Tay – chân – miệng tăng ca mắc ở miền Nam có phải do đột biến chủng vi rút?

Tại miền Nam số ca mắc và gặp biến chứng tay – chân – miệng tăng một số ý kiến cho rằng có sự đột biến gen trong chủng vi rút gây bệnh.

3 điểm nổi trội của bệnh nhi mắc tay – chân – miệng tại miền Nam

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) trong tháng 9 số ca tay – chân – miệng vào điều trị tại khoa tăng, hiện nay khoa đang quá tải bệnh nhân điều trị trẻ phải nằm ghép.

Tay – chân – miệng là bệnh lưu hành quanh năm và thường bùng phát rất mạnh vào thời điểm trẻ nghỉ hè quay trở lại trường học.

Các tháng trước đây số trẻ nhập viện do tay – chân – miệng chỉ từ 20 – 30 trẻ, đến nay mỗi ngày có 180 – 200 bé nhập viện điều trị.

Trẻ bị nhiễm tay – chân – miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều do nhiễm cũng vi rút typ Enterovirus 71 (virus EV71).

Tay - chân - miệng tăng ca mắc ở miền Nam có phải do đột biến chủng vi rút? - Ảnh 1.

Trẻ nhập viện do tay-chân-miệng tăng nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ Khanh cũng khẳng định: “Không có việc biến đổi chủng vi rút gây bệnh tay-chân-miệng. Thực tế chủng vi rút EV71 đã từng xuất hiện và gây bệnh vào năm 2011. Thời điểm đó đã có rất nhiều bệnh nhi gặp biến chứng do chủng vi rút này có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp có thể dẫn tới tử vong”.

3 điểm nổi trội trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng của năm nay so với những năm trước là số lượng bệnh, ca bệnh đều tăng, trẻ mệt nhiều.

“Nguyên nhân số ca trẻ mắc bệnh nặng tăng không phải do sai lầm chăm sóc của cha mẹ hay trẻ được đưa đến viện muộn mà trẻ mắc bệnh tự diễn biến nặng”, bác sĩ Khanh nói.

Có nên chăm sóc trẻ bị tay – chân –miệng tại nhà

“Trẻ mắc tay chân miệng vẫn có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà như cần lưu ý”, bác sĩ Khanh cho hay.

Khi trẻ có triệu chứng sốt và nổi nốt nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để loại trừ nguyên nhân mắc các bệnh khác.

Nếu như trẻ mắc bệnh nhẹ không có biến chứng nên chăm sóc trẻ tại nhà. Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao và thuốc sát khuẩn ngoài da bôi lên các nốt phổng để tránh bội nhiễm. Vệ sinh miệng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, bù nước khi trẻ bị sốt.

Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường sốt cao không dứt, nốt phỏng nhiều, trẻ li bì, chân tay lạnh… thì cần phải đưa trẻ nhập viện ngay.

Tay – chân – miệng đang gia tăng bác sĩ Khanh khuyến cáo: “Hiện bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa nên cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phải luôn đảm bảo rửa tay đúng cách cho trẻ nhỏ.

Những thời điểm rửa tay quan trọng cần phải ghi nhớ trước khi ăn, sau khi từ lớp học trở về. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt. Nếu trẻ mắc bệnh cần phải cho trẻ nghỉ học cách ly và báo với giáo viên vệ sinh lớp học”.

Bác sĩ Khanh lưu ý phòng bệnh tay – chân – miệng cho trẻ người lớn (cha mẹ, ông bà, cô giáo) chăm sóc trẻ cũng phải tuân thủ rửa tay đầy đủ để tránh mang mầm bệnh cho trẻ. Tại trường học và ở nhà vệ sinh nơi ở, nơi trẻ chơi, đồ chơi của trẻ sạch sẽ để tránh vi rút có điều kiện sinh sôi gây bệnh.