Rủi ro lớn nhất của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với Việt Nam là gì?

Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Do vậy, với quan điểm bảo hộ mạnh mẽ, trong tương lai, liệu Tổng thống Donald Trump có làm ngơ?

Hai lần trong cuộc họp báo về số liệu kinh tế sáng nay (28/9), Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhắc chuyện nên lờ đi con số thặng dư thương mại với Mỹ. Ông cho rằng nếu nói quá nhiều về con số này, có thể tạo một sự chú ý không đáng có, đẩy nền kinh tế vào những rủi ro của cuộc chiến thương mại.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thời gian gần đây đã leo lên một nấc thang mới khi quy mô của nó được Tổng thống Trump mở rộng lên số lượng hàng hoá giá trị 200 tỷ USD với thuế suất 10%.

Con số 200 tỷ USD này lớn hơn rất nhiều so với hai lần trước, lần lượt là 34 và 16 tỷ USD. Danh mục hàng hoá bị đánh cũng lớn hơn đáng kể, bao gồm hầu hết các nhóm ngành tiêu dùng cuối cùng.

“Trong giai đoạn ngắn hạn và quy mô không mở rộng, Việt Nam bị tác động rất ít”, ông Lâm nhận định và cho biết xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không mấy ảnh hưởng. Điều này được cụ thể hoá bằng con số thặng dư thương mại mà ông không muốn cụ thể hoá.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi “vệt dầu” chiến tranh loang rộng ra, mức độ ảnh hưởng đối với Việt Nam là không tránh khỏi.

Vệt dầu này có thể là khi Mỹ coi Việt Nam như là một đối tượng đang khiến cho họ chịu thiệt thòi. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, thứ 5 về quy mô thương mại với Hoa Kỳ, và đang có thặng dư thương mại.

“Với chính sách gia tăng bảo hộ, rủi ro lớn nhất là các rào cản về thuế, kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ”, ông Lâm nhấn mạnh.

Như vậy, ông cho biết không loại trừ khả năng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại có thể là đối tượng bị nhắm đến trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ đẩy nhiều nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc với dòng vốn của họ ra khỏi thị trường hơn 1 tỷ dân. Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn về môi trường đầu tư, địa lý, hẳn nhiên sẽ trở thành điểm đến ưng ý. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa những lo ngại.

Cụ thể, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ từ dịch chuyển từ Trung Quốc.

Ông Lâm nói rằng các số liệu đang ghi nhận lượng dự án FDI gia tăng nhưng quy mô dự án lại rất nhỏ, khoảng 1 triệu USD. Điều này được ông nhận định có thể là một dấu hiệu để những người làm quản lý cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI, nhằm ngăn chặn những dự án công nghệ lạc hậu.

Những vấn đề khác được phía Tổng cục Thống kê nhắc thêm bao gồm rủi ro về gian lận thương mại khi hàng Trung Quốc tìm cách núp bóng hàng Việt Nam, về việc các nhà đầu tư chuyển hướng dòng vốn hay các năng lực của Việt Nam trong cuộc chơi song phương.

Tuy nhiên, trong nguy có cơ, ông Lâm cho rằng với chiến lược kìm hãm Trung Quốc của Mỹ khi đánh vào nhóm mặt hàng công nghệ cao, nếu Việt Nam tìm cách khai thác được, đấy sẽ là cơ hội lớn.

Mặt khác, trước sức ép từ căng thẳng thương mại leo thang, các nước, trong đó có Việt Nam sẽ có động lực mạnh hơn để triển khai các liên kết kinh tế đa phương. Như vậy, Hiệp định CPTPP càng có lợi thế để được thúc đẩy, triển khai.

Như vậy, cơ hội, hay rủi ro, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng quan trọng hơn cả là việc chúng ta xác định được điều gì.