Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un bước xuống từ đoàn tàu bọc thép (Ảnh: Phạm Tuấn)
“Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới mỗi người dân Triều Tiên rằng Chủ tịch Kim Jong-un đã thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp của ông nội mình”.
Sáng nay, sau một hành trình dài hơn 4.500km bằng tàu hỏa, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng đoàn quan chức cấp cao nước này đã đến Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày mai.
Trong chuyến công du nước ngoài gần đây nhất tới Trung Quốc hồi tháng 1 năm nay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng đoàn tháp tùng cũng đã tới Bắc Kinh trên đoàn tàu tàu hỏa bọc thép sơn xanh và có đường kẻ chỉ vàng rất đặc trưng; giống với đoàn tàu từng đưa ông tới Bắc Kinh trong lần đầu công du hồi năm ngoái.
Chiếc tàu bọc thép sơn xanh, kẻ chỉ vàng cũng vừa đưa ông Kim Jong-un tới Trung Quốc vào tháng 1 năm nay. Ảnh: Reuters.
Được biết, ông nội và cha của ông Kim Jong-un cũng rất thích sử dụng tàu hỏa cho những chuyến thị sát trong nước và công du nước ngoài.
Reuters ước tính rằng ông Kim Jong-un và phái đoàn của mình sẽ mất từ 48-60 giờ cho hành trình hơn 4.500km tới Hà Nội. Rõ ràng, việc di chuyển bằng tàu hỏa lâu hơn rất nhiều so với đi máy bay, vậy tại sao ông Kim vẫn lựa chọn phương tiện này?
Truyền thống gia đình
Chiếc tàu hỏa bọc thép từ lâu đã là phương tiện di chuyển ưa thích của ba thế hệ lãnh đạo trong gia tộc họ Kim.
Đây có thể được coi là truyền thống “cha truyền con nối” trong gia đình này kể từ thời cố lãnh đạo Kim Il-sung (ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un), tới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il (cha ông Kim Jong-un), và hiện nay là Chủ tịch Kim Jong-un.
Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhà lãnh đạo Kim Il-sung từng sử dụng một đoàn tàu hỏa làm sở chỉ huy di động, và sau khi hai miền đình chiến thì tàu hỏa vẫn là phương tiện di chuyển ưa thích của ông.
Theo một bài viết năm 2009 của Chosun Ilbo, tiếp nối truyền thống của của cha mình, ông Kim Jong-il được cho là đã sở hữu 6 đoàn tàu sang trọng, và cho xây dựng 20 nhà ga trên khắp đất nước để phục vụ nhu cầu di chuyển.
Các chuyên gia về Triều Tiên từng chỉ ra rằng một số chuyến công du Trung Quốc của ông Kim Jong-un trong thời gian qua có nhiều điểm khá tương đồng với chuyến công du của cố lãnh đạo Kim Il-sung.
Trong khi đó, cha ông Kim – cố lãnh đạo Kim Jong-il được cho là không thích các chuyến công du hay gặp gỡ các phái đoàn ngoại giao nước ngoài; tuy nhiên ông Kim Jong-un lại được đánh giá là có tính cách cởi mở giống như ông nội của mình hơn là cha ông.
Hai ông Kim Il-sung và Kim Jong-il trên chuyến tàu tới Trung Quốc năm 1989. Ảnh: KCNA.
Theo Reuters, lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung từng có hai lần tới thăm Việt Nam và hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông Kim Il-sung còn từng tới nhiều nơi như nhà máy dệt Nam Định, trường Sĩ quan Lục quân Sơn Tây (trong chuyến thăm lần thứ nhất), và vịnh Hạ Long (trong chuyến thăm lần thứ hai).
Năm 1958, ông Kim Il-sung được cho là đã đi tàu hỏa từ Bình Nhưỡng tới Trung Quốc, sau đó dùng chuyên cơ của Trung Quốc để tới Hà Nội.
6 năm sau, ông Kim Il-sung đã sử dụng máy bay chở khách Vickers Viscount của trung Quốc, vốn là máy bay cá nhân của ông Lâm Bưu – Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc thời ấy.
Không tin tưởng máy bay
Không chỉ là vấn đề sở thích hay truyền thống, mà việc các lãnh đạo trong gia tộc họ Kim thường xuyên sử dụng tàu hỏa còn có một nguyên nhân khác, đó là hai vị Kim Il-sung và Kim Jong-il cho rằng máy bay không an toàn như tàu hỏa.
Như đã đề cập ở trên, ông Kim Il-sung đã từng nhiều lần sử dụng máy bay khi ra nước ngoài, chẳng hạn như chuyến thăm Việt Nam năm 1958 (một phần) và năm 1964 (cả chặng).
Tuy nhiên, theo báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), ông nội và cha của ông Kim Jong-un được cho là bắt đầu e ngại máy bay kể sau khi chứng kiến một chiếc máy bay phát nổ ngay giữa không trung tại Triều Tiên. Chiếc máy bay được nước này nhập khẩu từ Liên Xô đã bất ngờ phát nổ khi đang bay thử, và lỗi được xác định là do người phi công bất cẩn.
Kể từ sau đó, các nhà lãnh đạo này bắt đầu chuyển sang sử dụng tàu hỏa cho hầu hết các chuyến đi.
Ông Kim Jong-il trên đoàn tàu bọc thép sơn xanh kẻ chỉ vàng. Ảnh: EPA.
Theo Chosun, lãnh đạo Kim Il-sung từng mất cả tháng trời để di chuyển hàng ngàn cây số bằng tàu hỏa trong chuyến thăm Liên Xô và Đông Âu vào năm 1984. Đến năm 1986, do phải tham dự cuộc gặp khẩn với cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev tại Liên Xô, ông Kim Il-sung đã đành phải di chuyển bằng máy bay của Liên Xô, do một phi công của Nga phụ trách lái.
Trong chuyến công du Trung Quốc hồi năm 2011, đoàn tàu chở ông Kim Jong-il và phái đoàn tháp tùng đã đi chặng đường hơn 6.000 km từ Bình Nhưỡng tới Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải và nhiều địa điểm khác tại Trung Quốc.
Cũng trong năm 2011, ông Kim Jong-il đã thực hiện chuyến công du Nga bằng tàu hỏa để gặp gỡ Tổng thống Nga khi ấy là ông Dmitry Medvedev tại thành phố Ulan-Ude.
Đảm bảo an ninh tuyệt đối
Sở dĩ chiếc tàu hỏa bọc thép được các lãnh đạo Triều Tiên tin tưởng như vậy là bởi họ đánh giá cao sự an toàn của phương tiện này, và tin rằng tàu hòa khó bị khủng bố hơn máy bay.
Tuy loại tàu hỏa được ông Kim Jong-un sử dụng hiện nay là loại cũ có từ thời cha ông, nhưng nó vẫn là pháo đài kiên cố với sự phòng thủ tuyệt đối dành cho yếu nhân.
Cố lãnh đạo Kim Jong-il đã tới thăm Nga 3 lần bằng tàu hỏa trong 17 năm cầm quyền. Ảnh. Kyodo/AP.
Trước khi chiếc tàu khởi hành, khoảng 100 đặc vụ Triều Tiên sẽ tới ga tàu ra soát bom mình. Công tác an ninh tại các ga tàu nằm trong lộ trình luôn được lên kế hoạch kĩ lưỡng từ trước, và các máy bay vận tải, trực thăng sẽ luôn túc trực 24/24 tại các địa điểm lân cận để dễ dàng hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp.
Ông Kim Jong-un nối tiếp truyền thống đi tàu hỏa
Khác với ông và cha mình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không hề sợ máy bay, mà trái lại, ông còn thể hiện mình rất thích loại phương tiện này.
Năm 2015, các hãng thông tấn của Triều Tiên từng đăng tải một số hình ảnh cho thấy ông Kim Jong-un ngồi ở vị trí phi công, đeo tai nghe và thử vận hành một chiếc máy bay do chính Triều Tiên sản xuất.
Trong một số chuyến thăm Trung Quốc, và trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 năm ngoái, ông Kim Jong-un cũng đã di chuyển bằng chuyên cơ hoặc máy bay mượn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiếc tàu hỏa vẫn được ông thường xuyên sử dụng khi công du nước ngoài, với sự kiện gần nhất sắp diễn ra là hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2 ở Hà Nội.
Ông Scott A. Snyder, người phụ trách nghiên cứu về hai miền Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định rằng việc ông Kim Jong-un chính là biểu hiện cho thái độ tôn trọng truyền thống.
Bình luận về việc ông Kim Jong-un lựa chọn tàu hỏa trong chuyến đi tới Việt Nam lần này, ông Koh Yu-hwan, Giáo sư tại trường đại học Dongguk, Seoul, nhận định: “Ngoại giao tàu hỏa đã được [các lãnh đạo Triều Tiên] áp dụng từ lâu nay, và việc tiếp nối truyền thống ấy là điều rất quan trọng đối với người dân Triều Tiên.
Đây là vấn đề về lòng tự hào dân tộc. […] Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới mỗi người dân Triều Tiên rằng Chủ tịch Kim Jong-un đã thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp của ông nội mình”.
Chuyên gia Jeong Young-tae của Viện Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho biết phương án di chuyển an toàn nhất vẫn là bằng máy bay của Trung Quốc, như ông Kim Jong-un đã lựa chọn trong lần thượng đỉnh trước đó: “Tuy nhiên, việc lựa chọn đoàn tàu đặc biệt của riêng mình – thay vì đi mượn máy bay của Trung Quốc – cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang muốn chứng tỏ sự độc lập [trước Bắc Kinh]”.
Sáng ngày hôm nay (26/2), đoàn tàu bọc thép sơn xanh kẻ chỉ vàng đã đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới nhà Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Tuấn
Ông Kim vui vẻ chào hỏi các đại biểu trong đoàn đón tiếp tại sân ga Đồng Đăng. Ảnh: Phạm Tuấn.