Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật

Chủ trì cuộc làm việc với Bộ Tư pháp sáng 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

Sáng ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Bộ và ngành Tư pháp đã đạt được những thành tích, thành tựu lớn, có tính chất quyết định, cơ bản; đồng tình với các hạn chế, yếu kém, bất cập được nêu tại buổi làm việc, phân tích một số nguyên nhân chính và nêu lên những bài học kinh nghiệm.

ttg-pbieu_dcec

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

Trước hết là phải bám rất sát chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Các đồng chí phải lao vào tháo gỡ vướng mắc cùng các bộ, ngành, địa phương, điều này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò, tầm quan trọng của ngành Tư pháp”, Thủ tướng gợi mở. Hay trong xây dựng chính sách, việc mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là đúng, là cần thiết, nhưng cũng phải mời các nhà hoạt động thực tiễn…

Đề cao vị trí, vai trò rất quan trọng của công tác tư pháp, ngành Tư pháp trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; trong thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong thời gian sắp tới là phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người cho hoạt động tư pháp.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng tâm niệm, việc lớn nhất là phải hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Từ nhiệm vụ lớn nhất này, Thủ tướng yêu cầu, tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành và của môi trường pháp lý với sự phát triển của đất nước ta để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng.

toan-canh-25-5_uqtb

 Quang cảnh buổi làm việc.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược với tinh thần phải rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật.

Thủ tướng lưu ý làm tốt việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, bị tác động khi xây dựng pháp luật, “quy định ban hành tối qua mà sáng nay thấy bất cập rõ ràng thì cũng phải sửa, không cứng nhắc”. Tập trung sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, nâng cao lý luận phát triển ngành Tư pháp sát với tình hình thực tế Việt Nam, nhất là phục vụ xây dựng môi trường pháp lý; coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, xử lý các vấn đề luật pháp liên quan đến lợi ích hợp pháp của công dân và của đất nước ta. Trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức; dùng chung nguồn lực, tránh tình trạng phân tán nguồn lực tại các cơ sở đào tạo.

Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng phải đầu tư cho công tác truyền thông chính sách, những kinh nghiệm quý, bài học hay, những điển hình tiên tiến; truyền thông phải đi trước một bước, đóng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng cho người dân, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, Thủ tướng rất tâm đắc, tán thành ngay và cho biết sẽ có ngay văn bản giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách – một trong ba khâu đột phá chiến lược…

bt-long-bao-cao_zrgd

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại buổi làm việc.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong bối cảnh nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, nguồn lực còn nhiều hạn chế, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự tâm huyết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, bám sát phương châm hành động, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả cụ thể, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng.

Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tư pháp và các ý kiến tại cuộc làm việc cũng cho rằng, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao.

Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện công tác tư pháp vẫn còn hạn chế.

“Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ.

 

Theo T.Quyên (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-truong-chu-tich-tinh-phai-truc-tiep-chi-dao-cong-tac-xay-dung-phap-luat-d156557.html