Mỹ-Triều tới tấp tung đòn răn đe nhau hậu thượng đỉnh: Thực chất là “lòng vả cũng như lòng sung”

Ảnh: The Wall Street Journal.

Thực chất, các cảnh báo và đe dọa của Triều Tiên hay phát biểu của Mỹ gần đây đều chỉ là nói vậy nhưng không thực nghĩ vậy, và cả trong thâm tâm cũng không muốn vậy.

Thượng đỉnh kết thúc, Mỹ-Triều tiếp tục “làm găng”?

Mấy ngày vừa qua, những ai quan tâm đến mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên không thể không để ý thấy có nghịch lý nhất định trong thể hiện thái độ của Mỹ và Triều Tiên về triển vọng tới đây của tiến trình hòa bình và hòa giải giữa hai bên. 

Từ sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội cách đây 2 tuần, phía Mỹ dù không hài lòng nhiều về kết quả của sự kiện nhưng không có động thái gì cho thấy chủ ý làm găng thêm với Triều Tiên, vẫn thể hiện thiện chí duy trì tiếp xúc và đối thoại, kể cả ở cấp cao nhất, cũng như vẫn khá lạc quan và khích lệ phía Triều Tiên duy trì tiến trình.

Phía Triều Tiên đánh giá tích cực kết quả sự kiện ở Hà Nội nhưng đã không chỉ có một lần đề cập đến khả năng xem xét lại việc đàm phán với Mỹ, khẳng định không thể đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ và thậm chí còn không loại trừ khả năng suy tính việc lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Hai bằng chứng mới nhất là tin tức từ phía Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên vận hành trở lại một cơ sở tên lửa và phát biểu của một thứ trưởng ngoại giao của Triều Tiên.

Nhìn vào những động thái và thực trạng ấy thì đương nhiên không thể không có cảm nhận là tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên hiện như thể đang ở trước nguy cơ bị tan vỡ và hai bên trở về lại điểm xuất phát ban đầu.

“Lòng vả cũng như lòng sung”

Nhưng nếu nhìn vào cách thức hai nước này xử lý quan hệ song phương với nhau lâu nay thì sẽ lại thấy thực chất bên trong không hẳn như thế. Cả hai bên có lợi ích thiết thực với việc duy trì tiếp xúc và đối thoại chứ không chấm dứt, với việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và hòa dịu chứ không phải ngưng trệ nó.

Trên phương diện này, hai bên thật sự “lòng vả cũng như lòng sung”. Cảnh báo và dọa vừa rồi của Triều Tiên hay phát biểu nào đấy từ phía Mỹ với hàm ý là giờ lại suy xét xem có nên tiếp tục đàm phán với nhau nữa hay không, thật ra đều chỉ là nói vậy nhưng không thực nghĩ vậy, và cũng còn cả trong thâm tâm không muốn vậy.

Mỹ-Triều tới tấp tung đòn răn đe nhau hậu thượng đỉnh: Thực chất là lòng vả cũng như lòng sung - Ảnh 2.

Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un đã không thể giải quyết bất đồng tại Hà Nội. Ảnh: AP.

Nguyên do nằm ở những phương diện sau:

Thứ nhất, Mỹ cũng như Triều Tiên và đặc biệt là ông Trump cũng như ông Kim Jong-un đều biết rõ rằng nếu không duy trì tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau như gần một năm qua thì mọi chuyện mắc mớ giữa hai bên vẫn chỉ bế tắc như trước nay, trong khi hai bên có nhu cầu cấp thiết là giải quyết mọi chuyện hoặc ít nhất cũng thực hiện cách tiếp cận giải pháp mới để giảm thiểu và triệt tiêu mối đe dọa an ninh, nhưng cũng còn cả nhằm thực hiện những mưu tính đối nội.

Thứ hai, những phát ngôn mới đây của Triều Tiên trong thực chất không khác biệt cơ bản gì so với nội dung họp báo của đoàn Triều Tiên hồi nửa đêm ngày 28.2 vừa qua ở Hà Nội, lại cũng không phải ở cấp cao.

Chúng vẫn theo dòng quan điểm về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un ở Hà Nội chứ không phải là thái độ, phản ứng của Triều Tiên về những động thái của Mỹ từ sau cuộc gặp kia. Chúng cho thấy phía Triều Tiên không phải suy tính chính sách mới, mà chỉ khẳng định chính sách cũ.

Thứ ba, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã không ít lần làm thế giới bên ngoài bất ngờ về khả năng có thể nhanh chóng thay đổi quyết sách. Ở cả hai bên đều luôn có sự pha trộn giữa đòn thật và đòn gió, giữa chủ ý thật và hỏa mù, giữa răn đe và tranh thủ lẫn nhau.

Bởi vậy, thiên hạ bên ngoài cho tới nay gần như đã có thói quen mới là để ý đến hành động cụ thể của hai bên nhiều hơn là tới những tuyên cáo của hai bên.

Thứ tư, kết quả cuộc cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên ở Hà Nội cho thấy tiến trình hòa bình và hòa giải giữa hai bên đã tiến triển tới mức độ giới hạn của nhượng bộ của bên này cho bên kia, tức là để tiến được xa hơn nữa thì hai bên đều cần phải có những quyết định chính trị cần thiết mới – như ông Trump và ông Kim Jong-un đã một vài lần từng có trước đó.

Nói theo cách khác, ván bài kín có cách chơi bài kín, nhưng bây giờ đã đến lúc chơi bài ngửa và mọi quân bài đã được ngửa ra hết trong ván bài thì cứ chơi tiếp cách chơi bài kín đâu có còn thích hợp nữa.

Cho nên giữa Mỹ và Triều Tiên, chuyện “tương lai là quá khứ” ít khả năng xảy ra thời gian tới hơn là chuyện “tương lai không thể là quá khứ”, nếu như không muốn nói là sẽ không xảy ra.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.