Các nước phát triển dùng rượu bia giải tỏa căng thẳng, nhưng vẫn hạn chế ngặt nghèo ra sao?

(Ảnh minh họa: AFP)

Cùng được bày bán, nhưng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, rượu bia là mặt hàng “kén” người mua, người bán lẫn nơi sử dụng.

Đặc biệt tại các nước phát triển, dù rượu bia được sử dụng khá phổ biến như là một cách để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống, nhưng nếu “quá đà” thì cả người mua lẫn người bán đều phải trả giá đắt.

Mặt hàng đặc biệt, không phải cứ có tiền là mua được

Sở dĩ rượu bia được coi là mặt hàng đặt biệt là do đây không phải là mặt hàng được khuyến khích tiêu thụ, chịu thuế cao. Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức thuế trung bình đối với rượu bia ở nhiều nước là từ 10%-29% giá bán lẻ.

Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, mức thuế đánh vào rượu bia rất cao. Tại Hồng Kông, mức thuế đối với rượu trên 30 độ cồn là 100%; tại Singapore, ngoài việc chịu 7% thuế hàng hóa và dịch vụ (thuế GST), các loại rượu đều phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 88 SGD (khoảng 1,5 triệu VND) cho 1 lít. Tại Malaysia, ngoài việc phải chịu 15% thuế bình ổn giá trị (ad valorem tax), mỗi lít bia phải chịu mức thuế là 7,4 RM (khoảng 42.000 VND).

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau, đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn tới tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Ngoài ra, rượu bia tàn phá sức khỏe, làm giảm hoặc mất năng suất lao động của đối tượng sử dụng, nên còn là nguyên nhân gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Do vậy, xu hướng chung của các nước trên thế giới là đặt rượu bia trong sự quản lý chặt chẽ.

Các nước phát triển dùng rượu bia giải tỏa căng thẳng, nhưng vẫn hạn chế ngặt nghèo ra sao? - Ảnh 1.

Thứ nhất, quy định độ tuổi mua bán, tiêu thụ rượu bia. Hầu hết các nước trên thế giới quy định từ 18 tuổi trở lên mới được phép mua bán, tiêu thụ rượu bia. Ở một số nước như Na Uy, độ tuổi được phép mua bán, tiêu thụ rượu bia căn cứ vào độ cồn trong đồ uống, ví dụ từ 18 tuổi trở lên được phép mua bán, tiêu thụ rượu bia từ 22 độ cồn trở xuống còn từ 20 tuổi trở lên được phép mua bán, tiêu thụ rượu bia từ 22 độ cồn trở lên. Tại Mỹ, Malaysia, Cameroon và Ai Cập, độ tuổi được phép mua bán, tiêu thụ rượu bia thậm chí cao hơn, lên tới 21 tuổi.

Đối với người bán, trong trường hợp không chắc chắn về độ tuổi của khách hàng, họ có quyền yêu cầu khách hàng trình thẻ căn cước (ID) hợp lệ để chứng minh. Nếu phát hiện ID bị làm giả hoặc nghi ngờ ID không hợp lệ, người bán có quyền từ chối bán hàng.

Thậm chí, ngay cả khi khách hàng trên 18 tuổi, ở một số nước như Hà Lan, nếu phát hiện họ mua rượu bia rồi chuyển ngay cho người dưới 18 tuổi, người bán hoàn toàn có quyền từ chối. Nguyên nhân là do luật pháp nghiêm cấm hành vi này và nếu vi phạm, sẽ bị coi như bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi và bị phạt 1.360 euro (hơn 35 triệu VNĐ).

Đối với cơ sở kinh doanh như siêu thị, trong 1 năm nếu bị phát hiện 3 lần bán rượu bia cho người trẻ tuổi mà không kiểm tra ID thì sẽ bị cấm bán rượu bia trong 12 tuần. Những quán bar, nhà hàng, cửa hàng có giấy phép bán rượu bia cho khách hàng mang ra ngoài sử dụng thì chỉ cần một lần bị phát hiện bán rượu bia cho người trẻ tuổi mà không có biện pháp kiểm tra độ tuổi có thể sẽ bị tước giấy phép kinh doanh rượu bia.

Thứ hai, quy định giờ bán rượu bia và khu vực được phép sử dụng rượu bia. Dù đủ tuổi và có tiền, nhưng không phải có quyền mua bán, tiêu thụ rượu bia ở bất cứ lúc nào và tại bất cứ đâu. Tại Scotland, bạn chỉ có thể mua rượu bia từ 10 giờ sáng tới 10 giờ tối vào các ngày trong tuần và từ 12 giờ 30 chiều tới 10 giờ tối chủ nhật. Ngay cả khi cửa hàng mở cửa, nhưng nếu không trong khung giờ trên, bạn cũng không được mua rượu bia.

Ngoài ra, mở một số nước như Australia, người ta còn thiết lập những khu vực cấm hoàn toàn việc tụ tập uống rượu bia gọi là “dry zone/dry area”. Không quá khó để có thể nhìn thấy những biển báo như vậy tại những nơi công cộng từ công viên, bãi biển đến khu vực quanh nhà thờ, trường học… Ai vi phạm, cảnh sát có quyền lục soát, tịch thu rượu bia, chịu mức phạt lên tới 100 lần giá trị rượu bia bị tịch thu hoặc bị đưa ra tòa với mức án lên tới 6 tháng tù giam.

Các nước phát triển dùng rượu bia giải tỏa căng thẳng, nhưng vẫn hạn chế ngặt nghèo ra sao? - Ảnh 2.

Đề cao trách nhiệm cộng đồng

Ngoài việc là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật, sử dụng rượu bia quá đà còn là gốc rễ gây ra nhiều vấn nạn xã hội như bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn, tội phạm, đói nghèo. Vì vậy, ở hầu hết các nước trên thế giới, rượu bia được quản lý chặt chẽ ngay từ nơi bán và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quảng cáo rượu bia.

Bên cạnh việc chỉ bán cho người đủ độ tuổi, các cửa hàng bán rượu bia ở Malaysia phải niêm yết cảnh báo “Đồ uống gây nguy hiểm cho sức khỏe” tại lối ra vào khu vực kinh doanh. Cảnh báo này cũng được in trên tất cả các sản phẩm đồ uống có cồn.

Tại Mỹ và Australia, hầu hết các bang đều yêu cầu người bán rượu bia phải có giấy phép phục vụ rượu bia. Để có giấy phép này, người bán rượu bia cần trải qua khóa huấn luyện để trở thành người bán rượu bia có trách nhiệm. Họ không chỉ phải học các điều luật liên quan tới rượu bia, cách nhận biết người vị thành niên một cách chính xác, cách từ chối bán hàng lịch sự, mà còn phải học cả cách nhận biết tác động của rượu bia lên khách hàng, ngăn không cho khách hàng uống say cũng như cách bảo vệ bản thân trước các “đệ tử Lưu Linh”…

Do đã được đào tạo, những người bán rượu bia ở Mỹ hay ở Australia ai cũng đầy kinh nghiệm trong việc nhận biết ngưỡng say xỉn của khách hàng. Một khi khách hàng đã uống tới ngưỡng, người bán tuyệt đối không bán thêm bởi nếu bị cảnh sát phát hiện, họ sẽ bị phạt rất nặng.

Trong trường hợp khách hàng lỡ “quắc cần câu”, người bán sẽ chủ động giữ chìa khóa xe của khách hàng, gọi taxi đưa khách hàng về nhà. Đây là việc hết sức cần thiết bởi điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn sẽ rất nguy hiểm cả với bản thân lẫn cộng đồng, cho nên, ở nhiều nước, hành vi này được xếp vào nhóm tội phạm hình sự.

Tại Malaysia, luật pháp cho phép nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông là dưới 80mg/100ml, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Giao thông đường bộ với mức phạt, nhẹ là bị phạt 1.000 RM (khoảng 250 USD) và bị tù tối đa 3 tháng cho lần vi phạm đầu tiên; bị phạt từ 2.000-6.000 RM và bị tù tối đa 12 tháng cho các lần vi phạm tiếp theo; nặng thì bị phạt từ 8.000 – 20.000 RM và bị phạt tù tối đa 3 năm.

Ở một số nơi khác như bang New South Wales, Australia thì chỉ cần bị phát hiện trong máu có cồn, lái xe sẽ bị treo bằng lái 3 tháng và bị phạt 561 AUD (tương đương khoảng 9 triệu đồng Việt Nam).

Ngoài ra, việc quản lý quảng cáo rượu bia cũng được coi trọng. Từ năm 1995, Malaysia đã cấm quảng cáo đồ uống có cồn trên sóng truyền hình và radio, nhưng nếu các đoạn quảng cáo không thể hiện hành vi tiêu thụ rượu bia thì logo và tên thương hiệu có thể xuất hiện trên tivi sau 10 giờ tối.

Cùng với đó, Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo Malaysia có những quy định cụ thể đối với nội dung quảng cáo rượu bia. Tất cả quảng cáo đồ uống có cồn không được hướng tới đối tượng thanh thiếu niên hoặc có ý nghĩa khuyến khích nhóm này sử dụng bia rượu.

Tại Hồng Kông, quảng cáo rượu bia không được phép phát trong các chương trình thuộc khung giờ Gia đình xem TV (từ 4 giờ chiều tới 8 giờ 30 tối hằng ngày). Tại Hàn Quốc, quảng cáo rượu bia chỉ được phát sau 10 giờ tối.

Ngày 23/5 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thảo luận về dự Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Dự luật được trình Quốc hội lần đầu vào cuối năm ngoái, sau 10 năm soạn thảo và lấy ý kiến. Dự thảo lần này gồm 36 điều, ít hơn 2 điều so với phiên bản đã trình năm 2018.

Dự thảo mới nhất được đưa ra theo hướng không cấm buôn bán rượu bia trên mạng Internet, quy định các điều kiện buôn bán dưới hình thức thương mại điện tử, cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, cấm khuyến mãi hoặc dùng rượu bia khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi, cấm sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mãi, cấm quảng cáo rượu bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hàng ngày.