Mời Mỹ thiết lập căn cứ quân sự: Ba Lan thực hiện chiến lược “lời chào cao hơn mâm cỗ”?

Ảnh minh họa: Reuters

Việc tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề nghị Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan là một chiêu thức chính trị và ngoại giao rất khôn khéo.

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”

Ở Ba Lan, thủ tướng chính phủ chứ không phải tổng thống nắm thực quyền. Ngay cả khi cả hai người này cùng thuộc một đảng phái chính trị như hiện tại thì tổng thống cũng không nói thay và làm thay được chính phủ.

Vì thế, việc tổng thống nước này Andrzej Duda trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi đề nghị Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan là một chiêu thức chính trị và ngoại giao rất khôn khéo.

Nó giúp chính phủ Ba Lan tới đây tiến thêm hay tháo lui đều dễ dàng mà không ngại là sẽ bị tổn hại thể diện. Nếu phía Mỹ đồng ý thì đó đồng thời sẽ là chủ trương của chính phủ. Còn nếu phía Mỹ không chấp nhận thì đấy lại chỉ là ý muốn riêng của tổng thống.

Dù thế nào thì làm thế Ba Lan tranh thủ được Mỹ, thể hiện sự tin cậy Mỹ và mong muốn gắn kết với Mỹ. Điều khiến tổng thống Mỹ Donald Trump thích thú không phải ở bản chất của đề nghị này mà ở chỗ ông Duda muốn đặt lấy tên ông Trump để đặt cho căn cứ quân sự ấy: “Fort Trump”.

Ở đây thực chất là câu chuyện về “lời mời cao hơn mâm cỗ”.

Mời Mỹ thiết lập căn cứ quân sự: Ba Lan thực hiện chiến lược lời chào cao hơn mâm cỗ? - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ dự một buổi lễ ở gần thị trấn Orzysz tại Ba Lan gần đây. Ảnh: REUTERS

Ba Lan thật sự mong muốn có căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan nhưng cũng thừa biết rằng Mỹ hiện không sẵn sàng và dẫu có muốn cũng không thể. Ông Trump không mặn mà với việc xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ ở Ba Lan nhưng vẫn muốn được nghe và thấy phía Ba Lan khẩn khoản đề nghị.

Lý do được phía Ba Lan đưa ra để thuyết phục phía Mỹ là mối đe doạ an ninh từ Nga. Mục đích của Ba Lan với đề nghị này là răn đe Nga chứ không phải đe doạ Nga, trong thực chất là một kiểu “cáo mượn oai hùm” để đối phó Nga.

Nhưng Ba Lan còn đồng thời theo đuổi một mưu tính chiến lược khác nữa là gây dựng vị thế đặc biệt trong chiến lược và chính sách của Mỹ đối với châu Âu, đối với NATO và đối với Nga.

Ba Lan kỳ vọng từ đó sẽ có được thế khác hẳn trong EU, NATO và ở châu Âu. Hay nói cách khác, Ba Lan muốn nhờ vào Mỹ và dựa vào Mỹ để tăng cái giá của mình trong quan hệ với tất cả các đối tác, bất kể là với đồng minh, đồng hội hay đối thủ.

Lưu ý của Mỹ trước Ba Lan

Mỹ xưa nay chứ không phải đợi đến khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ luôn có mối quan hệ rất đặc biệt với Ba Lan. Nhưng không phải vì thế mà Ba Lan được Mỹ đáp ứng mọi mong muốn. Trên phương diện chính trị an ninh luôn có 3 tác nhân mà Mỹ – thời trước và cả ông Trump hiện tại – luôn phải lưu ý trong việc phát triển quan hệ với Ba Lan.

Thứ nhất, Ba Lan là thành viên NATO như Mỹ và Mỹ không thể tách bạch quan hệ hợp tác quân sự và an ninh giữa Mỹ và NATO với giữa Mỹ và Ba Lan. Mỹ muốn làm gì với Ba Lan trên phương diện này đều phải trong khuôn khổ NATO.

Mời Mỹ thiết lập căn cứ quân sự: Ba Lan thực hiện chiến lược lời chào cao hơn mâm cỗ? - Ảnh 2.

Ba Lan đang khẩn thiết muốn Mỹ triển khai lực lượng tới nước này. Ảnh: © REUTERS / Kacper Pempel

Ông Trump vốn chủ trương các nước thành viên NATO phải tự lập nhiều hơn cho việc tự bảo vệ an ninh cho mình, thu hẹp chứ không mở rộng phạm vi giương ô bảo hộ an ninh cho đồng minh ở châu Âu. Đề nghị riêng kia của Ba Lan trái ngược với chủ định này của ông Trump.

Thứ hai, cứ cho là Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan đi thì việc đó sẽ tạo tiền lệ và Mỹ sẽ rất khó có thể “trọng Ba Lan” mà “khinh những thành viên khác của NATO”.

Đáp ứng đề nghị kia của Ba Lan, Mỹ sẽ làm nội bộ NATO bị phân hoá sâu sắc, trong NATO sẽ phân bè chia phái và NATO sẽ bị suy yếu đi nghiêm trọng về mọi phương diện. Khi ấy, cái phản tác dụng sẽ rất lớn và rõ nét đối với Mỹ.

Thứ ba là ông Trump không thể không lưu ý thoả đáng đến phản ứng và đáp trả của Nga. Hiện tại đã có 3.000 binh lính Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Ba Lan và lực lượng quân đội NATO trên lãnh thổ Ba Lan do Mỹ chỉ huy.

Phía Nga luôn rất nhạy cảm và đáp trả quyết liệt mọi hoạt động quân sự của NATO ở vùng láng giềng của Nga và càng thế khi NATO hoặc Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở những nước thành viên NATO xung quanh Nga.

Ông Trump sẽ không vì mong muốn của Ba Lan mà để quan hệ của Mỹ với Nga trở nên căng thẳng và trắc trở. Các thành viên EU và NATO khác cũng sẽ không để cho Mỹ đáp ứng ý muốn riêng của Ba Lan để rồi phải chịu vạ lây bởi những biện pháp đáp trả của Nga.

Ấy là còn chưa kể đến việc giới quân sự và ngoại giao Mỹ e ngại về nhiều hơn là thích thú với việc có căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan.

Ông Duda tranh thủ được cá nhân ông Trump nhưng Ba Lan sẽ không có được căn cứ quân sự của riêng Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại