Hòa bình bán đảo bên bờ đổ vỡ: Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều

Lễ khai trương văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Kaesong (Ảnh: Hankyoreh)

CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố Kaesong – theo tin từ Bộ thống nhất Hàn Quốc.

Theo Yonhap, động thái trên diễn ra trong bối cảnh lộ trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rơi vào thế bế tắc, sau khi hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 tại Hà Nội giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không đi đến thỏa thuận nào.

Văn phòng liên lạc hai miền bán đảo được mở ở thành phố Kaesong vào ngày 14/9/2018, trước thềm chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Cho Myong Gyon khi đó gọi đây là “một biểu tượng khác cho hòa bình được kiến tạo bởi miền Nam và miền Bắc”.

Theo thông cáo của Bộ thống nhất Hàn Quốc, đại diện phía Triều Tiên đã thông báo cho họ trong cuộc gặp vào hôm nay, 22/3, về việc rút khỏi văn phòng liên lạc hai miền theo chỉ thị từ các cấp cao hơn. Ngay sau đó, Triều Tiên thực thi quyết định này.

Bộ thống nhất Hàn Quốc bày tỏ hy vọng văn phòng sẽ tiếp tục được vận hành bình thường.

Phía Triều Tiên cho biết họ không quan tâm đến việc đội ngũ nhân viên của Hàn Quốc sẽ rời khỏi hay tiếp tục làm việc tại văn phòng. Thứ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Chun Hae Sung cho biết 25 nhân viên nước này sẽ túc trực tại đây hết cuối tuần.

Ngay sau hành động của Bình Nhưỡng, Nhà Xanh đã triệu tập phiên họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), do cố vấn an ninh của tổng thống Chung Eui Yong chủ trì, nhằm thảo luận biện pháp giảm thiểu hậu quả sau vụ việc.

Trước đó, vào ngày 15/3, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho biết “Chúng tôi không có ý định khuất phục trước những yêu cầu của phái Mỹ (được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi cuối tháng 2) dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán theo hướng này”.

Thứ trưởng Choe thúc giục chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi sách lược trong đàm phán hạt nhân, và nhấn mạnh Bình Nhưỡng không có ý định nhân nhượng lập trường.

Bà cho biết thêm, nước này sẽ sớm đưa ra quyết định về việc có tiếp tục theo đuổi đàm phán và kiềm chế tiến hành thử nghiệm hạt nhân/tên lửa hay không.

Việc Bình Nhưỡng tỏ ý cân nhắc rút khỏi đàm phán hạt nhân với Mỹ đã khiến lộ trình hòa bình lao dốc nhanh chóng. Mới nhất, Mỹ siết chặt cấm vận Triều Tiên thông qua trừng phạt hai công ty vận tải Trung Quốc dính líu hoạt động kinh doanh với quốc gia bán đảo. Về phía Triều Tiên, các quan chức cấp cao nước này đã đẩy mạnh củng cố quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên bang Nga, như một nỗ lực tìm kiếm “đòn bẩy” trước khả năng đàm phán Mỹ-Triều đổ vỡ.