ava XH
Đã tan ca trực trở về, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà nhận cuộc gọi đề nghị hỗ trợ trường hợp chấn thương rất nặng. Trước nguy cơ bé gái phải đoạn chi, nữ bác sĩ đã bỏ cuộc hẹn với bạn để lao vào viện cùng đồng nghiệp vượt qua ca mổ dài 6 giờ đồng hồ xuyên màn đêm.
“Hôm qua mình đã ra trực, trong lúc mổ có những lúc cảm thấy rất đuối, rất muốn nghỉ một chút. Nhưng mà buông tay thì bé gái coi như mất cái chân nên không thể dừng lại được” – bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) nói sau một đêm phẫu thuật mệt nhoài.
Bệnh nhi tự té xe đạp gây chấn thương rất nặng.
Trước đó vào khoảng 20 giờ tối 27/2, bác sĩ Ngà đã tan ca làm và có cuộc gặp với đồng nghiệp trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam thì nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ từ kíp trực của khoa về một trường hợp bệnh nhi bị chấn thương rất nặng.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo lời kể từ gia đình, sáng cùng ngày trong lúc chạy xe đạp, bé Mai (13 tuổi, quê Bình Phước, tên đã thay đổi) bất ngờ trượt té và va chạm mạnh xuống đường, gây nên chấn thương chân phải.
Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện (BV) tuyến tỉnh nắn chỉnh xương nhưng không bắt được mạch máu, bàn chân lạnh. Tình trạng này kéo dài và không có dấu hiệu hồi phục nên đến chiều tối, bé được chuyển đến BV Nhi đồng 2.
Ảnh chụp CT-Scan chân bệnh nhi.
Tại đây sau khi chụp CT-scan, bé được xác định bị gãy xương vùng cẳng chân phải, hoại tử và dập cơ nhiều. Mạch máu dập có huyết khối 1 đoạn dài khoảng 7cm, chèn ép khoang cẳng chân nặng.
Nếu không phẫu thuật cố định, nắn chỉnh lại xương gấp và để huyết khối làm tắc mạch hoàn toàn, bé gái đứng trước nguy cơ mất chân.
Lúc này vì không có người hỗ trợ thám sát mạch máu gối và cẳng chân, kíp mổ tiến hành liên hệ bác sĩ Ngọc Ngà, người đã tan ca trực vào hỗ trợ.
Chân bé gái khi vào viện đã lạnh và hoại tử nhiều.
Không một chút đắn đo, nữ bác sĩ gác lại cuộc gặp với bạn bè rồi vội vã quay trở lại bệnh viện chuẩn bị cho cuộc mổ. Khoảng 21 giờ đêm, ca phẫu thuật bắt đầu.
Bệnh nhân có nhiều tổn thương kết hợp ở chân lại bị tổn thương những mạch máu quan trọng và đến viện trễ, thời gian thiếu máu dài nên cuộc mổ diễn ra khá căng thẳng.
Kíp mổ 3 người đã mất 6 tiếng ròng rã để nắn chỉnh xương, vi phẫu mạch máu thám sát phần mềm và mạch máu vùng khoeo, cẳng chân cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật xuyên màn đêm diễn ra tại BV Nhi đồng 2.
Sau phẫu thuật, bé gái đã giữ được chân.
Cuộc mổ hoàn thành lúc 3 giờ sáng ngày 28/2 khiến các bác sĩ mệt nhoài. Nhưng thành quả là đến sáng nay, chân của bé gái đã ấm, máu tưới tốt. Dù vậy vẫn cần theo dõi tiếp vì cơ chân bệnh nhi hoại tử nặng.
Bác sĩ Ngà cho biết thực sự cảm động vì nỗ lực của cả tua trực để có kết quả đẹp là giữ được chân phải cho bệnh nhân.
Về chuyện phải vào viện làm việc bất kể giờ giấc, thậm chí cả trong ngày Thầy thuốc Việt Nam, nữ bác sĩ cho rằng vấn đề hỗ trợ đồng nghiệp là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong ngành y.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà (thứ tư từ trái sang) cùng các thành viên khác tại BV Nhi đồng 2 trong lần phẫu thuật tách dính thành công cặp song sinh Bảo Hân – Bảo Ân. (Ảnh: BVCC).
“Trường hợp này là 1 ca mổ dài, nguy cơ cao ở cả trước, trong và sau mổ. Trong những tình huống phức tạp vậy cần phải phối hợp, hỗ trợ nhau tốt. Nếu dừng lại bất kì lúc nào trong thời gian phẫu thuật thì coi như chân bệnh nhân sẽ hư.
Có thể sau ca mổ bệnh nhân sẽ đối diện với tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng do tái tưới máu của chi trong thời gian dài. Nhưng ít nhất hiện tại, chân bé hồng ấm, cứu được là mình đã vui rồi” – thành viên kíp mổ tâm sự.