Lời hứa “ưu tiên số 1” của Cao Bằng và lời hứa “ưu tiên số 1” của Lạng Sơn

Bí thư tỉnh ủy Lại Xuân Môn.

Lãnh đạo Cao Bằng đang có những bước đi quyết liệt hiếm thấy để đẩy nhanh dự án được coi là “khát vọng nhiều đời” của họ, trong khi tiến độ dự án được cho là ưu tiên số 1 ở Lạng Sơn, lại đang có dấu hiệu chững lại.

“Hứa với Bác linh thiêng lắm”

Trong Hội nghị được tổ chức những ngày cuối cùng tháng 2/2019 của thường vụ tỉnh ủy với HDND, UBND tỉnh Cao Bằng, Bí thư tỉnh ủy Lại Xuân Môn đã kể về một lời hứa rất quan trọng của ông và ông Hồ Minh Hoàng – chủ tịch tập đoàn được giao lập dự án tiền khả thi cao tốc chiến lược Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Ông Môn nói: “Tôi với anh Hồ Minh Hoàng đã hứa trước Bác Hồ tại Pác Pó. Báo cáo các đồng chí, hứa với Bác linh thiêng lắm. Nói là làm. Làm là quyết liệt. Khó đến đâu tháo gỡ đến đó”.

Tinh thần “chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi”, “con đường ấy phải thể hiện tầm nhìn 30, 40 năm của Cao Bằng. Nó không chỉ nhằm phát triển kinh tế mà còn mang ý nghĩa lớn về quốc phòng, an ninh đất cho đất nước”, “dự án là ưu tiên số 1 ở Cao Bằng”, của Bí thư Lại Xuân Môn, đã được Hội nghị đồng thuận tuyệt đối.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị phải xác định đây là dự án cấp bách, để dồn mọi nguồn lực thực hiện thành công. 

Theo ông Ánh, dự án dù mới khởi động 4 tháng, nhưng đã có hàng chục cuộc họp để triển khai và tháo gỡ khó khăn. Dự án cũng đã nhận được sự đồng thuận lớn từ nhiều cấp lãnh đảo Đảng, Chính phủ bộ ngành, từ sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tỉnh ủy, UNND.

Tại Hội nghị, Thậm chí nhiều lãnh đạo chủ chốt của tỉnh còn quyết tâm: Tiến độ dự kiến đã rất thần tốc, nhưng tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ hơn thế để bù cho “những chậm trễ” có thể có đến từ những cơ quan không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Việc cân đối ngân sách sẽ phải cụ thể để hàng năm UBND Tỉnh làm cơ sở để sắp xếp ưu tiên cho việc đầu tư cao tốc từ năm 2019-2022.

Vấn đề nan giải nhất đối với một tỉnh nghèo như Cao Bằng là phần góp vốn của địa phương (chiếm 20% tổng mức đầu tư, bằng 2.500 tỉ đồng). 

Nhưng khi Lãnh đạo Tỉnh ủy – HĐND – UBND đồng lòng vào cuộc, chấp nhận dẹp bỏ các lợi ích đan xen làm ảnh hưởng đến dự án (không ít nhu cầu dự án khác nhau, nhiều gói thầu thấp đang chờ chỉ định thực hiện, lợi ích vụn vặt của một số tập thể, cá nhân…), thì bài toàn cân đối ngân sách của Tỉnh nghèo đã được giải, giấc mơ của người dân Cao Bắc Lạng sẽ được hiện thực hóa, thông thương kết nối , tai nạn giảm đi.

Trên tinh thần “nói là làm ấy”, ngay tại Hội nghị, Bí thư Lại Xuân Môn chỉ đạo:”Chuyển luôn 320 tỉ đồng vào một tài khoản chuyên biệt của ngân hàng chỉ để phục vụ riêng cho dự án để tạo niềm tin cho ngân hàng và nhà đầu tư”.

“Nếu không có trách nhiệm với đất nước, không có tấm lòng với đồng bào cội nguồn cách mạng nơi bác Hồ đã ra đi, thì không thể làm được con đường ấy” – ông Môn khẳng định.

601 tỉ đồng đang thách thức lời hứa về cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng?

Quyết tâm chính trị – kinh tế rất cao của Lãnh đạo và nhân dân Cao Bằng đang có nguy cơ gặp một trở ngại lớn không đến từ Cao Bằng, mà từ Lạng Sơn.

Tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến Chi Lăng – Hữu Nghị dài 43km vào Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, chấp thuận cho UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án này.

Sau khi tiếp nhận dự án từ nhà đầu tư cũ (VEC), nhà đầu tư mới đã rà soát, tính toán phân kỳ đầu tư và tiết giảm được hơn 3.000 tỷ đồng (từ 8.743 tỷ đồng xuống còn 5.675 tỷ đồng). Với khoản tiết giảm rất lớn này, nhà đầu tư sẽ làm tiếp được 17,5km từ đến cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam.

Trước những tín hiệu ban đầu hết sức tích cực của dự án, nhà đầu tư đã không ngần ngại tạm ứng tới 150 tỉ đồng vốn chủ sở hữu để chi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên dự án lại tắc ở 601 tỉ đồng mà nhà đầu tư đề nghị Lạng Sơn đóng góp.

601 tỉ đồng là khoản tiền không lớn nếu so sánh với tổng mức đầu tư, tại sao lại đe dọa, thách thức đến sự thành bại của dự án?

Hữu Nghị – Chi Lăng là một hợp phần (giai đoạn 2) của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Trong hợp đồng tín dụng của dự án đã ghi rõ, để hoàn vốn cho dự án Bắc Giang – Lạng Sơn, phải có 2 trạm thu phí. Tuy nhiên khi triển khai dự án, để thuận lòng dân, UBND Lạng Sơn đã kiến nghị bỏ đi một trạm thu phí. Điều này phá vỡ 1 phần phương án tài chính.

Thêm vào đó, diện phương tiện xe cộ sát hai bên trạm được xem xét miễn giảm, tăng lên đột biến so với phương án tài chính: Có đến gần 5.000 xe được miễn giảm.

Hai lý do chính này khiến nguồn thu để bù đắp cho dự án bị sụt giảm tới hơn 772 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi vay (Trong đó, dự án Bắc Giang – Lạng Sơn thiếu 660 tỷ đồng cho 4 năm đầu, dự án Hữu Nghị – Chi Lăng thiếu 112 tỷ đồng cho 2 năm đầu).

Sự thiếu hụt này khiến ngân hàng cấp tín dụng cho dự án là Viettinbank phải ra tối hậu thư: Nếu không có phương án bù đắp số thiếu hụt này, họ buộc phải tạm dừng giải ngân cho dự án. Điều này đồng nghĩa với việc cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn không thể hoàn thành và thành phần 2 của nó là Hữu Nghị – Chi Lăng, không thể thực hiện.

Tiền và quyết tâm. Lời hứa và trách nhiệm.

Nếu Bắc Giang – Lạng Sơn không hoàn thành và Hữu Nghị – Chi Lăng không thể thực hiện, lại đe dọa nghiêm trọng đến dự án huyết mạch Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Hữu Nghị – Chi Lăng chính là đoạn giữa, kết nối hai cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Nói cách khác, Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ không thể thực hiện nếu không có Hữu Nghị – Chi Lăng.

Trước yêu cầu của Viettinbank, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị UBND Lạng Sơn bố trí từ nguồn ngân sách địa phương 601 tỉ đồng cho dự án, số tiền thiếu hụt còn lại, họ sẽ cùng ngân hàng gánh nốt. 601 tỉ đồng này, cũng không phải bố trí ngay trong 2019, 2020 mà được trải đều trong 4 năm từ 2021 – 2024 (nghĩa là trung bình 150 tỉ/ năm).

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ tập đoàn Đèo Cả, Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Họ không thể lo được nguồn kinh phí 601 tỉ đồng này vì tỉnh không còn nguồn, mặc dù các Nhà đầu tư đã ứng ra trước cho việc GPMB hơn 150 tỷ và hiện đang tiếp tục cùng tỉnh tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ.

Quyết tâm sắt đá và tính trách nhiệm cao của lãnh đạo Cao Bằng đã giúp họ giải được bài toán tiền ở một tỉnh nghèo: Nỗ lực tiết kiệm ngân sách, tăng thu hợp lý, tìm quỹ đất để đấu giá, tiết giảm những dự án không trọng điểm. Nhờ vậy Cao Bằng cam kết chắc nịch mỗi năm sẽ dành trên 600 tỉ đồng, sau 4 năm dành 2.500 tỉ đồng cho dự án trọng điểm Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Theo số liệu mới nhất, GDP của Lạng Sơn năm 2018 tăng trưởng cao nhất trong 11 năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người đạt 38,4 triệu đồng (trong khi GDP bình quân đầu người ở Cao Bằng năm 2018 mới đạt 26,7 triệu đồng).

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hứa trước Quốc hội: Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng sẽ hoàn thành năm 2020. Ngày 17/5, Chủ tịch UBND Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cũng đã cam kết: “Địa phương sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách phù hợp để dự án hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao, mỹ quan đẹp nhằm sớm đưa vào khai thác, phục vụ cho đời sống kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung”.

Ngày 24/9/2018, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Lạng Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời hứa của mình trước Quốc hội về cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và nhắc nhở với các cơ quan liên quan: “Khi có chủ trương 1 thì phải có biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới ra hồn được chứ, chứ cứ lờn vờn, không tập trung gì cả thì làm sao?”.

Câu hỏi đặt ra rất rõ ràng: Là một tỉnh có lợi thế hơn Cao Bằng rất nhiều mặt, tại sao Lạng Sơn không thể gom được 601 tỉ trong 6 năm (tính từ 2019 – 2024) để biến cam kết của mình thành hiện thực?

“Chúng tôi vừa có báo cáo sơ bộ tình hình với Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh. Chị Thanh cho rằng dự án này vẫn là ưu tiên số 1 của tỉnh. Bí thư sẽ họp với HĐND, UBND để xem xét thúc đẩy dự án và có những quyết sách cụ thể. 

Nhà đầu tư chúng tôi, cũng như tỉnh Lạng Sơn, đều có trách nhiệm lớn trong việc tìm nhiều giải pháp để hiện thực hóa lời hứa của Thủ tướng trước QH, hiện thực hóa mong mỏi của doanh nghiệp, nhân dân được hưởng lợi từ tuyến cao tốc huyết mạch này.” – ông Trần văn Thế, Phó chủ tịch Đèo Cả, nhà đầu tư dự án cho biết.

Tỉnh nghèo, tiền ở đâu?

Trả lời câu hỏi của báo chí “Cao Bằng là một tỉnh rất nghèo, làm thế nào có thể góp đủ 2.500 tỉ (20% tổng mức đầu tư) cho dự án?”, Bí thư Lại Xuân Môn trả lời: “Trong năm 2019, chúng tôi sẽ chuyển khoản 500 tỉ vào tài khoản ngân hàng riêng phục vụ dự án. Chúng tôi sẽ dồn toàn lực để hiện thực hóa con đường cao tốc – khát vọng từ lâu của người Cao Bằng. Nguồn kinh phí này sẽ được gom từ tiết kiệm chi, tăng thu, tiền đấu giá đất và cắt giảm những đầu tư không ưu tiên khác. Trong 4 năm, với quyết tâm rất lớn, chúng tôi sẽ gom đủ 600 tỉ/ mỗi năm…