Việt Nam có 93 triệu dân nhưng chỉ 2 thành phố có thông tin về chất lượng khí thở

Hà Nội được phát hiện có chất lượng không khí xấu đứng thứ hai trong ASEAN. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu từ Brunei, Lào, Malaysia và Myanmar đã cản trở các nhà nghiên cứu, và khó kết luận xếp hạng này chính xác đến đâu.

Phần lớn người dân ở Đông Nam Á không có thông tin chính xác về chất lượng không khí họ đang hít thở mỗi ngày.

Phân tích từ các báo cáo về ô nhiễm không khí từ Greenpeace và AirVisual cho thấy 95% các thành phố Đông Nam Á được khảo sát vượt quá mức phơi nhiễm cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, trong khu vực ASEAN, có bốn quốc gia không có dữ liệu về chất lượng khí thở. Điều này sẽ khiến công dân của họ khó nhận thức được những rủi ro sức khỏe mà họ phải đối mặt. Đó cũng là lý do khiến bảng xếp hạng không phản ánh được chính xác mức độ ô nhiễm giữa các quốc gia.

Báo cáo Chất lượng không khí thế giới 2018 đã phân tích các thông tin về ô nhiễm không khí từ 3.000 thành phố trên khắp thế giới. Báo cáo lấy với dữ liệu được lấy từ các nguồn giám sát công cộng đo lường và công bố nồng độ bụi siêu vi PM2,5 theo thời gian. Những nguồn thông tin này bao gồm các mạng lưới giám sát của chính phủ và dữ liệu được xác nhận từ các màn hình chất lượng không khí được vận hành bởi các cá nhân và tổ chức tư nhân. Chỉ có 145 thành phố ASEAN có dữ liệu.

Bụi siêu vi PM2.5 là một loại vật chất hạt (PM) nhỏ hơn 2,5 micromet (một milimet bằng 1.000 micromet) và được coi là chất ô nhiễm không khí tác động mạnh nhất.

WHO ước tính, mỗi năm có khoảng 7 triệu người chết do tiếp xúc với bụi siêu vi trong không khí. Bụi này xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh bao gồm đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp. Ô nhiễm bụi siêu vi cũng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Nó có thể gây ra Alzheimer và chứng mất trí.

Mặc dù một số khu vực có thể có các trạm theo dõi các chỉ số khác như PM10 hoặc sulfur dioxide, nhưng chúng đôi khi lại không đo nồng độ gồm PM2.5 – dạng ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất. Với kích thước siêu nhỏ, PM2.5 – chỉ bằng bốn phần trăm đường kính của tóc người – có thể xâm nhập sâu vào hệ hô hấp của con người, và từ đó đến toàn bộ cơ thể, gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe ngắn và dài hạn.

Các chỉ số trước đây như Chỉ số ô nhiễm không khí (API), là chỉ số kết hợp của PM10 (các hạt có đường kính nhỏ hơn 10 micromet) và carbon monoxide, ozone, nitơ dioxide và sulfur dioxide, đã lỗi thời và không thể hiện được chính xác nhất chất lượng không khí nữa.

Việt Nam có 93 triệu dân nhưng chỉ 2 thành phố có thông tin về chất lượng khí thở - Ảnh 1.

Hà Nội được phát hiện có chất lượng không khí tồi tệ đứng thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Jakarta (Indonesia). Calamba (Philippines) được đánh giá là thành phố có không khí sạch nhất. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu từ Brunei, Lào, Malaysia và Myanmar đã cản trở các nhà nghiên cứu, và có thể kết quả xếp hạng này chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm khí thở ở Hà Nội đang ở mức đáng báo động là việc không thể phủ nhận.

Trong khi các trạm ở Thái Lan và Philippines có thể cung cấp dữ liệu cho 20 và 16 thành phố tương ứng, Indonesia – với dân số khoảng 260 triệu người trải rộng trên hơn 17.000 hòn đảo – chỉ có dữ liệu cho bốn thành phố. Việt Nam, với dân số 93 triệu người, chỉ có dữ liệu cho hai thành phố lớn; Hà Nội và Hồ Chí Minh. Có ít nhất 10 trạm quốc gia và hơn 50 trạm địa phương hoạt động tại Bangkok, nhưng họ không công bố dữ liệu cập nhật cho công chúng.

Việt Nam có 93 triệu dân nhưng chỉ 2 thành phố có thông tin về chất lượng khí thở - Ảnh 2.

Greenpeace tuyên bố rằng: đối với trẻ em sống ở Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và do hen suyễn tăng 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng từ 25% đến 30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

Greenpeace khuyến cáo, Hà Nội cần phải thiết lập các mục tiêu và tạo ra các kế hoạch hành động để đưa chất lượng không khí về ngưỡng chấp nhận được. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chuyển sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống giao thông bền vững. Tăng cường các tiêu chuẩn khí thải đối với các nhà máy điện, các nhà máy công nghiệp, xe cộ và các nguồn phát thải khác cũng sẽ góp phần giúp người dân được hít thở không khí sạch hơn.

theo The ASEAN post