Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ: Mối quan hệ đồng minh liệu có vượt qua được “những cánh đồng đầy mìn”?

Ảnh minh họa: FrontNews

Mặc dù căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào hạ nhiệt sau khi A. Brunson được trả tự do và trở về Mỹ, nhưng còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong quan hệ hai nước.

Ngày 12/10/2018, mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị giam giữ trong hai năm ở Thổ Nhĩ Kỳ do bị buộc tội có các hoạt động liên quan đến khủng bố, đã trở về Mỹ. Ông đã được Tổng thống Donald Trump tiếp đón ngay tại Nhà Trắng.

Tại cuộc gặp gỡ này, Tổng thống D. Trump đã hoan nghênh quyết định của tòa án Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho mục sư A. Brunson và coi đây là một “bước tiến quan trọng” trong quan hệ với Ankara.

Mục sư A. Brunson đã cám ơn Tổng thống D. Trump về những cố gắng để ông được thả sau hai năm bị giam giữ trong vụ án “khủng bố” và “gián điệp” dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ankara và Washington.

Ông D. Trump đã gửi lời cám ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về sự “giúp đỡ” để kết thúc vụ án đã từng gây ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai đồng minh thuộc khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự sụp đổ của đồng Lira.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Mối quan hệ đồng minh liệu có vượt qua được những cánh đồng đầy mìn? - Ảnh 1.

Mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ảnh: AP

Ông R. Erdogan trả lời ông D. Trump rằng, việc trả tự do cho mục sư A. Brunson là quyết định độc lập của tòa án. Ông R. Erdogan đã viết trên trang Twiter của mình: “Tổng thống D. Trump, như tôi đã luôn luôn nói trước đây, ngành tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một quyết định độc lập”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này việc tòa án Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư A. Brunson không thể không có “đèn xanh” của chính phủ R. Erdogan.

Mặc dù Tổng thống D. Trump bác bỏ, nhưng nhiều nguồn thông tin cho rằng Washington đã đạt được một thỏa thuận ngầm với Ankara về việc trao trả tự do cho mục sư A. Brunson sau khi vụ án được đưa ra xét xử.

Các chi tiết của thỏa thuận này không được tiết lộ, nhưng theo hãng tin truyền hình NBC của Mỹ thì đây là sự đánh đổi việc thả mục sư A. Brunson để giảm sức ép kinh tế của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bình thường hóa quan hệ là nhu cầu của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng khi Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu vào Mỹ do Ankara từ chối trao trả cho Washington mục sư A. Brunson bị bắt vào mùa Thu năm 2016 và bị đối mặt với án tù có thế lên tới 35 năm.

Ông bị buộc tội trợ giúp tổ chức FETO của nhà truyền đạo Fethullah Gulen bị coi là khủng bố và bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hiện nằm trong danh sách những kẻ khủng bố đang bị lùng bắt khẩn cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cẩu Mỹ dẫn độ.

Ngày 10/8/2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã quyết định tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ lên hai lần (50% đối với thép và 20% đối với nhôm). Đồng tiền Lira của Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng mất giá so với đồng đô la, lao dốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Mối quan hệ đồng minh liệu có vượt qua được những cánh đồng đầy mìn? - Ảnh 2.

Ngay sau khi Washington tuyên bố các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, đông Lira đã mất giá trên 40% so với đầu năm. Ảnh minh họa: Hurriyet Daily News

Chính quyền Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Bộ trưởng Tư pháp Abdulahmit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleiman Soilou của Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng quyền con người”. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy.

Đáp lại, Ankara cũng đã tăng thuế đối với 22 loại hàng hóa của Mỹ gồm thuốc lá 60%, mỹ phẩm 60%, ô tô 120% và rượu 140%. Tổng số thuế gia tăng là 533 triệu đô la. Các biện pháp đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ, là thành viên mạnh thứ hai trong NATO, có vai trò và vị trí hết sức quan trọng tại Trung Đông. Mỹ không thể triển khai được chính sách của mình tại khu vực nếu không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất cần cải thiện quan hệ với Mỹ để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước và duy trì được thế cân bằng chiến lược tại Trung Đông. Trên thực tế, vài tháng trở lại đây hai bên đã ngừng đưa ra các tuyên bố công kích lẫn nhau.

Giữa Washington và Ankara còn nhiều vấn đề cấn giải quyết

Mặc dù căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào hạ nhiệt sau khi A. Brunson được trả tự do và trở về Mỹ, nhưng còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong quan hệ hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải phóng thích các tù nhân Mỹ khác. ông M. Pompeo nói tất cả các tù nhân người Mỹ và những người bị cầm tù và giam giữ bất hợp pháp phải được trả tự do.

Trong số những tù nhân này, phía Mỹ đặc biệt quan tâm tới nhà khoa học Serkan Golg làm việc trong Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) bị một tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ kết án tù bảy năm rưỡi về tội khủng bố.

Washington cũng yêu cầu phóng thích các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại các cơ quan lãnh sự Mỹ tại Istanbul bị bắt giữ ngày 5/10/2017 với cáo buộc liên hệ với nhà truyền giáo Adil Oksuz, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là một trong những nghi can chính trong âm mưu đảo chính hụt ngày 15/7 năm ngoái.

Bất đồng giữa Wahington và Ankara không chỉ giới hạn trong vụ việc mục sư A. Brunson, mà còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết. Việc trả tự do cho A. Brunson mới chỉ là bước đầu mở đường cho các cuộc đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề bất đồng khác lớn hơn rất nhiều.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ thi hành chính sách hướng Đông, ngả sang Nga, Trung Quốc, đặc biệt là gần đây đặt hàng mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga, tăng cường hợp tác với Iran để đối phó lại lệnh trừng phạt của Mỹ chống Tehran đang khiến Washington lo ngại.

Đáp lại, Mỹ cũng đã quyết định không cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ là những vấn đề nổi cộm không dễ gì giải quyết trong các cuộc đàm phán sắp tới nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai đồng minh NATO.

Ông Anthony Skinner, Giám đốc Trung Đông-châu Phi thuộc viện Virrisk Maplecroft (cơ quan tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu) có trụ sở tại Bath, Vương quốc Anh nói: “Washington và Ankara vẫn phải vượt qua những cánh đồng đầy mìn”.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại