Trong lúc đang mai thai đứa con thứ 3 thì chị Vui như chết lặng khi biết tin đứa con gái đầu chưa chồng bỗng có thai. Nuốt nước mắt ngược vào lòng, khi sinh con được 10 ngày, chị Vui phải gắng gượng đi làm thuê để nuôi con, nuôi cháu và người chồng bị lao phổi nặng mà thiếu tiền chữa trị.
Chiều muộn, chúng tôi tìm đến con hẻm nhỏ nằm ở phường Hiệp Thành, nơi trú ngụ của 6 người trong gia đình chị Trương Thanh Vui (37 tuổi, quận 12, TP.HCM).
Số phận nghiệt ngã, 6 con người yếu ớt nương tựa nhau
Từ nhiều nằm nay, người dân ở hẻm 97, đường Hiệp Thành 17, khu phố 2 (phường Hiệp Thành) đã quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ trung niên chạy vạy từng ngày để gồng gánh, chăm lo cho 6 miệng ăn.
Căn trọ nhỏ nằm sau trong hẻm, nơi 6 người nhà chị Vui trú ngụ.
Bên trong căn trọ nhỏ chưa đầy 10 mét vuông, ẩm thấp và xộc xệch, 6 con người bé nhỏ thu mình lại một góc căn phòng. Chị Vui từ nhỏ bị bỏ rơi, được bố mẹ nuôi nhặt về gần đường ray tàu hỏa.
Năm 17 tuổi, chị Vui theo chồng rồi sinh người con đầu lòng tên Hiền, hai vợ chồng làm lụng, thuê nhà trọ để ở từ khi lấy nhau. Đến khi Hiền lên 10 thì người em gái thứ 2 tên Diệu ra đời.
6 con người yếu ớt bên trong căn phòng trọ sập xệ, ẩm thấp.
Cứ như vậy, hàng ngày ai thuê gì thì chị Vui làm nấy, từ giặt áo quần, rửa chén bát thuê, còn anh Bảo (chồng chị Vui) thì phụ hồ khắp nơi chỉ mong vợ con đủ no. Đến năm 2016, hai vợ chồng biết mình có đứa con thứ 3, chị Vui mang thai mà không hề ốm nghén, nhưng Hiền (con gái đầu chị Vui) lại hay mệt, cứ nghe mùi lạ là nôn.
Cứ nghĩ con bị trúng gió, bệnh bình thường, nhưng mãi vẫn không thấy khỏi, hai vợ chồng quyết định đưa Hiền tới bệnh viện khám, rồi bác sĩ cho hay: “Hiền mang thai được 5 tháng”.
Hiền (con gái đầu của chị Vui) có thai nhưng không có chồng, sinh được một người con gái tên Tường Vi.
“Lúc đó mọi thứ xung quanh tôi tối sầm lại, trời đất quay cuồng. Lòng tôi thắt lại rồi khóc nghẹn không thành lời. Nhìn đứa con gái mới 15 tuổi tôi càng đau đớn hơn”, chị Vui nói với hai hàng nước mắt chảy dài.
Sau ngày định mệnh đó, cuộc đời của Hiền, một cô bé còn ngây dại bỗng đen tối dần đi. Xót xa hơn, bé gái chào đời và lớn lên sẽ không bao giờ biết được cha của mình là ai.
Chị Vui làm bà ngoại bất đắc dĩ, một mình gách vác cả gia đình.
“Khi đó tôi và chồng không dám nghĩ là sẽ bỏ đứa bé trong bụng Hiền đi, vì cái thai quá lớn và dù sao đó cũng là máu mủ, ruột thịt. Tôi chỉ biết động viên Hiền, canh chừng không dám rời mắt khỏi con vì sợ nó nghĩ quẩn”, chị Vui nhớ lại.
Lúc chị Vui sinh người con thứ 3 và đặt tên là Nhi, khi đó Hiền đã có thai hơn 6 tháng. Dù mới sinh được khoảng 10 ngày, vết mổ sinh còn rất đau vì chưa lành hẳn, nhưng lo các con đói nên chị Vui đành gượng dậy đi làm, phụ giúp chồng để nuôi con. Còn phải lo cho Hiền vì gần đến ngày chuyển dạ.
Bé Nhi (3 tuổi), đứa con gái thứ 3 của chị Vui.
Bé Tường Vi (3 tuổi) là con gái của Hiền, cháu ngoại của chị Vui.
Hàng ngày chị Vui cùng Hiền phải đi rửa chén bát thuê để có tiền lo cho các con.
Rồi Hiền sinh non, đứa bé ra đời mà chưa đầy 2kg, một sinh linh nhỏ bé, mỏng manh như chính cái tên Tường Vi của nó. Vậy là cô con gái nhỏ dại lên làm mẹ, làm cha.
Nỗi đau nối tiếp nhau đè lên người phụ nữ kham khổ
Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ ổn, chỉ cần hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, chăm con chăm cháu là có thể sống qua ngày. Nhưng số phận nghiệt ngã lại một lần nữa trêu đùa gia đình chị Vui.
Những cơn ho dữ dội đột nhiên kéo đến với anh Bảo (chồng chị Vui), sau khi đi khám thì phát hiện anh mắc bệnh lao, đã chuyển sang giai đoạn cuối và mất dần sức lao động.
Cả gia đình sống trong căn trọ nhỏ chật hẹp, ẩm thấp.
Sợ căn bệnh quái ác có thể lây cho những đứa trẻ bất cứ lúc nào, anh Bảo quyết định ra đường ngủ. Ban ngày anh lang thang ở bến xe buýt, chiều tắm nhà vệ sinh công cộng, rồi đêm về chị Vui mang cho anh chiếc võng để ngủ nhờ mái hiên nhà hàng xóm.
Cách đây ít lâu, một người tốt biết được, đã đưa anh vào viện chữa trị, sức khỏe anh tạm ổn hơn rồi xuất viện, nhưng sau đó thì bệnh lại tái phát.
Bé My (8 tháng tuổi) là con gái thứ 4 của chị Vui.
Không biết tương lai những đứa trẻ sẽ về đâu khi không thể đến lớp, cơm 3 bữa chưa đủ no.
“Đi khám lại bác sĩ nói đóng 5 triệu để nhập viện, nhưng tôi không có một đồng nào nên đành phải đưa chồng về. Nhìn anh vật vờ ngoài đường mỗi ngày, sức khỏe càng kiệt quệ đi nhưng lại không có tiền chạy chữa khiến tôi càng đau buồn hơn”, chị Vui ngậm ngùi nói.
Suốt nhiều ngày như thế, anh Bảo vật vờ ngoài vỉa hè. Nhưng mới đây chị quyết định đưa anh về nhà trọ của bà Hoa (61 tuổi, mẹ anh Bảo), nhờ mẹ chăm sóc giúp.
Trong căn trọ nhỏ với lộn xộn áo quần trẻ em, chỉ còn lại chị Vui cùng cô con gái lớn là Hiền (19 tuổi), Diệu (10 tuổi), Nhi (3 tuổi), My (8 tháng tuổi) và cháu ngoại là Tường Vi (3 tuổi, con gái của Hiền). Trong căn trọ chưa đầy 10 mét vuông, những đứa nhỏ quấn lấy nhau, người khác nhìn vào có lẽ không thể nào phân biệt được đâu là con, đâu là cháu.
Có những ngày gạo hết, gia đình chị Vui phải phải ăn mì tôm, hoặc 2 bữa gộp chung.
Hàng ngày hai mẹ con chị Vui và Hiền ai thuê gì thì làm nấy, đôi lúc đạp xe nửa giờ đồng hồ để đi giặt áo quần thuê cho người ta, chiều về lại đi rửa chén ở quán ăn, tối ai gọi gì thì làm nấy. Kiếm được chút tiền thì về trả tiền trọ, lo ăn cho mấy đứa nhỏ, giúp việc thuốc thang chữa trị cho anh Bảo.
Làm lụng cả ngày, nhưng tiền cũng chả đủ cho các con ăn, gạo thì bữa có bữa không, đôi khi ăn mì gói, có ngày lại hai bữa gộp chung.
Những đứa trẻ được sinh ra nhưng không hề có giấy khai sinh.
Bé Tường Vi lớn lên nhưng chưa hề biết cha mình là ai.
“Từ khi lấy nhau, tôi với chồng không có giấy kết hôn, cũng không có nhà cửa gì, mấy đứa nhỏ cũng chả có giấy khai sinh. Chúng muốn đi học cũng khó, nhưng may mắn bé Diệu được một cô giáo thương, cho đi học ké cùng các bạn ở lớp, ngày 2 tiếng. Còn bé Vi và bé Nhi thì được một người tốt giúp đỡ, trả chi phí cho đi gửi nhà trẻ”, chị Vui nói với vẻ mặt có phần tươi hơn khi nhắc đến bọn nhỏ.
Những trẻ là niềm hy vọng và thứ để chị Vui cố gắng làm việc mỗi ngày.
Chị Vui chưa dám nghĩ đến điều gì khác ngoài việc mong các con no đủ.
Ôm lấy mấy đứa nhỏ trên tay, chị Vui nói như sắp khóc: “Đời tôi và chồng thì khổ vậy đã đành, giờ tôi chỉ mong bọn nhỏ có thể đi học, làm sao có một chút tiền để chữa bệnh cho chồng. Chỉ mong đến vậy thôi, còn lại khổ bao nhiêu tôi cũng chịu, chỉ cần các con không đói”.
Trò chuyện một hồi, chiếc điện thoại cũ reo lên, chị Vui nói với giọng hơi hối hả như có ai đang giục việc. “Có người gọi đi rửa bát bên quán ăn chú ạ, tôi tranh thủ đi đây”, nói dứt câu, chị Vui vội bế theo bé My trên tay rồi mò mẫm bước đi.
Chỉ cần có việc, là chị nhận đi ngay để có tiền lo cho các con.
Bóng của chị dần khuất sau con hẻm nhỏ tối mờ, để lại phía sau những đứa trẻ ríu rít ngóng theo chị Vui từ cánh cửa nhỏ của căn trọ cũ kĩ.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Vui, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm giúp đỡ.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ tới số điện thoại chị Trương Thanh Vui: 0384727672.
Địa chỉ: Phòng trọ tại 97 Hiệp Thành 17, khu phố 2 (phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM).
Xin chân thành cảm ơn!