“Người gác đền” của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: “Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra”

Người dân coi ông Hiển như “người gác đền” của đoạn sông này, suốt 30 năm nay mỗi khi khúc sông này có người đuối nước, người ta gọi ông, lần này cũng chính ông đã lặn tìm và vớt được 3 thi thể.

Vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào chiều 22/3 ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nạn nhân là 8 nam học sinh tiểu học và trung học. Các nạn nhân xấu số có nhà cạnh nhau, sáng nay tất cả các gia đình đã cùng cử hành tang lễ cho các cháu.

Người gác đền của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra - Ảnh 1.

Cả làng quê đau đớn đưa tiễn các nạn nhân nhỏ tuổi.

Trong đám tang, người ta nhắc nhiều về ông Hiển, người đã tìm vớt 3 trên 8 thi thể trong vụ đuối nước. Người đàn ông này được người dân ví như “người gác đền” của khúc sông, suốt 30 năm nay, mỗi lần có người đuối nước người ta lại gọi ông, lần này cũng thế.

Người đàn ông lao ra hiện trường tìm kiếm các nạn nhân xấu số

Trò chuyện với PV, người đàn ông 50 tuổi, cao hơn 1,8m, có vẻ ngoài chắc chắn và đáng tin kể lại: “Chiều hôm qua tôi đang ở nhà thì có người báo ngoài sông xảy ra vụ học sinh đuối nước. Lúc đấy khoảng hơn 3h chiều, tôi lập tức ra ngay.

Người gác đền của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra - Ảnh 2.

Biển báo mới được dựng gần hiện trường, tấm biển trước đó đã bị cuốn trôi.

Lúc ra tôi thấy anh em cứu hộ và dân đang tìm kiếm, một cháu nổi trên mặt nước đã được vớt vào. Thấy tôi, mọi người đều dừng việc tìm kiếm lại mà chuyển sang hỗ trợ, những lần trước đây cũng chỉ mình tôi có thể lặn để tìm thi thể, họ biết và quen với điều đó.

Tôi bơi ra khảo sát khúc sông một lần, đó là một hõm nước sâu từ 3 đến 5 mét, vách dựng đứng và xoáy nhẹ. Chính vì vách dựng đứng bất ngờ và nước xoáy, không ít trường hợp đã vô tình bước chân vào vùng nước này rồi bị hụt dẫn đến đuối, bị cuốn ra xa khỏi bờ.

Người gác đền của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra - Ảnh 3.

Nước hôm nay cạn hơn hôm qua, những cọc tre trong nghi lễ chiêu hồn lộ lên khỏi mặt nước.

Dù rất sâu nhưng nước trong vắt, có thể nhìn thấy những thi thể nằm dưới đáy màu trắng mờ, nổi lên trên nền cát.

Tìm khoảng 5 phút thì tôi thấy cháu bé đầu tiên, lặn xuống, tôi thấy chìm sấp gần sát đáy, khi vớt lên thì có máu chảy ra từ mồm, mũi, biết không cứu được nữa. Trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ, tôi vớt được 3 cháu, các thi thể cách nhau độ 70 mét”, ông Hiển chia sẻ.

Vì còn bận công việc, sau khi làm hết khả năng, ông Hiển đã rời khỏi hiện trường. Bốn nạn nhân còn lại bị chìm ở khu vực nước khó xác định, lực lượng chức năng đã phải cào đáy để rà soát và trục vớt.

Người gác đền của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra - Ảnh 4.

Bãi cát rộng và thoai thoải ngay cạnh hố sâu nước xoáy.

Theo ông Hiển cho biết, ông quê ở Thái Bình, năm 7 tuổi thì theo cha mẹ lên Hòa Bình sinh sống, nhà cạnh bãi sông. Từ hồi tấm bé thì khả năng bơi lặn của ông đã khiến các thủy thủ cũng phải kính nể, có thể lặn xuống đáy xà lan lấy vật mà không gặp chút khó khăn nào.

Lớn lên, cuộc sống gắn liền với sông nước, hõm nước xảy ra sự việc đau lòng hôm nay đã từng sâu đến gần 30m, trở thành một cái xoáy mà củi đọng lại, cứ thế ông Hiển và anh trai lặn xuống đó vớt củi, vì thế khả năng bơi lặn càng lâu càng sành sỏi.

Người gác đền của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra - Ảnh 5.

Cảnh học sinh đến tiễn đưa bạn.

Rồi cũng vì nhà cạnh sông, cứ có người đuối nước thì người ta lại nhớ ngay đến và gọi, ông Hiển lại ra tìm kiếm, lâu dần thành quen, ông Hiển coi đó là công việc của mình, ông làm mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào cả. “Mỗi lần tìm được người, cứu được người mình vui lắm chứ, chỉ sợ mình ra không kịp, không cứu kịp”, ông Hiển nói.

Kỹ năng tránh nguy hiểm đuối nước và sơ cứu người đuối nước

Ông Hiển cho biết với kinh nghiệm nhiều năm, ông nhận ra sông Đà hung dữ hơn nhiều so với vẻ êm đềm lặng lờ người ta nhìn thấy. Chính vì điều đó, nhiều người đã chủ quan, đẫn đến hậu quả 30 năm nay năm nào cũng có người đuối nước.

Bãi sông hôm qua các cháu nhỏ đá bóng vốn là bãi cát thoải, rất đẹp được ví như biển Hòa Bình, mùa hè người tắm rất đông. Thế nhưng ít ai biết rằng ngay bên cạnh bãi cát đó là một hõm nước xoáy có vách dựng đứng, 8 học sinh cũng là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và chủ quan này.

Người gác đền của đoạn sông nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm: Xoáy nước sâu đến 5m, chảy êm nhưng rất khó nhận ra - Ảnh 6.

Ông Hiển được ví như là “người gác đền” của khúc sông.

“Đoạn sông này rộng phải đến 300m, chính quyền đã có tuyên truyền và cảnh báo rồi nhưng năm nào cũng có người đuối nước. Người dân phải tự ý thức được sự nguy hiểm của khúc sông, nếu muốn ra tắm thì phải có kiến thức và kỹ năng đầy đủ.

Việc khác, đuối nước biết cách cứu thì vẫn cứu được. Nếu đuối nước cả giờ đồng hồ nhưng nạn nhân không uống nước, nước không vào phổi, chỉ ngạt khí và chết lâm sàng thì có thể cứu chữa. Trong trường hợp nạn nhân uống nước nhưng chưa xảy ra tình trạng xuất huyết ở mồm, mũi, người sơ cứu cần cầm chân dốc ngược để nước chảy ra khỏi phổi nạn nhân, như vậy cũng có khả năng cứu được”, ông Hiển chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện ông Hiển đang làm công việc lái xe, thời gian rảnh rỗi không nhiều. Sắp tới, khi về hưu, ông Hiển có dự định thành lập một đội cứu hộ cứu nạn tình nguyện, thường trực trên bãi sông để có thể ứng cứu kịp thời.

Trước đó, chiều 21/3, nhóm 10 học sinh ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã rủ nhau ra sông Đà tắm dẫn đến 8 em bị đuối nước tử vong. Sự việc khiến bao người bàng hoàng bởi nạn nhân ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.