sa, quý tộc.
Liệu có đúng không khi nói: Cứ thấy bằng lăng, phượng vĩ đua nhau nở là thấy mùa chia ly? Còn muồng hoàng yến – cô gái “đẹp cả người lẫn nết” có vẻ đẹp như nào mà khiến cả vạn người mê mệt?
Cành phượng vỹ vươn mình soi bóng xuống dòng sông
Phượng hay phượng vĩ được người Pháp đem về Việt Nam từ thế kỉ 19, là loài hoa mang nhiều cái tên kiêu kỳ, nhưng người ta cứ thích nhẹ nhàng gọi là “phượng”.
Phượng cao lớn, tán lá toả rộng. 4 cánh hoa màu đỏ tươi, hoặc hơi cam, riêng cánh thứ 5 mọc thẳng, lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng/vàng hoặc cam/vàng. Phượng là loài hoa của mùa hè, mùa chia ly tuổi học trò, mùa râm ran tiếng ve khắp phố và bắt đầu nở từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, tuỳ theo khu vực.
Cứ thế nhìn thấy những “đốm lửa” li ti trên bầu trời, bất giác không ai bảo ai, lũ học trò tự hiểu chúng sẽ chẳng còn đủ thời gian để níu giữ năm tháng. Phượng đến, mang theo nỗi niềm chia tay. Rồi khi thu tới, phượng bỏ lại tất cả về với trời đất, một vòng đời mới lại bắt đầu.
Ở Hà Nội, phượng gần như xuất hiện khắp mọi ngóc ngách, mọi con đường, mọi tuyến phố. Lang thang hồ Tây, tảo bộ dọc hồ Gươm hay đánh xe qua những mái trường, bạn sẽ đều “gặp” phượng. Phượng sừng sững, trông có vẻ “khô khan” nhưng lại đủ sức để thu gọn cả khoảng trời và con người vào giữa tán lá rộng của nó.
Một cành phượng vươn mình lên trời xanh, tuổi học trò gửi lại với mây trời. Phượng mộc mạc, dung dị, tựa những “đốm lửa li ti” soi sáng khoảng không gian.
Phượng soi mình in bóng giữa lòng hồ Gươm. Có những ngày dù oi bức, nhưng được nhìn ngắm một nhành phượng nhẹ nhàng như thế này thôi, ai cũng có thể cười trong trẻo.
Phượng cao lớn và kì vĩ, đủ sức ôm trọn bao buồn vui, kỉ niệm của lũ học trò.
Như một người bạn tâm giao của Thủ đô, tháng 5 xuân qua hè tới, phượng í ới gọi nhau trải thảm đỏ khắp phố phường.
Phượng 5 cánh, cánh ở giữa lớn hơn một chút, có màu trắng hoặc cam.
Mùa này, hoa phượng lặng buồn, bởi mùa tạm biệt đang tới rất gần.
Mùa hè đến, lại có những hoa phượng đỏ thầm rơi nơi quãng sân trường trống vắng.
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu”
Đã có “nàng” phượng, ắt sẽ có bằng lăng
Như một cái hẹn, phượng sang gọi luôn cả những cành bằng lăng tím. Hai kẻ bằng hữu này chẳng kịp chừa cho nhau khoảng trống nào, cứ thế cùng xuất hiện. Đã có “nàng” phượng, ắt sẽ có bằng lăng.
Không rực lửa như phượng, bằng lăng vốn nhẹ nhàng với sắc tím phớt. Trần Trái Thông, Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng,… và đặc biệt là Kim Mã, bằng lăng khiến người đi đường nào cũng phải dừng chân ngắm nhìn. Bên những con đường nhỏ lặng yên, loài hoa tím khiêm nhường để không gian vốn đã thơ mộng, lại càng trở nên lãng mạn hơn.
Nếu phượng là biểu tượng của mùa chia tay, thì màu tím của bằng lăng phảng phất mối tình học trò trong sáng, hồn nhiên và ngây thơ. Sớm nở rồi cũng mau tàn. Bạn chỉ có thể dành một khoảng thời gian nhất định để ngắm bằng lăng, trước khi nó kịp ra đi vội vã, mang theo tình yêu chớp nhoáng của tuổi học trò.
Hà Nội sẽ thật thiếu vắng nếu một ngày nào đó, nắng đã đủ vàng ươm, nhưng lại thiếu sót vài bông bằng lăng tím.
Trong cùng một khung hình, phượng và bằng lăng sánh vai bên nhau. Bản tình ca của chúng cứ mãi ngân nga, trước khi cùng nhau ra đi vội vã.
Có nhiều lý do để “phải” yêu bằng lăng. Nhưng một trong số đó là nhờ sắc tím nhẹ nhàng, chung thuỷ và trong sáng.
Hôm nay xuống phố, bỏ qua mọi bộn bề hối hả, bạn đã kịp dừng giữa góc phố quen, ngước mắt lên ngắm một nhành bằng lăng chưa?
Cuộc sống vẫn luôn là một cuộc đua, nhưng thời gian, mọi vồn vã sẽ lắng đọng dưới cánh bằng lăng kia.
Dừng lại chờ đèn đỏ nhé, cùng ngắm một chút sắc trời bằng lăng.
Bằng lăng vươn mình, “đòi” gọi người thức dậy mỗi sớm mai.
Muồng hoàng yến – cô gái “đẹp cả người lẫn nết”
Khác với 2 “ông bạn” kể trên, muồng hoàng yến không phải là “sứ giả” của mùa hè. Nhưng màu vàng tươi vui và yêu kiều của nó lại dễ khiến người ta xao động. Thử đứng dưới tán muồng, nhìn thẳng lên trời, bạn sẽ cảm thấy như ngàn đèn lồng đang soi chiếu vào mình. Loài hoa nhẹ nhàng, mỏng manh, nhỏ bé nhưng biết cách nổi bật giữa nền trời xanh biếc.
Muồng hoàng yến có rất nhiều tên, nhiều đến độ người ta không biết cái tên nào mới là “chính chủ”. Muồng hoàng hậu, hoa lồng đèn, bò cạp nước, bọ cạp vàng, mai dây, cây xuân muộn, mai nở muộn, hay osaka hoa vàng,… đều là danh xưng dành để gọi loài hoa này.
Muồng hoàng yến là quốc hoa của Thái Lan và màu vàng của nó tượng trưng cho hoàng gia Thái. Ở Việt Nam, hoa mọc tầm tháng 5 – tháng 7 hàng năm, hệt như một dài lụa vàng nối liền những con phố.
Loài hoa vàng tươi này được ví von như cô gái “đẹp cả người lẫn nết” bởi không chỉ sở hữu màu sắc rực rỡ, “nàng” còn là vị thuốc quý trị các chứng như sốt cao, viêm khớp, táo bón, các dạng xuất huyết hoặc chảy máu, các rối loạn tim mạch, các bệnh thần kinh và chứng thừa axit trong dạ dày.
Khi thấy muồng hoàng yến, là biết đã giữa năm. Lòng người có chút bâng khuâng, rạo rực.
Muồng hoàng yến tuy nhỏ bé, khẳng khiu nhưng vàng trĩu các chùm hoa, hệt như những chiếc đèn lòng đẹp mắt mỗi khi bạn ngước nhìn từ dưới lên.
Dọc ven hồ Tây, chiều chiều phượng vỹ và muồng hoàng yến lại hoà điệu trong bản ca mùa hạ của mình.
Rực vàng dưới bầu trời xanh ngắt, trong những tán lá xanh, sắc vàng tươi của hoa, xen giữa màu xanh non lá, tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng của loài hoa hoàng gia.
Hoa có cụm lớn, nhiều hoa nhưng thưa, dạng cành hoa rủ xuống dài 20–40 cm; cuống chung nhẵn, dài 15–35 cm hoặc có thể hơn. Cánh hình bầu dục mặt ngoài phủ lông mượt.
Đi qua mùa xuân, nối tiếp sang mùa hạ, muồng hoàng yến nhẹ nhàng đi vào lòng người.
Tháng 5 Hà Nội nắng vàng, muồng hoàng yến còn rực rỡ hơn.