Trung Quốc “muốn gia nhập CPTPP”: Hỏa mù và cú đánh nhằm vào Mỹ

Đại diện thành viên CPTPP nhóm họp. Ảnh: Kyodo

Trung Quốc hiện không có chủ ý tham gia, nhưng lại đang vận dụng chiến thuật tung hỏa mù với CPTPP.

Mới đây, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương xôn xao những tin tức về việc Trung Quốc có ý định tham gia thoả thuận về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP là sản phẩm của 11 nước đã cùng với Mỹ ký kết thoả thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi TPP.

Về nội dung, CPTPP có những khác biệt nhất định so với TPP nhưng khác biệt không đến mức cơ bản. Nếu không có chuyện Mỹ rút khỏi TPP thì không có CPTPP.

Thiên hạ bàn luận và bình phẩm nhiều về tác động của việc Trung Quốc tham gia CPTPP trong khi lại để ý rất ít đến câu hỏi là Trung Quốc có thật sự muốn tham gia CPTPP hay không. Một khi câu hỏi này chưa được trả lời thì cuộc bàn luận và bình phẩm kia dẫu chẳng đến nỗi thừa thì cũng chưa hẳn là đã cần thiết.

Câu trả lời cho câu hỏi này là Trung Quốc hiện không có chủ ý tham gia CPTPP nhưng lại đang vận dụng chiến thuật tung hoà mù với CPTPP. Với chiêu thức này, Trung Quốc suy tính rằng chỉ có được nếu thành công và chẳng hề bị mất gì trong trường hợp thất bại.

Chiến thuật hỏa mù

Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP: Hỏa mù và cú đánh nhằm vào Mỹ - Ảnh 1.

Hiện nay có 11 nước tham gia Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: Reuters

Trung Quốc không tham gia CPTPP vì những lý do sau đây.

Thứ nhất, trong lịch sử cận đại của Trung Quốc cho tới nay chỉ có 2 lần Trung Quốc “tham gia” vào định chế, thể chế hay thoả thuận đa phương quốc tế đã có sẵn là Liên hợp quốc và Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tức là chỉ có 2 lần để cho kẻ khác phán quyết “kết nạp Trung Quốc” chứ còn đều là thành viên sáng lập, đều tham gia ngay từ đầu và đều cùng quyết định luật chơi chứ không chịu phải chấp nhận luật chơi của những kẻ khác.

Nếu bây giờ tham gia CPTPP, Trung Quốc phải chấp nhận những quy định và nội dung hiện có chứ không được đàm phán thay đổi chúng.

Sẽ không có chuyện Trung Quốc thay đổi nguyên tắc chỉ vì để được tham gia CPTPP, trừ khi Trung Quốc bị đẩy vào đường cùng hoặc có cuộc cách mạng thực sự về tư duy và cách tiếp cận lợi ích quốc gia mà cả hai điều này đều sẽ không xảy ra trong thời gian tới.

Thứ hai, bấy lâu nay, Trung Quốc theo đuổi những kế hoạch lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP hay Vành đai và con đường, đi lan theo hướng sang châu Âu và Trung Á, chạy xuống Đông Nam Á, qua khu vực Nam Á sang Tây Á, vùng Vịnh và vươn tới Ấn Độ Dương cũng như châu Phi.

Trung Quốc không ưu tiên hướng về phía đông bởi ở khu vực ấy Trung Quốc không thể có được vai trò dẫn dắt nổi trội hơn cả như Mỹ có thể có được nếu không rút khỏi TPP.

Nếu bây giờ tham gia CPTPP, Trung Quốc phải ganh đua giành vai trò ấy với Nhật Bản và Australia.

Trung Quốc có thể ganh đua nhưng không thể chắc chắn là cuối cùng rồi sẽ thắng trong cuộc ganh đua ấy mà không chắc chắn thắng thì Trung Quốc thường không mạo hiểm.

Thứ ba, ngay từ đầu, Trung Quốc đã chủ ý không tham gia TPP vì Mỹ đóng vai trò rất quyết định trong TPP. Trung Quốc không khi nào tham gia cuộc chơi mới có Mỹ tham gia và theo luật chơi do Mỹ quyết định là chính.

Cơ hội thuận lợi nhất cho Trung Quốc tham gia là khi Mỹ rút khỏi TPP và 11 thành viên còn lại nỗ lực duy trì TPP. Trung Quốc không phải không nhận biết cơ hội ấy mà chỉ là không tận dụng nó do không hề có ý định tham gia TPP cũng như CPTPP.

Ở đây có sự khác biệt rất rõ giữa Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ không khó khăn gì với quyết định tham gia trở lại CPTPP. Chạy theo con tàu đã chuyển bánh để được lên tầu không phải là cách thức tư duy chiến lược và thông lệ hành động của Trung Quốc.

Thứ tư, lãnh đạo Trung Quốc hay đại diện chính thức của Trung Quốc chưa có ai từng lần nào cho tới nay chính thức đề cập gần xa rằng Trung Quốc có ý định tham gia CPTPP.

Theo giới truyền thông thì chủ ý này được “quan chức Trung Quốc” tung ra, không rõ tên tuổi và giấu kín chức vụ.

Qua đó có thể thấy hiện tại Trung Quốc chỉ “sử dụng” chủ đề này chứ không phải thật sự “xem xét nghiêm túc và theo đuổi” ý định này.

Sự thật đằng sau đó chỉ có thể là Trung Quốc tung ra chiêu thức hoả mù này để phục vụ cho cuộc đối phó và đáp trả Mỹ, để tập hợp lực lượng và phân rẽ các đối tác với Mỹ.

Cho lâu dài, rất có thể Trung Quốc hiện bắt đầu thai nghén ý tưởng về gây dựng khu vực mậu dịch tự do riêng với các đối tác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.