Chăm sóc tâm linh trong y khoa có phải là mê tín dị đoan?

Vai trò của BS trong chăm sóc tâm linh là tôn trọng và lắng nghe, chứ không phải dùng tâm linh để chữa bệnh. Nhất là dùng những quan điểm phản khoa học để giải thích bệnh lý.

Những phát biểu của một BS từng làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tại chùa Ba Vàng trong chương trình “thỉnh oan gia trái chủ” khiến nhiều người, kể cả những người trong ngành, có thể hiểu sai về chăm sóc tâm linh trong y khoa.

Chăm sóc tâm linh trong y khoa có phải là mê tín dị đoan? - Ảnh 1.

Y học ngày nay xác định chăm sóc sức khoẻ là chăm sóc toàn diện, bao gồm chăm sóc về mặt thể xác (physical health), tinh thần (emotion), và tâm linh (spiritual). Các bệnh viện tại Mỹ luôn có phòng cầu nguyện và vườn hoa để chăm sóc sức khoẻ tâm linh cho người bệnh lẫn thân nhân. Khoa ung thư và chăm sóc đặc biệt luôn có linh mục, mục sư, hay các nhà sư đến cầu nguyện cùng bệnh nhân.

Vậy chăm sóc tâm linh là gì?

Chăm sóc tâm linh trong y khoa có phải là mê tín dị đoan? - Ảnh 2.

Chăm sóc tâm linh không chỉ đơn giản là chăm sóc về tôn giáo và ước muốn mà còn là chăm sóc nhu cầu được lắng nghe của bệnh nhân.

Một bài nghiên cứu gần đây của BS Wolf trong tạp chí Hospitalist của Hội BS Nội Khoa Hoa Kỳ (American College of Physicians), cho thấy chăm sóc tâm linh quan trọng nhất là lắng nghe và kết nối bệnh nhân với mọi thứ xung quanh, kể cả bác sĩ và bệnh viện (1), từ đó cải thiện được chất lượng chữa bệnh trong lúc nhập viện.

Đây là một chuyên ngành không thuộc y khoa nhưng rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ tại Mỹ. Trong bệnh viện, chuyên ngành này thường được các linh mục, mục sư, hay nhà sư quản lý.

Chăm sóc tâm linh cũng là một quyền của bệnh nhân, được JCAHO, tổ chức chuyên kiểm định bệnh viên tại Mỹ quy định rõ rằng bệnh nhân có quyền được chọn cách chăm sóc sức khoẻ tôn trọng tôn giáo và tín ngưỡng của họ (2).

Gần đây, hiệp hội y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) cũng khẳng định nhu cầu chăm sóc tâm linh của bệnh nhân cần phải được bác sĩ quan tâm và tôn trọng (3).

Chăm sóc tâm linh tại bệnh viên và phòng khám bao gồm lắng nghe, hỗ trợ, hướng dẫn cho các bệnh nhân hoặc gia đình có người thân mới mất, đang mắc bệnh nan y, hoặc đơn giản cần nói chuyện về tâm linh.

Chăm sóc tâm linh có vai trò thế nào?

Hầu hết bệnh nhân đều có niềm tin vào một tôn giáo hay đấng tối cao. Trong những trường hợp bệnh hiểm nghèo, niềm tin này càng phải được tôn trọng.

Khi bệnh nhân vào bệnh viện hoặc mắc bệnh, là con người, ai ai cũng sẽ sợ hãi. Đặc biệt, với những bệnh nan y khó chữa và khi cái chết đang cận kề, bệnh nhân càng lo lắng, càng mất phương hướng, và càng sợ hãi hơn. Khi đó chăm sóc tâm linh càng rất quan trọng.

Các nghiên cứu cho thấy khi chăm sóc tâm linh được quan tâm và thể hiện đúng, cảm giác sợ hãi của bệnh nhân giảm hẳn, và kết quả điều trị cũng cải thiện rõ rệt (4). Bệnh nhân an tâm hơn, và nghe bác sĩ điều trị hơn.

Tuy nhiên, chăm sóc tâm linh không phải là mê tín dị đoan.

Vai trò của BS trong chăm sóc tâm linh là tôn trọng và lắng nghe, chứ không phải dùng tâm linh để chữa bệnh. Nhất là dùng những quan điểm phản khoa học để giải thích bệnh lý.

Trường hợp vị BS từ BV Bạch Mại (đang là học viên cao học chuyên khoa nhi) có thể đã không hiểu rõ vai trò của BS trong chăm sóc tâm linh và anh có thể bị lợi dụng để tuyên truyền các chương trình “giải vong” của chùa này.

Ở buổi nói chuyện, vị BS này bắt đầu bằng việc giải thích anh đã từng rất nóng tính khi khám bệnh nhân, “Lúc con mới vào nghề, con rất hay cáu gắt nổi nóng với bệnh nhân” sau đó nhờ gặp thầy trụ trì chùa khuyên giải, anh đã trở nên bình tĩnh hơn. Về sau, anh giới thiệu bệnh nhân đến chùa và sau khi dùng 2 liều thuốc men gan thì bệnh nhân hết bệnh.

Ở góc nhìn y khoa thì hai câu chuyện này hoàn toàn khác nhau. Anh BS này có vấn đề về tính khí (nóng nảy) khi gặp bệnh nhân và bệnh nhân chỉ dùng 2 lần thuốc đã khỏi bệnh sau khi đi chùa. Bất kỳ SV y khoa nào (nói chi đến BS) cũng biết đây là một phát biểu rất mơ hồ về khả năng chữa bệnh cho bệnh nhân tại chùa do không có bất kỳ thông tin nào về bệnh lý hay tình trạng bệnh nhân. Đó là chưa nói tính chuyên nghiệp của vị BS khi nhận mình nóng tính và cáu gắt với bệnh nhân.

Đây có thể là một phát biểu tai hại của anh chàng BS về mặt tâm linh. Anh đã vô tình hại các bệnh nhân khác khi đứng nói chuyện trong buổi “thỉnh oan trái chủ”. Khi xuất hiện như vậy, anh đã ngầm ủng hộ chương trình này, và với cương vị là bác sĩ, anh có thể sẽ tạo tâm lý bất an cho những bệnh nhân khác nếu họ chưa được “chuyển nghiệp”.

Vị BS cũng có thể khiến các bệnh nhân với những bệnh có thể chữa được, như ung thư giai đoạn đầu, lao đầu vào cuộc “chuyển nghiệp” tốn thêm tiền của, và mất đi thời gian vàng để chẩn đoán và chữa bệnh.

Vai trò đầu tiên của BS luôn luôn là “không hại bệnh nhân, Do No Harm” chứ không phải gây thêm hoang mang cho bệnh nhân bằng cách gây hiểu lầm tai hại.

Tham khảo:

1. https://acphospitalist.org/archives/2016/06/spiritual-care.htm

2. http://www.professionalchaplains.org/files/about_us/for_administrators/research_studies/professional_chaplaincy_role_in_healthcare_whitepaper/chaplaincy_role_importance_health_care_sec1_whitepaper.pdf

3. https://www.healthcarechaplaincy.org/docs/about/hccn_whitepaper_spirituality_and_physicians.pdf

4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3203292/