Hủy 2 bản án đã tuyên, điều tra lại vụ container đâm Innova lùi trên cao tốc

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Otofun.net

Với quyết định này, vụ án sẽ được trả lại cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên sáng 30/11, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, cho biết Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội sau khi xem xét Giám đốc thẩm đã quyết định hủy cả hai bán án của TAND Thái Nguyên, liên quan đến vụ container đâm Innova đi lùi trên cao tốc khiến 4 người tử vong.

Theo ông Tuân, hiện cơ quan này đang khẩn trương hoàn tất bản án, trong đó nêu rõ các căn cứ để hủy hai bản án. Với quyết định này, vụ án sẽ được trả cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 1-2/11, TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm tuyên phạt 2 bị cáo 9 năm tù đối với Ngô Văn Sơn (40 tuổi, ở Bắc Ninh) và 6 năm tù với Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, quê Thái Bình) về tội danh “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Ngoài ra, tài xế Hoàng cùng bị cáo Ngô Văn Sơn (người cầm lái Innova bị phạt 9 năm tù) phải cùng bồi thường cho các gia đình bị hại gần 1,2 tỉ đồng.

Kết thúc phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Hoàng tiếp tục khiếu nại. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn kêu oan của chị Vũ Thị Thúy (vợ tài xế Hoàng) đến TAND Tối cao xem xét, xử lý.

Hủy 2 bản án đã tuyên, điều tra lại vụ container đâm Innova lùi trên cao tốc - Ảnh 2.

Bị cáo Hoàng và Sơn tại phiên tòa.

Ngày 6/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông đã yêu cầu rút toàn bộ hồ sơ gốc liên quan đến vụ án đang gây nhiều tranh cãi để xem xét.

Ngày 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ án để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Theo quyết định kháng nghị, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra, xét xử lại.

Kháng nghị cho rằng tòa án cấp phúc thẩm đã xác định lỗi vi phạm của Lê Ngọc Hoàng (tài xế ô tô đầu kéo container) là do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật trên đường và không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Tuy nhiên, để có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như khoa học nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về hành vi vi phạm của tài xế Hoàng thì cần phải làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Trong đó, cần làm rõ điểm va chạm đầu tiên của ô tô đầu kéo và ô tô Innova trên sơ đồ hiện trường, đây là căn cứ quan trọng để xác định khoảng cách giữa hai xe khi va chạm và khoảng cách khi tài xế Hoàng nhấn phanh nhằm xác định mức độ lỗi của các bên.

Làm rõ thời điểm ô tô đầu kéo mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường, nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì.

Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi sau khi TAND hai cấp ở tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm tuyên phạt tài xế Lê Ngọc Hoàng (người điều khiển xe Cotainer) 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Nhiều ý kiến cho rằng, bản án này quá nặng, không đúng với tội danh của tài xế Hoàng.

Trước đó, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn điều khiển chiếc xe Toyota Innova biển số 99A – 142.53 chở theo 10 khách di chuyển từ Bắc Ninh lên TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) để ăn cưới.

Khoảng 15h30 cùng ngày, khi vừa đi qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), Sơn đi chậm lại để hỏi đường. Lúc đó, bị cáo bật xi nhan phải, điều khiển ôtô vào lề đường ngoài cùng bên phải để cháu bé xuống nôn do say xe.

Sau đó, Sơn lùi xe theo hướng Thái Nguyên – Hà Nội để đi ra nút giao Yên Định thì bị chiếc xe đầu kéo mang BKS: 89C -079.17 kéo theo rơ moóc mang BKS: 89R – 004.65 do Hoàng lái tông trúng. Tai nạn khiến 4 người tử vong, 6 người khác bị thương.