Báo Tổng Hợp

Thanh niên Triều Khúc tô son điểm phấn, mặc váy áo “đánh Bồng con đĩ” trong lễ hội của làng

Điệu múa “Con đĩ đánh Bồng” với các thanh niên giả gái múa vui trong lễ hội của làng Triều Khúc năm nay đã được chứng nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Chiều hôm nay, Mùng 9 tháng Giêng ( tức 13/2/2019), làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) tưng bừng mở hội truyền thống kéo dài trong 3 ngày liên tiếp.

Mở đầu lễ hội là nghi lễ rước kiệu diễn ra long trọng trong sự thành kính của người dân làng Triều Khúc. Đây là nơi thờ Thành hoàng Phùng (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). Tiếp đến là những điệu múa lân, múa rồng của các trai thanh trong làng.

Người dân trong làng kê bàn thờ đặt lễ ra mặt đường để thành kính đón kiệu Thánh rước ngang qua. Người già thì trải chiếu trước cửa để đón xem hội, đặt khay trà nước hoặc rượu để mời đoàn rước.

Đông đảo người dân làng và du khách thập phương đổ về đón xem hội chật kín hai bên đường làng.

Các cụ cao tuổi thọ 80, 90 được mặc áo đỏ, đội khăn the hoặc cao tuổi hơn là mũ cánh chuồn dự hội, theo sau đám rước.

Trước đó, trong buổi sáng, các thanh niên thuộc Câu lạc bộ Múa Bồng của Nhà văn hoá làng Triều Khúc đã chuẩn bị trang phục, hoá trang sẵn sàng cho màn biểu diễn trong lễ hội.

Các thành viên trong câu lạc bộ đều là người dân Triều Khúc, được chọn lựa từ các thanh niên trẻ ngoan hiền múa dẻo.

Sau khi đoàn rước kiệu Thánh ra tới điện thờ Bố Cái Đại Vương thì màn múa Bồng mới được bắt đầu diễn ra.

Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ.

Trên đường rước Thánh về đình làng, cứ sau mỗi đoạn rước ngắn thì theo tiếng chiêng nhỏ của một bô lão trong làng nổi lên như hiệu lệnh, các thanh niên theo nhịp phách đó nhảy múa mua vui cho người dân và du khách xem hội.

Mỗi lượt múa, 6 chàng trai mặc váy yếm đào, chít khăn mỏ quạ, điểm phấn son, giả làm con gái nhảy múa cặp đôi với nhau. Động tác múa được cách điệu từ đời sống nông nghiệp của cư dân xưa, điệu múa cổ này vừa là nghi lễ, vừa là thú vui.

Khi biểu diễn, các chàng phải nhảy múa uốn éo, thể hiện sự lẳng lơ, bông đùa để gây sự chú ý của người xung quanh.

Điệu múa sẽ kết thúc khi toàn bộ đoàn rước kiệu Thánh về tới đình làng.

Bùi Văn Hảo (29 tuổi), đã có 6 năm tham gia múa Bồng tại hội làng Triều Khúc. Anh cùng các bạn diễn từng có dịp được diễn xướng lần đầu tiên điệu múa truyền thống của làng tại Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long năm 2016.

Năm nay, làng Triều Khúc cũng vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể với điệu múa Bồng đặc biệt của mình.

Exit mobile version