Người Việt có tỷ lệ mắc ung thư gan rất cao: BS bệnh viện K chỉ các nguyên nhân gây bệnh

Ung thư gan được xem là bệnh ung thư nguy hiểm hàng dầu, tiên lượng bệnh xấu trong khi đó bệnh đang có xu hướng gia tăng ở cả hai giới. Việt Nam nằm trong “vùng đỏ” về ung thư gan.

Khó ngủ, mệt mỏi, khám bệnh ra ung thư gan

Bà Nguyễn Thị H.H. 59 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội bị nhiễm viêm gan B cách đây 20 năm và vẫn điều trị duy trì. Khoảng vài năm gần đây, bà H đi kiểm tra sức khoẻ lại thấy vi rút viêm gan B không còn nên bà “quên” gan mình từng bị vi rút.

Cách đây 2 tháng, bà H thấy khó ngủ, ăn uống không ngon nhưng không có các triệu chứng của người bị bệnh gan là đau vùng hạ sườn kèm theo vàng mắt, vàng da tay. Con gái bà động viên đi kiểm tra sức khoẻ.

Khi vào viện, bệnh nhân được làm các xét nghiệm đánh giá toàn trạng, phát hiện thấy chỉ điểm khối u gan trong máu tăng: AFP=73,11 ng/ml (bình thường < 7,0 ng/ml), xét nghiệm viêm gan B dương tính (HBsAg +), trên phim chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thấy khối u gan hạ phân thuỳ VIII, kích thước 5,9×5,0cm

Theo các bác sĩ, ở Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư hàng đầu về mức độ phổ biến cũng như tỷ lệ tử vong, chiếm 20,8% trong tổng số các loại ung thư, với số mới mắc khoảng hơn 23.000 người, nằm trong khu vực các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh rất cao.

Theo ước tính của Globalcan năm 2012, Việt Nam thuộc khu vực có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan thuộc nhóm cao trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 8 ở nữ giới.

Người Việt có tỷ lệ mắc ung thư gan rất cao: BS bệnh viện K chỉ các nguyên nhân gây bệnh - Ảnh 1.

Hình ảnh ung thư gan

Ung thư hay gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý ác tính của tế bào gan, xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có bệnh gan mạn tính và xơ gan. Hiện nay, HCC đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư, là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ hai (chỉ sau ung thư phổi) trên toàn thế giới.

Ung thư gan nếu được phát hiện muộn thì thường tiên lượng xấu. Phần lớn các bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên ít bệnh nhân có khả năng điều trị được bằng các phương pháp triệt căn.

Mặt khác, tỷ lệ tái phát bệnh sau điều trị phẫu thuật hoặc tiêu hủy khối u tại chỗ là rất cao. Phần lớn các trường hợp có khối u gan kích thước lớn, chức năng gan đã bị suy giảm trên nền bệnh gan mạn tính đã có trước, do dó điều trị toàn thân với hóa chất truyền thống gây độc tế bào.

Vì sao ung thư gan?

Theo TS Phạm Thế Anh trưởng khoa ngoại gan mật, Bệnh viện K Trung ương, hầu hết những người mắc ung thư gan đều bị bệnh gan mạn tính (tổn thương gan lâu dài gọi là xơ gan), gây sẹo xơ ở gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Điều kiện gây xơ gan là viêm gan B, viêm gan C, nghiện rượu, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc,…

TS Thế Anh còn cho biết thêm một nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, lối sống.

Tỷ lệ mắc ung thư gan đang gia tăng tại nhiều nước trong đó có Việt Nam do tăng tỷ lệ xơ gan do viêm gan B, C mạn tính và viêm gan nhiễm mỡ.

Mặc dù hiện đã có vacxin nhưng do hiểu biết của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi còn nhiều hạn chế nên không khám sức khỏe định kỳ, không tiêm phòng vacxin đầy đủ.

Xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Các yếu tố nguy cơ ung thư gan trong xơ gan là: nam giới, tuổi trên 55, chủng người Châu Á hoặc gốc Tây Ban Nha, có tiền sử gia đình có người mắc ung thư gan, béo phì, viêm gan B và C, nghiện rượu, bệnh ứ sắt ở gan (Hemochromatosis).