Ông Nguyễn Hòa Bình.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, sau phiên tòa “kỳ án” gỗ trắc kết thúc, toàn bộ hồ sơ vi phạm đã được chuyển cho các cơ quan chức năng.
Sáng 5/11, trong phần phát biểu giải trình làm rõ thêm những nội dung đại biểu Quốc hội nêu về hoạt động của tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có trao đổi về “kỳ án” gỗ trắc ở Quảng Trị. Đây là kỳ án có liên quan đến cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh.
Theo ông Bình, trong vụ án này Công ty Ngọc Hưng ở Quảng Trị có nhập khẩu lượng gỗ theo hồ sơ là hơn 500 m3 , nhưng theo giám định hơn 600 m3.
Cơ quan điều tra của Bộ Công an kết luận điều tra và Viện KSND tối cao truy tố về tội buôn lậu tất cả hơn 600m3 gỗ với lý do là toàn bộ hồ sơ được làm giả từ bên Lào, đấy là việc truy tố.
“Nhưng khi xét xử Tòa án không tuyên án về 600 m3 là buôn lậu, bởi vì có 535 m3 đã làm thủ tục hải quan và đóng thuế, Tòa án thừa nhận đây không phải là hành vi buôn lậu.
Còn 78 m3 là không đóng thuế, không khai báo hải quan thì tòa tuyên tội buôn lậu và tịch thu”, Chánh án TAND tối cao nói.
Ông cho rằng, như vậy có sự xung đột giữa Tòa án với Viện kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra. Bên cạnh đó, có ý kiến xung đột giữa Tòa án và đoàn Quảng Trị là tại sao lại không tuyên vô tội hết.
“Như tôi đã báo cáo Quốc hội, còn 78m3 gỗ không khai báo Hải quan, không đóng thuế”, Chánh án nói.
Ông thông tin, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị có đặt vấn đề là tại sao giám định là 78 m3 gỗ và giám định là sai, vi phạm.
“Ở thời điểm các ĐBQH hỏi, tôi chưa có thông tin nhưng trước khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV khai mạc, tôi đã có đủ thông tin. Tôi đã đề nghị Bộ Công an và Viện KSND Tối cao có quan điểm về vụ việc này, cả hai cơ quan này đều trả lời là giám định đúng quy trình thủ tục.
Lý do là giám định của Viện sinh thái ở Đà Nẵng là theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, có giám sát của Viện Kiểm sát và Bộ Tư pháp đã có công văn khẳng định cơ quan này có tư cách để giám định về tư pháp.
Trên thực tế, nhiều năm qua cơ quan này đã giám định để xử lý hình sự, xử lý hành rất nhiều vụ án ở các địa phương ở miền Trung, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Thuế, Quảng Nam..
Nếu như theo ý kiến của đại biểu, cơ quan này không có tư cách để giám định thì phải xem xét lại tất cả các vụ án mà đã được xử lý từ trước đến nay có sự tham gia giám định của cơ quan này”, người đứng đầu ngành Tòa án cho biết.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong vụ án có nhiều vi phạm, thứ nhất, bán tang vật 78m3 gỗ; thứ hai, bán tài sản thuộc sở hữu của người khác. Chính vì vậy từ phiên sơ thẩm và đến phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã kiến nghị điều tra làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm này.
Sau khi kết thúc phiên tòa, toàn bộ hồ sơ vi phạm đã được chuyển cho các cơ quan chức năng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Viện KSND Tối cao đã xử lý về mặt Đảng đối với cán bộ có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thôi nhiệm vụ với một đại biểu Quốc hội.
Hiện Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, sắp tới đang tiếp tục khởi tố nữa. Toàn bộ vụ án này được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi sát sao”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Liên quan đến “kỳ án” buôn lậu gỗ trắc, tháng 9/2019, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã khởi tố ông Phan Văn Vĩnh (từng là Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) đang chấp hành án phạt 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu)
Theo Cơ quan điều tra, khi mở rộng vụ án Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng và đồng phạm về tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” phát hiện năm 2013 ông Phan Văn Vĩnh khi đương chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đã chỉ đạo ra quyết định trái pháp luật trong xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ trắc buôn lậu.