Khẩn cấp di dời dân, chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9 có thể đổ bộ vào TP HCM

Người dân được di tản đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Yên.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9 đang hướng vào TP.HCM, lực lượng chức năng đang khẩn trương chuẩn bị các phương án đối phó, di dời dân để đảm bảo an toàn.

Sáng 24/11,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường và ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cùng lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, lực lượng bộ đội biên phòng đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại các bến phà và những hộ dân ven biển Cần Giờ.

Tại đây, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu huyện Cần Giờ phối hợp cùng lực lượng biên phòng triển khai nhanh và khẩn trương công tác phòng chống cơn bão số 9, chăm lo cuộc sống cho các hộ dân di dời.

Khẩn cấp di dời dân, chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9 có thể đổ bộ vào TP HCM - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Cường thị sát công tác neo đậu thuyền ở bến Cần Thạnh. Ảnh: Nguyễn Yên.

Đoàn công tác kiểm tra tàu thuyền neo đậu tại bến Cần Thạnh thuộc Thị trấn Cần Thạnh. Nhiều ngư dân vẫn đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, đồng thời đưa tàu, ghe vào bến đậu tránh bão

Sau đó, đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến trường THCS Cần Thạnh để nắm tình hình, việc sơ tản người dân đến nơi an toàn.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM cho biết, để ứng phó với bão số 9, UBND TP HCM đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng và 24 quận, huyện triển khai công tác ứng phó, phòng chống.

Khẩn cấp di dời dân, chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9 có thể đổ bộ vào TP HCM - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Yên.

Ông Liêm cho biết, huyện Cần Giờ là nơi ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão nên công tác di dời dân, chằng chống nhà cửa được triển khai gấp rút.

Dự kiến có hơn 4.000 người dân Cần Giờ phải sơ tán. Tính đến sáng nay, đã có hơn 2.000 người sơ tán đến các điểm lưu trú tránh bão.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, dự kiến đêm nay, rạng sáng ngày mai bão số 9 sẽ đổ bộ vào bờ.

“TPHCM là nơi điểm ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 này. Cần đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, kể cả người dân ven biển và người dân đang nuôi trồng khai thác thủy, hải sản”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Nam Bộ, bão số 9 sẽ đổ bộ vào TP.HCM, cơ quan chức năng thành phố đang khẩn trương chuẩn bị công tác ứng phó.

Sáng 23/11, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo Bộ đội Biên phòng TP, Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện đang trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú an toàn; chấp hành lệnh cấm tàu, thuyền xuất bến từ 13h ngày 23 /11 đến khi có lệnh mới.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 7h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 19h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.