Bạn sẽ thấy thật thú vị khi giữa Hà Nội có một đàn trâu rất đông, ngày ngày vẫn đi theo bầy, trùng trùng điệp điệp, nhàn nhã và thảnh thơi. Trâu nuôi giữa phố thị không xỏ mũi, không đánh số, gần như hoang dã và sinh sản một cách tự nhiên.
Có 3 gã mục đồng không tên ngồi bên nhau giữa bãi cỏ rộng lớn. Bên cạnh có 3 túi xách bằng bao tải, đựng vài thứ linh tinh, treo lủng lẳng thêm cái điếu cày màu nâu sẫm. Mỗi lão một điếu, hứng lên thì rít một phát rồi nhả khói vào hư không. Khung cảnh có vẻ như bình yên, dân dã, chốc chốc một trong ba lão đứng lên ú ớ vài tiếng, phất phất bâng quơ cái roi tre. Lũ trâu từ đằng xa khiếp sợ, dồn lại thành bầy.
Bình yên. Dân dã. Nhẹ nhàng.
4 giờ chiều trên cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội. Nắng vẫn còn gắt. Mật độ giao thông khá dày, người người xe xe hớt hải lao về phía trước như cố gắng “chạy trốn” ánh sáng mặt trời. Không rõ ở nhịp cầu số bao nhiêu, chỉ dám chắc khoảng giữa cầu, hướng từ Long Biên về nội thành, bên cạnh bãi sông Hồng nước chảy xiết, có một đàn trâu hơn trăm con lúc nhúc gặm cỏ.
Clip: Toàn cảnh đàn trâu 200 con giữa lòng Thủ đô. Thực hiện: Minh Nhân.
Đàn trâu phố thị nhìn từ cầu Vĩnh Tuy.
Trâu lớn, trâu bé, màu đen, màu trắng,… đủ loại tập hợp thành một đàn lớn.
Đàn trâu 200 con dưới chân cầu Vĩnh Tuy của gia đình ông Tiến bà Hải.
3 mục đồng được thuê chăn trâu.
Sáng trâu rời chuồng lúc 5h, gặm cỏ, đầm mình rồi trở về vào khoảng 6h tối.
Ở xứ đó, người ta gọi là bãi đất trống dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Hơn 20 năm rồi, trâu này rồi tới trâu kia, con to rồi tới con nhỏ, màu trắng rồi tới màu đen,… cứ thay nhau làm nên những cuộc việt dã không tưởng. 3 lão mục đồng không tên ấy suốt năm suốt tháng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: chăn trâu.
Đàn trâu trên dưới 200 con dễ khiến người ta liên tưởng tới một vùng quê yên tĩnh hay mảnh đất thảo nguyên hùng vĩ nào đó, chứ không phải chình ình giữa Thủ đô như thế này. 200 con chia cho 3 người, mùa xuân – hè – thu, cỏ mọc um tùm công việc nhàn nhã, trâu cứ thả rông mà gặm hết sườn cỏ này tới vùng đồi khác. Hễ đông sang, mọi thứ chững lại đôi chút. Chúng làm những hành trình ngót nghét hai chục cây số cả đi lẫn về, từ chân cầu Vĩnh Tuy men theo bãi giữa ra đến gần chân cầu Chương Dương, cứ chỗ nào có cỏ thì chúng hoan hỉ.
Mới đầu hè, mục đồng thảnh thơi “trốn” dưới gầm cầu, kể nhau nghe dăm ba câu chuyện phiếm. Họ kiệm lời, không thích được chụp ảnh và còn ngại giao tiếp. Gặng mãi, một trong 3 người mới chịu tiết lộ đàn trâu này của nhà ông Nguyễn Văn Tiến.
Chuyện kể về ông Tiến.
Vợ ông Tiến là bà Hải, 2 người kết hôn năm 1993, bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ 2 con trâu cái và một con trâu đực kéo cầy bằng khoản tiền đi vay. Hai ông bà là số ít những nông dân khai phá vùng bãi giữa sông Hồng gần 20 năm trước. Tới nay, nếu tính tổng cộng số trâu mà ông bà đã bán đi và cả hiện tại, thì đã có hơn 1.000 con được sinh ra tại đây.
Trước khi đến với nghề chăn trâu, vợ chồng ông Tiến làm đủ việc mưu sinh: ruộng vườn, ngô, khoai, sắn,… Nhưng hễ nước sông Hồng lên, hoa màu vừa khai hoang lại ngập, thất thu. Bởi lẽ đó, dân bãi bồi lắm người bỏ cuộc, rời đi khai hoang vùng đất khác. Nhà ông Tiến vẫn cố bám trụ nơi giáp ranh sông Hồng này, ấy thế mà “lên hương”. Sau này ngẫm lại, đúng là đừng tìm chỗ đông người ở, hãy tìm chỗ nào người ta sợ nhất, đặt chân ở đó là có cuộc sống.
Đứng trên bãi cỏ mênh mông nếu đếm đủ 200 con “không trượt phát nào” thì chuẩn xác số trâu nhà ông Tiến hiện tại.
Những con trâu với cặp sừng lớn, bé khác nhau, có con nặng tới 3 tạ.
Vào mùa hè, cỏ mọc um tùm, công việc chăn trâu nhẹ nhàng, thư thái hẳn.
Ăn no rồi trâu lăn ra ngủ giữa bãi cỏ.
Khoảng 5h mỗi chiều, trâu đi tắm trước khi về chuồng. Chúng di chuyển theo đàn, dẫn đầu là “thủ lĩnh”.
Đàn trâu hối hả chạy, bụi mù đường.
Đầm mình vào mùa hè nóng nực quả là không có thú vui nào bằng.
Bên kia cây cầu là nội thành ồn ào, xô bồ và không kém phần tấp nập.
Tính ra với gần 200 con, cả trâu lẫn nghé, trung bình khoảng 25-30 triệu một con, ông Tiến đã có trong tay gần 6 tỷ đồng. Trâu chủ yếu được nuôi từ nhỏ, cứ lứa nọ lại đẻ ra lứa kia. Thường ông chỉ bán trâu đực, trâu cái để sinh sản, mỗi năm đẻ ra 1 con nghé.
Trâu nuôi giữa phố thị không xỏ mũi, không đánh số, gần như hoang dã và sinh sản một cách tự nhiên. Theo đồng hồ sinh học, cứ 5 rưỡi sáng, mục đồng mở cửa chuồng, trâu ào ào chạy ra giữa bãi. Lúc thì gặm cỏ, lúc lại đầm mình dưới bãi bồi.
6 giờ tối, hoàng hôn nhuộm tím một khoảng trời. Tiếng mục đồng ới ới từ xa, trâu đang chìm nghỉm dưới bãi vội chạy lên bờ. Đàn trâu lâu năm quen thuộc gần như mọi hiệu lệnh của người chăn, nhưng nhiều lúc lại “giả vờ” như không nghe thấy gì. Lão mục đồng cầm 2 hòn đá ném xuống bãi, trúng ngay đầu một con, cả đàn nháo nhào dồn về một phía, nhưng vẫn chưa chịu lên bờ. Lão lại cầm thêm 2 hòn đá nữa, nhắm vào con đầu đàn. Tiếng đá rơi hoà vào tiếng lão hét, trâu đủng đỉnh kéo nhau về chuồng. Bụi phủ khắp một đoạn đường, chúng hành quân về vườn nhãn.
Trâu gắn mác phố thị nghe có vẻ thì xa hoa, nhưng trong ruột cũng chẳng có gì ngoài… cỏ. Đàn 200 con không ăn cám hay thức ăn công nghiệp, quanh năm chỉ có cỏ và… cỏ. Bãi thả thì nhiều vô kể, nhưng không phải mùa nào cỏ cũng mọc um tùm. Cánh đồng, bãi bồi, khu dự án bỏ hoang, ven đê,… có ngày trâu đi 10km mới tìm thấy cỏ mà ăn. Đối với mỗi địa điểm, mục đồng dẫn đàn luân phiên, khoảng 1 tuần sau mới lại trở lại để cỏ kịp sinh sôi.
Cả đàn con nào bụng cũng căng tròn lúc lắc, ít dịch bệnh, con nặng nhất lên tới 3 tạ. “Khởi nghiệp” từ khoản tiền đi vay, người nông dân chưa bao giờ phải hối hận, đúng là con trâu là đầu cơ nghiệp.
Bạn sẽ thấy thật thú vị khi giữa Hà Nội có một đàn trâu rất đông, ngày ngày vẫn đi theo bầy, trùng trùng điệp điệp, nhàn nhã và thảnh thơi.
Đến giờ về, mục đồng ra hiệu cho đàn trâu, nhưng xem ra chúng không nghe lời…
Lão cầm 2 hòn đá ném về phía đàn trâu.
Cả đàn hùng hục chạy lên bờ.
Cảnh tượng hùng vĩ tựa như một thảo nguyên nào đó.
Chuồng trâu nằm sâu phía trong vườn nhãn.
2 lão mục đồng và đàn trâu giữa bãi bồi phố thị.