Hậu trường thượng đỉnh: Chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị “leo cây” và nỗ lực cứu vãn phút chót của Chủ tịch Kim

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: KCNA.

Theo CNN, cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un không chỉ đơn giản kết thúc khi Tổng thống Mỹ quyết định “bước đi”.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai – sự kiện được trông đợi nhất đầu năm 2019 – đã diễn ra với kết quả trái với kỳ vọng của nhiều người và các bên liên quan. Tuy vậy, phía sau việc hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận vẫn còn nhiều câu chuyện hậu trường chưa được tiết lộ, và nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Sau đây là hai câu chuyện hậu trường do các quan chức cấp cao Mỹ chia sẻ với hãng tin CNN (Mỹ).

Câu chuyện thứ nhất: Ngoại trưởng Mỹ bị quan chức Triều Tiên cho “leo cây”

Để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phải có mặt tại Hà Nội trước khi chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Trump đáp chuyến tại sân bay Nội Bài.

CNN dẫn lời ba quan chức Mỹ và một nguồn thạo tin cho biết, ông Pompeo đã kỳ vọng sẽ có một cuộc gặp phút chót với ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên – người phụ trách ban công tác mặt trận thống nhất Triều Tiên và là vị đặc phái viên của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của Ngoại trưởng Mỹ, cuộc đối thoại ấy đã không bao giờ diễn ra. Theo các nguồn tin của CNN, các quan chức Mỹ đã chờ đợi ông Kim Yong-chol và quan chức đại diện của Triều Tiên trong vài tiếng đồng hồ trước khi đành bỏ cuộc.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên phái đoàn quan chức Mỹ bị phía Triều Tiên cho “leo cây”, nhưng việc một cuộc đối thoại giữa các quan chức cấp cao của hai nước bị hủy bỏ ngay trước giờ lãnh đạo hai nước chính thức gặp mặt như vậy cho thấy những dấu hiệu không mấy lạc quan về kết quả của cuộc gặp.

Hậu trường thượng đỉnh: Chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị leo cây và nỗ lực cứu vãn phút chót của Chủ tịch Kim - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện thứ hai: Lời đề nghị bất ngờ của Chủ tịch Kim

Quả thực, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim đã bất ngờ kết thúc sớm hơn dự kiến của các bên mà không hề đạt được thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, theo thông tin CNN thu thập từ các nguồn thạo tin, thì cuộc gặp của hai ông Trump-Kim không chỉ đơn giản kết thúc khi Tổng thống Mỹ quyết định “bước đi”.

Cụ thể, khi Tổng thống Trump và phái đoàn Mỹ chuẩn bị rời khách sạn Metropole Hà Nội – nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 – thì nữ Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui đã chạy vội tới tiếp cận phái đoàn Mỹ, cùng một thông điệp từ Chủ tịch Kim.

Theo đó, ông Kim đã đề xuất tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon (một cơ sở hạt nhân rất quan trọng và lâu đời tại Triều Tiên) để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng một số lệnh trừng phạt đang được áp dụng với Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nguồn tin cấp cao của CNN cho biết thông điệp trên không nói rõ rằng Triều Tiên sẽ phá hủy toàn phần hay một phần cơ sở trên, do đó các quan chức Mỹ đã yêu cầu phía Triều Tiên đưa ra một câu trả lời chi tiết, rõ ràng hơn.

Một lần nữa, Thứ trưởng Choe đã vội vàng đi xin ý kiến của Chủ tịch Kim. Khi ấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trả lời rằng họ sẽ phá hủy tất cả mọi thứ tại cơ sở này.

Tuy vậy, ngay cả khi bà Choe trở lại cùng lời hồi đáp trên, phái đoàn Mỹ vẫn cảm thấy đề xuất này là chưa đủ, và họ đã quyết định tiếp tục rời đi chứ không tiếp tục đàm phán với phía Triều Tiên thêm nữa.

“Chúng tôi phải nhận được nhiều hơn thế”, ông Trump đã trả lời các phóng viên trong buổi họp báo khi được hỏi về cơ sở Yongbyon. “Chúng tôi cần nhận được nhiều hơn thế, vì chúng tôi đã phát hiện được thêm rất nhiều thứ mà các bạn chưa biết tới [ở Triều Tiên]”.

Phía Nhà Trắng đã từ chối bình luận về câu chuyện trên.

Hậu trường thượng đỉnh: Chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị leo cây và nỗ lực cứu vãn phút chót của Chủ tịch Kim - Ảnh 4.

Chủ tịch Kim được cho là đã nỗ lực níu giữ cuộc đàm phán, nhưng Tổng thống Trump cho rằng đề xuất của Triều Tiên là “chưa đủ” nên đã quyết định “bước đi”. Ảnh: Tuấn Mark.

Theo CNN, cho dù khi ấy phía Mỹ đồng ý tiếp tục ngồi xuống bàn đàm phán với Triều Tiên, thì hai bên vẫn sẽ gặp phải những bất đồng trong vấn đề quy mô và tốc độ gỡ bỏ các lệnh cấm vận để đổi lấy việc phá hủy các cơ sở hạt nhân.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng nỗ lực phút chót của Triều Tiên – và đặc biệt là Chủ tịch Kim – vào ngày hôm đó chính là dấu hiệu cho thấy phía Triều Tiên đã sẵn sàng đạt thỏa thuận, và vấn đề là Mỹ sẽ chấp nhận loại thỏa thuận nào.

Trong cuộc họp báo hậu thượng đỉnh, ông Trump đã khẳng định với báo giới rằng ông chỉ đơn giản là “bước đi” khỏi một thỏa thuận không tốt, chứ điều đó không có nghĩa là quan hệ của hai nước Mỹ-Triều đã đến mức cùng đường.

Tương tự, Ngoại trưởng Pompeo cũng bày tỏ sự lạc quan rằng các cuộc thảo luận và đàm phán song phương sẽ tiếp tục được tổ chức. Ngay cả khi Ngoại trưởng Ri Yong-ho khẳng định rằng Triều Tiên đã xuống nước tối đa và sẽ “không bao giờ thay đổi” đề xuất của mình, thì Ngoại trưởng Pompeo vẫn khẳng định phía Triều Tiên “đã sẵn sàng để tiếp tục đối thoại với Mỹ”.

“Và đó là điều chúng tôi sẽ làm”, ông Pompeo nói.